Sẽ chấm dứt kiểm tra kiểu 'hành chính'
Kiểm tra có báo trước?
Tại Hội nghị nói trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Thời gian qua, ATTP đã có những dấu hiệu tích cực, trong đó một phần nhờ nỗ lực công tác thanh tra, kiểm tra, minh chứng là số ca ngộ độc thực phẩm giảm, nhiều cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bẩn bị xử lý. Tuy nhiên, do tình hình thực tế ngày càng phức tạp mà công tác này chưa đáp ứng yêu cầu, không đủ sức răn đe đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm mất ATTP”. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh thêm: “Riêng trong tháng 9, đã có hơn 21.000 đoàn thanh kiểm tra vậy mà ATTP vẫn chưa diễn ra như chúng ta mong muốn”.
Và thực tế từ công tác thanh kiểm tra suốt thời gian qua, phải nói rằng công tác này mới thiên về thủ tục hành chính mà thiếu sự kiểm tra gắt gao thực tiễn, điển hình như lần kiểm tra ATTP tháng 9 vừa qua, khoảng thời gian có tết Trung thu diễn ra. Dịp đó, đặc biệt tại các thành phố lớn, từ cấp Trung ương đến địa phương liên tục tổ chức thanh kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu.
Thế nhưng dưới sự quan sát của giới báo chí thì phần lớn những cuộc kiểm tra đó chỉ mang tính hành chính. Tại Hà Nội, theo chân đoàn thanh tra liên ngành, trong đó có lãnh đạo của Sở Y tế Hà Nội, một nhóm phóng viên đã chứng kiến cảnh kiểm tra, thanh tra của họ tại Công ty Sản xuất bánh mứt kẹo Tràng An thì thấy, khi đến nơi đoàn đã có sẵn người của công ty đứng đợi đón tiếp, có sẵn cả hồ sơ giấy tờ trên bàn để kiểm tra. Dường như sự sẵn sàng đó cho thấy nó là một cuộc gặp gỡ hơn là một cuộc thanh tra, kiểm tra về ATTP.
Điều đáng nói hơn là ngay cách kiểm tra của đoàn thanh tra cũng thể hiện rất rõ tính “thủ tục”, hình thức khi đoàn phân chia thành 2 nhóm, một nhóm kiểm tra giấy tờ gồm giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, công bố tiêu chuẩn sản phẩm, công bố phù hợp quy định ATTP… Một nhóm đi kiểm tra cơ sở sản xuất. Trong vòng 1 tiếng đồng hồ tất cả công việc thanh tra, kiểm tra hoàn tất trong sự vui mừng rằng cơ sở đạt 100% tiêu chuẩn ATTP.
Kết quả của cuộc kiểm tra cùng với quá trình kiểm tra làm cho những người chứng kiến cảm thấy cuộc thanh tra, kiểm tra thực phẩm, loại mặt hàng đặc thù có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người hằng ngày ấy có vẻ đơn giản, dễ dàng, chóng vánh quá. Trong khi thực tế của tình trạng thực phẩm mất vệ sinh phức tạp đến mức ngay cả khi kiểm tra cẩn trọng cũng chưa chắc đã phát hiện ra.
Tương tự, kiểm tra ATTP tại một cơ sở khác, đoàn thanh tra cũng lặp lại y nguyên từ quy trình đến cách thức kiểm tra như vậy. Cũng lại có người chờ sẵn, cũng lại giấy tờ thủ tục đã ngay ngắn trên bàn để đoàn kiểm tra xem xét. Cũng lại màn hỏi - đáp rất “thủ tục” giữa cơ quan chức năng và cơ sở được kiểm tra. Đã thế có khi có câu trả lời đáng lẽ phải do cơ sở trả lời thì người hỏi trực tiếp tự hỏi rồi lại tự trả lời luôn. Và rồi kết quả kiểm tra cuối cùng lại đạt 100% tiêu chuẩn ATTP. Tất cả hai bên - bên kiểm tra và được kiểm tra “vui như tết” cười nói rổn rảng như kết thúc một cuộc thăm viếng, gặp gỡ, giao lưu giữa bạn bè. Những cuộc kiểm tra như vậy khiến người ta thiếu tin tưởng vào chất lượng kiểm tra, thanh tra.
Tuy nhiên, những cuộc kiểm tra ấy vẫn không làm người ta nghi ngờ chất lượng thanh tra bằng việc kiểm tra một cơ sở không còn sản xuất, đã “gác” tất cả những dụng cụ sản xuất lên giá, đã “xếp xó” hàng loạt những khuôn (làm bánh), những nồi niêu… như Long Đình, một cơ sở sản xuất bánh nổi tiếng ở Hà Nội nhưng sau đó kết luận kiểm tra vẫn là đạt ATTP. Đó là chuyện… khó tin nhưng có thật!
