Sa Pa năm nay hiếm đào cổ thụ đẹp xuống chợ
Năm nay Sa Pa (Lào Cai) không có nhiều cành đào cổ thụ như những năm trước. |
Những cành đào phai Sa Pa đã được khách hàng chọn mua để vận chuyển về xuôi phục vụ người chơi hoa Tết. Đây đều là loại đào vùng cao do dân trồng. |
Hai tuần nay, người dân vùng núi Sa Pa tỉnh Lào Cai - nơi được coi là "thủ phủ đào phai chơi Tết" - đã bắt đầu chặt những cành đào phai do nhà trồng mang xuống chợ bán.
Dọc quốc lộ 4D từ vùng rau Ô Quý Hồ nằm dưới chân đèo Hoàng Liên giáp danh với tỉnh Lai Châu kéo dài xuống xã Trung Chải là nơi có nhiều điểm bày bán đào Tết của thị xã Sa Pa từ nhiều năm nay.
Nơi được coi là chợ đào Tết lớn nhất và cũng là nơi đông người mua bán đào nhất ở thị xã Sa Pa là điểm chợ đào cầu km 32, nơi đây hàng ngày có hàng trăm lượt người tới mua bán cành đào phai hay còn gọi là đào núi mang đi các tỉnh, thành phố miền xuôi phục vụ người chơi Tết.
Trẻ em Sa Pa giúp bố mẹ mang đào nhà trồng được đi bán kiếm tiền chi tiêu dịp Tết |
Nhìn chung hoa đào Sa Pa năm nay không đẹp vì thưa hoa, hoa nhỏ, cánh non nhiều nên giá bán không cao.
Chỉ với 100.000 - 200.000 đồng là người tiêu dùng có thể sắm được cành đào nhỏ ưng ý cắm lọ, còn những cành dáng đẹp, cổ thụ có nhiều rêu bám vào thân cành xù xì giá bán thường từ 500.000 - 1.000.000 đồng, rất khó tìm được những cành to đẹp có giá 5 - 10 triệu đồng.
Đào Tết Sa Pa và các huyện của tỉnh Lào Cai năm nay chưa dán tem chỉ dẫn địa lý xuất xứ như tỉnh bạn Sơn La, nhưng các cơ quan chức năng địạ phương thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm những người mua bán cây cảnh mọc hoang dã, trong đó có cây đào rừng không phải do dân trồng.
Đào phai Sa Pa năm nay ít hoa, cành non không đẹp nên giá bán thấp |
Trong cuộc kiểm tra công tác bảo vệ rừng ở tỉnh Lào Cai gần đây, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tới thăm vườn đào của một gia đình ở khu vực Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa. Ông nói: "Thủ tướng Chính phủ không cấm chặt, khai thác cây đào, cây hoa mà người dân trồng. Thậm chí, những loại cây này đã trở thành hàng hóa, thành nguồn thu nhập của người dân. Qua khảo sát thực tế, ở tỉnh Lào Cai cũng không còn đào trên rừng để chặt. Tuy nhiên, cần phải kiểm soát, quản lý rừng tốt từ địa bàn, từ cơ sở… Về lâu dài, cây đào có hiệu quả nếu trồng trên đất nông nghiệp, trồng ở vườn và có bàn tay của nghệ nhân chăm sóc thì cây có giá trị rất lớn".
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng đề nghị tỉnh Lào Cai nghiên cứu có chương trình, vận động bà con làm chứng nhận xuất xứ đối với loại cây này, vừa đảm bảo thương hiệu, giá trị, được nhà nước bảo hộ cho việc làm ăn chân chính.
Cầu Km 32 trên quốc lộ 4D là điểm bán nhiều đào Tết nhất của vùng núi Sa Pa. |
Thị xã Sa Pa là địa phương có diện tích trồng cây đào ăn quả và lấy hoa phục vụ Tết lớn nhất tỉnh Lào Cai. Hàng năm bà con các dân tộc nơi đây đưa ra thị trường hàng vạn cành đào Tết các loại, thu về hàng tỷ đồng. Không ít gia đình khá giả nhờ trồng hoa đào và hoa địa lan phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên năm nào tại các điểm bán hoa đào Tết ở thị xã Sa Pa và Hội hoa xuân thành phố Lào Cai cũng có hàng trăm cành đào người dân mang đi bán không có người mua, vứt chỏng chơ thành củi rác.
Vì thế ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai yêu cầu chính quyền địa phương vận động người dân phát triển trồng hoa đào làm hàng hóa nhưng chặt bán có định hướng, đủ cung, không chặt trụi gốc để năm sau cây tiếp tục ra hoa, kết trái.
Theo Dân trí
-
Quy định mới về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục
-
Thiết kế nội thất Nhà ga hành khách sân bay Long Thành thể hiện tính dân tộc, văn hóa, truyền thống
-
Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
-
[Video] Cảnh sát biển Việt Nam - Indonesia luyện tập chung trên biển
-
Nhiều khoảng trống pháp lý trong quản lý thuốc lá điện tử và nung nóng