Tái cơ cấu doanh nghiệp ngành than: Quan tâm quyền lợi thợ mỏ
Năng lượng Mới số 310
Tinh gọn và hiệu quả
Có thể nói rằng, việc tái cơ cấu ngành than đang từng bước trở lại “chính mình” sau nhiều năm chạy theo đầu tư đa ngành, ngoài ngành. Bốn ngành nghề kinh doanh chính được TKV tập trung sâu vào quản trị để phát triển gồm: khóang sản - luyện kim, vật liệu nổ, công nghiệp điện và mũi nhọn trọng tâm là ngành công nghiệp than nhằm phục vụ sản xuất và đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước. Để trở thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có cơ cấu hợp lý, TKV đang từng bước thực hiện việc tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp như: Sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành; hoàn thiện quy chế về công tác cán bộ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường công tác kiểm soát nội bộ...
Công nhân Than Hòn Gai
Tái cơ cấu trong bối cảnh như hiện nay dù còn nhiều việc phải làm nhưng đã bước đầu phát huy hiệu quả trong quản lý. Việc sắp đặt lại những đơn vị sản xuất than một cách tinh gọn, nhằm giảm số lượng bộ máy gián tiếp và tăng lao động trực tiếp là một trong những minh chứng rõ nét nhất. Ví dụ như 3 công ty than Hạ Long, Hòn Gai và Uông Bí khi còn là 2 cấp, lực lượng gián tiếp luôn chiếm tới 17-18%, khi tái cơ cấu thành đơn vị 1 cấp đã giảm xuống còn 10% đã cho thấy bộ máy quản lý cồng kềnh từ công ty xuống đến các xí nghiệp và công trường, phân xưởng khiến chi phí hành chính tốn kém đã đổ dồn tất cả vào giá thành khai thác mỗi tấn than.
Đến nay, cơ cấu này rút gọn, công ty chỉ đạo trực tiếp xuống công trường sản xuất. Ở những đơn vị này, chỉ sau vài tháng sắp xếp đã nhận được sự ủng hộ đồng tình của người lao động, năng suất cao hơn, sản xuất ổn định và thu nhập được ghi nhận tăng so với thời điểm trước đó. Không chỉ cắt bỏ những mảng kinh doanh ngoài ngành, ngành than đã có những tính toán ưu tiên nguồn lực đầu tư vào sản xuất than và tăng thêm tỉ lệ nắm giữ vốn ở những đơn vị đã cổ phần hóa, nhằm mở rộng sản lượng khai thác với mục tiêu duy trì tăng trưởng ngành công nghiệp sản xuất than, góp phần bảo đảm cho an ninh năng lượng quốc gia.
Để người lao động hiểu
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, quá trình tái cơ cấu ngành than có thể sẽ ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động. Điều này càng đặc biệt cần thiết trong bối cảnh thời gian qua, sản xuất kinh doanh than có nhiều khó khăn và dự báo trong năm 2014 này Tập đoàn tiếp tục còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn nữa. Vì thế, để ổn định sản xuất kinh doanh và thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu, nhiệm vụ đặt ra đối với mỗi cấp ủy trong ngành là cần chủ động đề ra, thực hiện các giải pháp nhằm ổn định tư tưởng cho cán bộ, công nhân.
Hiện nay, Đảng ủy Than Quảng Ninh và các cấp ủy trực thuộc đã và đang chủ động nắm bắt diễn biến tình hình, điều tra dư luận xã hội trong cán bộ, người lao động, nhất là ở những đơn vị khó khăn về sản xuất, các đơn vị đang thực hiện tái cơ cấu sâu (chuyển từ công ty 2 cấp thành công ty 1 cấp), các đơn vị mà Tập đoàn đang tiến hành giải thể, sáp nhập hoặc thóai vốn. Các cấp ủy đã phân công cán bộ, nhất là những cán bộ tuyên giáo đến tận đường lò, khu tập thể hay hội nghị người lao động để trò chuyện, phát phiếu điều tra nhằm nắm bắt được suy nghĩ thực sự của người lao động để từ đó nghiên cứu, đề xuất giải pháp phù hợp.
Ban Tuyên giáo Đảng ủy đã chỉ đạo các cấp ủy cơ sở tuyên truyền để cán bộ, công nhân trong ngành nắm được thực trạng tình hình sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ tái cơ cấu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để từ đó mọi người hiểu và đoàn kết, phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” để cùng thực hiện, cùng vượt qua khó khăn. Để ổn định tư tưởng cho cán bộ, công nhân trong ngành trong quá trình thực hiện tái cơ cấu và trong bối cảnh có nhiều khó khăn, Ban Tuyên giáo Đảng ủy Than Quảng Ninh đã tham mưu cho Đảng ủy Than Quảng Ninh chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về truyền thống anh hùng, tinh thần đoàn kết, vượt khó của thợ mỏ. Cùng với đó là tham mưu thực hiện các giải pháp để ổn định đời sống thợ mỏ như: Xây dựng các khu nhà ở, khu tập thể cho công nhân, xây dựng các công trình phúc lợi khác và nhiều biện pháp cải thiện đời sống thợ mỏ.
Đảng ủy Than thời gian qua nghiêm túc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI), đặc biệt đã tập trung vào: Quản lý tốt khai trường, chống thất thóat trong sản xuất, kinh doanh than; cải tiến quản lý và hợp lý hóa các khâu sản xuất để giảm giá thành và khắc phục những biểu hiện suy thóai trong một bộ phận cán bộ để củng cố niềm tin của thợ mỏ đối với sự lãnh đạo của các cấp ủy và lãnh đạo Tập đoàn. Theo ông Lê Ngọc Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Than Quảng Ninh, tái cơ cấu trong bối cảnh có nhiều khó khăn sẽ ảnh hưởng đến nhiều người lao động trong Tập đoàn. Làm tốt công tác tư tưởng chính là giải pháp quan trọng nhằm góp phần thực hiện thành công việc tái cơ cấu ngành than.
Mạnh Kiên