Sương gió nghề ong
Lẽ thường, cứ tháng Ba hàng năm là mùa con ong đi lấy mật, cũng vì chỉ có mùa xuân thì các loài hoa mới nở rộ, tỏa hương và kết mật để cho đàn ong cần mẫn mang về tổ. Nhưng ở vùng Tây Nguyên này lại khác, chỉ trừ 3 tháng giữa mùa mưa, còn lại gần như quanh năm suốt tháng, hàng chục vạn đàn ong đã thực hiện nhiều cuộc thiên di ào ạt với chiều dài hàng trăm kilômét theo những mùa hoa trên khắp các vùng miền đất nước, thậm chí sang cả các nước láng giềng. Người ta gọi đó là những mùa di ong…
Theo những mùa hoa
Từ đầu tháng trước, hơn 200 đàn ong của ông Diễm đã được đưa lên ôtô để dời đến những vườn cà phê ở xã Ia Châm, cách Pleiku chừng 30km về phía nam. Ông Diễm bảo: “Thì đây là vùng đất bạt ngàn cà phê vừa được tưới nước và đang trong kỳ ra hoa rộ nhất. Đó cũng là lúc đàn ong của ông tha hồ hút mật của những bông hoa cà phê nở giữa mùa khô Tây Nguyên”. Ở phố núi này, những ông chủ nuôi ong chuyên nghiệp như ông Diễm nhiều vô kể. Có người sở hữu cả ngàn thùng ong ngoại, chủ yếu là ong nhập từ Italia (còn gọi là ong Ý). Hàng vạn đàn ong của các ông chủ nghề ong đang đáp chân ở khắp các lô cà phê. Tất cả những người nuôi ong chuyên nghiệp đều thường xuyên liên lạc với nhau, vừa để thông tin giá cả thị trường, vừa dễ sắp xếp các vùng chuyển ong, tránh trùng lặp nhiều đàn ong cùng một chỗ. Do vậy, khi hơn 200 thùng ong của ông Diễm ở Ia Châm thì đàn ong nhà Ninh Đức cũng xấp xỉ 1 nghìn thùng lại đóng đô ở Ialy, Ia Sao. Cứ thế, qua những đàn ong ở Đắk Lắk thì đến hàng chục vạn đàn ong ở Lâm Đồng, chủ yếu là vùng Bảo Lộc với các đại gia làng ong như ông Tiệm, ông Ơn….
Tại đại bản doanh của Nông trường Cà phê Ia Sao (Ia Grai) đang có gần 1 ngàn thùng ong của các chủ ong người Hưng Yên đăng ký “tạm trú”. Nếu như ở các tỉnh Tây Nguyên có các hội nuôi ong cấp tỉnh, cấp huyện thì những người nuôi ong Hưng Yên lại lập ra một bang hội nuôi ong di động. Bang ong đến đâu đều được làm đăng ký tạm trú hẳn hoi cho cả ong lẫn người. Người đứng đầu bang hội nuôi ong sẽ chịu trách nhiệm thu mua mật ong của các thành viên, thông báo thời điểm di dời đàn ong từ vùng hoa này đến vùng hoa khác, thông báo về diễn biến thời tiết, tình trạng sức khỏe của đàn ong… Người ít thì vài ba trăm thùng, nhiều thì gần 1 ngàn thùng, nhưng đó cũng chỉ là một phần nhỏ so với tổng đàn ong toàn bang đang đặt khắp vùng trồng cà phê ở Tây Nguyên này.
Đang giữa mùa khô trong những vườn cà phê ở Tây Nguyên, nhưng những người nuôi ong nắm rõ lịch trình di ong của bang mình. Họ cho biết, có khi phải chuyển ong ra Bắc để lấy mật hoa nhãn, hoa vải ở Hưng Yên, Bắc Giang… rồi sau đó xuống Quảng Ninh để đặt ong trong rừng vẹt, rừng sú ven biển… Những đàn ong có “hộ khẩu” tại Tây Nguyên thì có phần thuận lợi hơn, vì sau khi hết vụ khai thác mật cà phê, cao su thì họ chỉ thường di ong xuống vùng thấp hơn như xứ dừa Tam Quan – Bình Định, hay các vùng ở phía đông Tây Nguyên… Có một thời gian đàn ong của Tây Nguyên đã sang đến đất Lào, Campuchia để tìm mật, nhưng việc xuất ong, nhập mật về gặp nhiều khó khăn nên ngày càng ít người di ong sang nước bạn. Người nuôi ong vì thế được ví von như nhà dự báo khí tượng, nhà nghiên cứu sinh vật học, nhà thám hiểm, nhà y học…
Sương gió nghề ong