Để rõ hơn về điều này, có thể thực mục sở thị tại những cơ sở đã được ngành y tế Hà Nội công nhận đạt tiêu chuẩn ATTP hẳn hoi nhưng thực tế thì mất vệ sinh ở ngay những khâu tối thiểu nhất. Như cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo Đỗ Thế Gia, Bình Trung, ở làng nghề Xuân Đỉnh, dù được cấp đủ các loại giấy chứng nhận ATTP do cơ quan quản lý cấp song trong quá trình sản xuất, nhân viên tay trần nặn nhân, bánh; tay trần ép bánh vào khuôn. Bánh làm ra thành thành phẩm nhưng không dán tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ, vỏ hộp… để tạo cơ hội cho những kẻ mua buôn muốn dán nhãn của cơ sở sản xuất nào cũng được. Sàn nhà ẩm ướt, nhếc nhác, phải lấy bìa các-tông trải lên nhằm thấm nước… Thật cẩu thả hết chỗ nói.
“Nâng cấp” thanh tra viên
Cũng chính vì chất lượng kiểm tra như vậy, cũng chính vì những khó khăn đang diễn ra trong đội ngũ thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm không chỉ riêng trên một địa bàn nào mà toàn quốc về nhân lực, chất lượng nên Chính phủ quyết định thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành này xuống tận cấp xã/phường, quận/huyện tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bắt đầu từ giữa tháng 11 và kéo dài 1 năm. Chủ trương này “nhắm” vào việc kiểm tra trực tiếp tại cơ sở và xử phạt lập tức sẽ giúp cải thiện được tình hình ATTP đang diễn ra phức tạp hiện nay. Tất nhiên để có thể làm được như vậy thì yếu tố đầu tiên thanh tra viên phải nâng cao trách nhiệm, vai trò, chất lượng công việc thanh kiểm tra… Và cũng cần nói thêm các thanh tra viên này không chỉ của Bộ Y tế mà của cả 2 bộ nữa là Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Theo Quyết định số 38/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, thanh tra viên thay vì là công chức chuyên trách về ATTP như hiện nay thì có thể là viên chức, kinh nghiệm chỉ cần 1 năm và kinh nghiệm ấy có thể là liên quan đến ATTP mà không cần phải trực tiếp làm việc về lĩnh vực này. Các thanh tra viên nói trên có quyền kiểm tra, kể cả kiểm tra độc lập ở cả 3 lĩnh vực: y tế, nông nghiệp, công thương và có quyền xử phạt tại chỗ trong phạm vi 500 nghìn đồng. Số tiền đó địa phương được phép giữ lại để sử dụng cho chính những công tác quản lý ATTP trên địa bàn mình.
Nhân viên không đi găng tay theo quy định khi sản xuất bánh tại cơ sở sản xuất |
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Quyết định số 38/QĐ-TTg như một “chiếc gậy” mở đường để lực lượng thanh tra có thể tự chủ hơn trong công tác xử lý đối với những trường hợp vi phạm nhưng đồng thời cũng nâng cao trách nhiệm, vai trò rất nặng nề của họ. Quyết định số 38 cũng có thể coi là một giải pháp đột phá trong công tác quản lý khi đề ra cụ thể công việc thanh kiểm tra không còn thiên về thủ tục hành chính mà phải đi vào chất lượng sản phẩm, thực tế sản xuất... ở cơ sở, doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, trước việc cho địa phương giữ lại 100% tiền phạt, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cảnh báo: “Thời hạn thí điểm chỉ trong vòng 1 năm và thực hiện theo đúng các luật liên quan rất khó nên 3 Bộ trình Chính phủ trao quyền xử phạt cho cán bộ xã phường. Việc thực hiện này phải theo đúng quy định pháp luật, không được lạm dụng để “hành” dân, khiến dân bức xúc. Nếu ai vi phạm sẽ xử lý nghiêm minh”.
Được biết để thực hiện Quyết định thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP vào giữa tháng 11 tới thì Bộ Y tế cùng các bộ liên quan đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và cấp chứng chỉ cho các thanh tra viên. Sau 6 tháng thực hiện, sẽ có đánh giá, nhận xét để trên cơ sở đó có thể rút kinh nghiệm, điều chỉnh hay bổ sung những gì cần thiết. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kỳ vọng: “Lần thì điểm này các đơn vị, địa phương phải triển khai quyết liệt để có chuyển biến. Nếu không có chuyển biến, ATTP vẫn gây bức xúc thì không thể chấp nhận được”.
Xuân Bách
Năng lượng Mới 472
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng