Rủi ro vì tín dụng tiêu dùng
Đó là các khoản vay ngắn hạn cho phép người tiêu dùng sử dụng vào các mục đích mua sắm hàng hóa phục vụ cho nhu cầu cá nhân và gia đình, từ lớn như mua nhà cho đến nhỏ như chỉ mua chiếc điện thoại di động để sành điệu với người yêu hoặc mua chiếc tủ lạnh để chuẩn bị đón đứa con đầu lòng sắp ra đời. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến hết năm 2015, cả nước có 16 công ty được phép hoạt động trong lĩnh vực TDTD.
TDTD khác với đa phần các loại tín dụng khác nhưng lại gần với… tín dụng đen. Khác là ở chỗ thủ tục cho vay cực nhanh gọn, đặc biệt là không cần thế chấp tài sản, chỉ cần chứng minh thu nhập, thủ tục nhanh đến mức có công ty quảng cáo, chỉ cần 30 phút là người vay được nhận được tiền. Còn giống với tín dụng đen là ở chỗ, lãi suất vay ở mức cắt cổ và lơ mơ chậm trả là có thể bị… xin tí tiết (!).
Quá nhanh thường là quá nguy hiểm và mọi thứ dễ dãi đều phải trả giá, còn miếng pho-mát cho không thì chỉ có ở trong… bẫy chuột.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, trong một cuộc hội thảo về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong lĩnh vực TDTD đã đưa ra con số cho thấy, dù quá nhanh - quá nguy hiểm thì TDTD vẫn được nhiều người lựa chọn. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho hay, trong 7 năm gần đây, tổng dư nợ tiêu dùng tăng 20% mỗi năm và dịch vụ này đã có gần 16 triệu khách hàng. Tổng giá trị cho vay TDTD khoảng 10,4 tỉ USD chiếm 6,6% GDP. Đặc biệt trong giai đoạn 2014-2015 lợi nhuận của các công ty tài chính tăng gần 40%.
Không thể phủ nhận rằng, dịch vụ TDTD mang lại tiện ích cho người dân. Đây cũng là “mồi câu” hấp dẫn nhất của dịch vụ này. Và, quả nhiên, so với các thủ tục vay vốn có phần khắt khe của ngân hàng thì sự nhanh gọn tới mức “siêu tốc” của TDTD đã là “cú ra đòn” quyết định, “đánh gục” người tiêu dùng.
Một người đàn ông lần đầu tiên được làm bố, thu nhập tầm 8-10 triệu đồng/tháng muốn sắm thêm cho gian nhà đang ở thuê một chiếc máy lạnh để cho đứa con đầu lòng khỏi nóng; một cậu sinh viên năm cuối chuẩn bị ra trường, muốn tậu con xe máy để làm phương tiện đi lại nếu may mắn xin được việc làm; một gia đình trẻ trót vận dụng hết khả năng vay mượn ở cả hai bên nội ngoại để dồn tiền mua một căn hộ tập thể cũ, giờ không bói đâu ra tiền để sắm những vật dụng thiết yếu của đời sống đô thị như tivi, tủ lạnh sẽ làm sao tiếp cận và đáp ứng được những đòi hỏi của tín dụng ngân hàng? Và họ chính là khách hàng tiềm năng của TDTD, hay nói đúng hơn là họ không còn lựa chọn nào khác ngoài TDTD. Đó còn chưa kể so với tín dụng đen, TDTD hẳn có độ tin cậy cao hơn.
Nhưng tiện ích “siêu tốc’ của TDTD trên thực tế đang tỷ lệ nghịch với những rắc rối nảy sinh, những bất lợi mà người đi vay phải gánh chịu sau khi ký hợp đồng. Các nhân viên tư vấn các hot girls thường tư vấn kiểu nửa vời cho người vay. Ví dụ, họ chỉ tư vấn nghiêng về các tiện ích (nhanh, thủ tục vay đơn giản, nhận tiền đơn giản, chi trả đơn giản, lãi suất thấp) mà cố tình quên các điều khoản ràng buộc rất chặt chẽ (như các khoản phí phát sinh, các mức tiền phạt trả chậm rất cao…).
Đó còn chưa kể, do lợi thế tiện ích đến tận răng mà người vay tiêu dùng hoàn toàn có thể tiếp cận với dịch vụ TDTD ở ngay tại các siêu thị điện máy lớn, các cửa hàng nội thất lớn.
Người mua muốn mua máy tính ư, muốn mua tivi ư, ngay tại nơi bán hàng các nhân viên tư vấn cho vay tiêu dùng đã chờ sẵn. Nhiều hợp đồng TDTD đã được người vay đặt bút ký ngay tại đây. Trong không gian ồn ào như thế, trong bối cảnh bị hưng phấn cao độ khi món đồ mơ ước ngay trong tầm tay, người vay hoàn toàn bị mê hoặc.
Họ có thể - mà không phải có thể - mà đã ký hợp đồng vay khi phần lãi suất bị bỏ trống, khi họ không biết nếu chậm trả 1 ngày họ sẽ bị phạt bao nhiêu, họ sẽ phải chịu thêm bao nhiêu khoản phí khác phát sinh sau hợp đồng tín dụng này, ví như khoản phí bảo hiểm hợp đồng chẳng hạn. Ác nỗi, hợp đồng ký xong và có hiệu lực ngay tắp lự, bằng chứng là được giải ngân tại chỗ, nhưng họ lại không được nhận ngay bản hợp đồng ấy. Mà thường các nhân viên tư vấn sẽ nêu lý do là hợp đồng phải chuyển về công ty hoàn thiện nên sẽ gửi về cho quý khách theo đường bưu điện.
Nhiều người mãi đến khi nhận được hợp đồng mới biết, lãi suất không phải là 1-2% như tư vấn ban đầu mà lên tới 6-7%/tháng. “Bút sa - gà chết”, hợp đồng đã có chữ ký tươi của chính mình, lại đã có hiệu lực, người vay chả biết kêu ai.
Chưa hết, khi làm thủ tục TDTD, yêu cầu bắt buộc là bên vay phải khai tên, số điện thoại của một số người thân trong gia đình. Lý do được các nhân viên tư vấn đưa ra là để “xác minh người vay”. Và bởi vậy, khi người vay có dấu hiệu chậm trả thì ngoài họ, người thân của họ cũng bị quấy rối, thậm chí đe dọa.
Theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, cơ quan này gần đây nhận được nhiều các khiếu nại liên quan đến cho vay TDTD với các hợp đồng cho vay với lãi suất cắt cổ tới 60-80% mỗi năm và người vay khi chậm trả bị đe dọa, quấy rối không khác gì nạn nhân của “tín dụng đen”.
Đó còn chưa kể, sau khi ký hợp đồng, người vay muốn khiếu nại, thậm chí muốn thanh lý hợp đồng cũng rất khó khăn. Họ rất khó khăn khi liên lạc với công ty, điện thoại thường chỉ là số tổng đài với những hướng dẫn rắc rối, gửi khiếu nại bằng văn bản thì không có nơi nhận.
Túm lại là “bút đã sa” thì “gà phải chết”!
Ông Hồ Tùng Bách - Phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh cho hay, dịch vụ này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng và theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì nếu quản lý không tốt thì rất có thể sẽ bị biến tướng thành “tín dụng đen”.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, người sử dụng dịch vụ TDTD ở nhiều nước đã được các thiết chế pháp luật bảo vệ, ví dụ nhiều nước trong EU cho phép người tiêu dùng được hủy hợp đồng đã ký kết trong vòng 14 ngày, Singapore cho phép hủy hợp đồng trong vòng 5 ngày…
Nhưng kể cả trong bối cảnh thiết chế luật pháp cực kỳ chặt chẽ với dịch vụ này thì trước tiên người tiêu dùng phải biết cách bảo vệ mình để tránh sa bẫy. Đó là chỉ vay tiêu dùng khi nhu cầu thật bức thiết. Đó là phải tính toán thật kỹ khả năng và phương án trả nợ. Đó là phải đọc thật kỹ các điều khoản của hợp đồng và sẵn sàng từ chối những bản hợp đồng mà mình cho là mập mờ, thiếu rõ ràng.
Nên nhớ: “Quá nhanh - quá nguy hiểm” không đơn thuần chỉ là tên của một series phim hành động nổi tiếng của Mỹ mà là quy luật của đời sống, là cặp phạm trù nguyên nhân - hậu quả!
Song Thi
Năng lượng Mới 544
-
Tin tức kinh tế ngày 20/4: Dư nợ tín dụng tiêu dùng giảm 2,5%
-
Cần quy định không cho ngân hàng thương mại bán bảo hiểm liên kết đầu tư
-
Agribank góp phần đẩy lùi “tín dụng đen” mùa dịch
-
Thời điểm cuối năm là cơ hội để đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng
-
Ảnh hưởng dịch bệnh, tín dụng tiêu dùng có dễ trở thành nợ xấu?
-
Tin tức kinh tế ngày 15/11: Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT 6 tháng đầu năm 2025
-
Kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm rủi ro thiên tai và khuyến nghị cho Việt Nam
-
Đánh giá điểm nổi bật của thị trường dầu mỏ toàn cầu trong tháng 10/2024
-
COP29: Azerbaijan bảo vệ quyền khai thác dầu khí trước áp lực quốc tế
-
EU đề xuất tăng nhập khẩu khí đốt từ Mỹ để giảm phụ thuộc vào Nga