Theo ông Đỗ Minh Hải – Chủ tịch Hội nuôi ong Gia Lai thì hơn 1 thập niên trước, phần lớn đàn ong ở nước ta đều là ong nội, còn gọi là ong ta. Ong nội ăn ít nên đỡ công di dưỡng, nhưng năng suất mật cho không cao, lại thường hay bị bệnh nên dần dần những đàn ong nội được thay thế bằng đàn ong ngoại, chủ yếu là ong nhập từ Italia, Australia… Đặc điểm chính của ong ngoại là cho mật nhiều, sức kháng bệnh cao, nhưng vì “ăn nhiều” nên hầu hết những người nuôi ong ngoại chuyên nghiệp đều phải di ong thường xuyên đến vùng có hoa để đảm bảo nguồn mật, nguồn phấn cho ong. Cũng từ đó mà có những mùa di ong quanh năm suốt tháng theo mỗi mùa hoa. Nuôi ong không còn là nghề phụ như thường thấy trước đây, mà thực sự đã trở thành nghề nghiệp chính của nhiều người…
Bên trại ong 250 thùng của mình, anh Trương Công Tư dự tính chỉ chờ khoảng 2 ngày nữa là đến lượt quay mật. Mải theo đàn ong cùng mấy anh em trong bang, đã gần giáp năm nhưng anh Tư vẫn chưa một lần ghé thăm nhà. Anh bảo: “Đời nuôi ong chúng tôi cũng như con ong, con ong đi đâu thì chúng tôi đến đó. Tính ra anh em bọn tôi đi du lịch nhiều lắm, toàn đến nơi đất nở hoa, trời tỏa nắng, đẹp như thiên đường cả. Chỉ tội là phải ăn trong rừng, ngủ trong rừng, nhà mình là nơi ghé chân thôi. Đôi khi nghĩ để vợ con mà đi biền biệt cũng buồn, tính bỏ nghề về làm nông, nhưng khổ nỗi đi nhiều thành nghiện, không bỏ được…”. Trong số hơn 10 người của bang, người có thâm niên di ong nhiều nhất là trên 15 năm như ông Việt, ông Liệt, người ít thâm niên cũng trên 5 năm. Mỗi người một cảnh, nhưng ai cũng có điểm chung là đam mê nghề ong, sống chết với con ong.
Theo lời ông Đỗ Minh Hải – Chủ tịch Hội nuôi ong Gia Lai thì: “Ngó qua trông nhàn nhã vậy, chứ kỳ thực nghề nuôi ong mà không tinh ý, không thường xuyên chăm lo cho đàn ong thì sớm muộn cũng thất bại. Vì con ong rất nhạy cảm nên những thay đổi của điều kiện bên ngoài đều có thể ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến đời sống cũng như việc làm mật của con ong. Chí ít, nuôi ong thì mùa đông phải giữ cho ong ấm, đủ thức ăn; các mùa còn lại thì phải nhân đàn, rồi tìm nguồn mật, nguồn phấn cho ong… Kiến thức nuôi ong không chỉ học lý thuyết trơn tru là được, mà phải cần cù, dày công nghiên cứu, tích lũy mới thành”.
Nuôi ong làm giàu
Cả bang ong Hưng Yên có hơn 10 người thì tất cả đều có điểm xuất phát từ nghề nông thuần túy, quanh năm bám đồng, lội ruộng cũng chẳng đủ ăn, nhưng từ khi có đàn ong trong tay thì ai nấy đều khá lên nhanh chóng. Để ăn chắc, gia đình họ vẫn theo nghề nông, vì nghề ong thực tế vẫn không cần nhiều lao động, một người có thể phụ trách hơn 200 đàn ong. “Chỉ cần từng đó là đủ làm giàu rồi” – anh Tư khẳng định. Theo ông Diễm thì: “Mấy năm nay giá cả mật ong rất được, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Ước tính trên 90% lượng mật ong ở nước ta đều được xuất đi các nước Nhật Bản, Mỹ, EU… chỉ sợ là không có mật mà bán”. Bản thân ông Diễm hiện tại đã đầu tư một nhà máy tinh lọc mật ong tại Pleiku (Gia Lai) quy mô lớn nhất nước, đã bắt đầu đi vào hoạt động từ vụ mật này, nhưng ông cũng đang lo lượng mật không đủ để phát huy hết công suất nhà máy. Dù thế ông Diễm vẫn tin tưởng vào tương lai ngành ong ở Tây Nguyên này, một minh chứng cụ thể là đàn ong ở Gia Lai năm trước mới chỉ trên dưới 10 vạn, nhưng năm nay đã vọt lên gấp đôi.
Ông Diễm khẳng định, “nuôi ong chuyên nghiệp thì khó giàu, nhưng chắc chắn là không bao giờ nghèo. Con ong đã, đang đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở vùng Tây Nguyên này. Ngày trước, số người nuôi ong chuyên nghiệp, cũng như số đàn ong ở Tây Nguyên này chẳng có là bao, nhưng bây giờ đã lên tới hàng nghìn hộ nuôi, hàng chục vạn đàn ong, mỗi năm cho khoảng 15 nghìn tấn mật”. Đi khắp vùng Tây Nguyên bao la rộng lớn, giữa bạt ngàn cà phê, cao su, lâu lâu lại thấy một vài trại ong cắm chốt ở bìa lô ven đường. Ngoài lợi ích kinh tế, con ong đang góp phần cho những vụ cà phê của đồng bào Tây Nguyên thêm trĩu quả.
Đức Hoàng