Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Rau Trung Quốc "mượn" mác Đà Lạt

07:00 | 15/11/2012

1,947 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hiện không chỉ có một số hoa quả mà còn có nhiều loại rau của Trung Quốc được các thương lái dán cho cái mác hoa quả và rau của Việt Nam, nhằm đánh lừa người tiêu dùng trong nước. Vì vậy, để bảo đảm sức khỏe của mình và người thân, thì những người nội trợ cần phân biệt được rau trong nước và rau Trung Quốc khác nhau như thế nào.

Đội lốt “rau Đà Lạt”

Từ những ngày cuối tháng 8 đến nay, hầu như các chợ trên địa bàn TP Hà Nội đều bày bán loại bắp cải tròn, trắc nịch, lá xoăn dày và xanh mượt nhìn rất bắt mắt. Chủ các hàng rau thường giới thiệu và mời chào khách đó là bắp cải của Đà Lạt. Một cây bắp cải nằm gọn trong chiếc bát tô, cân nặng khoảng 1kg được bán với giá 15.000 đồng. Bắp cải này luộc ăn khá ngọt, nên nhiều người rất thích ăn. Nhưng theo một chuyên gia trong lĩnh vực trồng trọt, thì đó không phải là bắp cải của Đà Lạt. Mà bắp cải ở các tỉnh phía bắc hiện vẫn chưa vào mùa, nếu có sớm thì cây bắp cải không xoăn lá, chắc nịch như vậy. Nhiều người đã luận ra bắp cải trên là của Trung Quốc.

Bắp cải Trung Quốc được gọi là bắp cải Đà Lạt

Tìm hiểu tại chợ Long Biên, một trong những chợ đầu mối rau lớn của Hà Nội, chúng tôi được biết, đó thực sự là bắp cải của Trung Quốc được các thương lái nhập qua cửa khẩu Lạng Sơn, hoặc Lào Cai rồi chở thẳng về chợ đầu mối. Trung bình mỗi đêm ở chợ đầu mối này tiêu thụ trên 20 tấn bắp cải. Bắp cải được đóng trong các bao hàng chở về chợ, sau khi nhập về, các chủ hàng ở đây lập tức dỡ bao và lột bỏ lớp lưới xốp cùng lớp lá già bên ngoài, nên cây bắp cải trông rất bắt mắt. Ngay sau đó, những cây bắp cải này được gắn tên là bắp cải Đà Lạt.

Sở dĩ các chủ hàng ở đây đã gắn tên gọi đó cho loại bắp cải của Trung Quốc là vì nó có đặc điểm gần giống với bắp cải Đà Lạt. Đó là cây nhỏ, lá xoăn cuộn chặt và xanh mướt, người tiêu dùng nếu không tinh thì rất dễ bị đánh lừa. Không chỉ có bắp cải xanh, mà ngay cả bắp cải tím bày bán tại các chợ ở Hà Nội, thường được chế biến thành món salat trong các nhà hàng cũng có xuất xứ từ Trung Quốc…

Khoai tây cũng “Đà Lạt”

Thời gian gần đây rộ lên thông tin khoai tây của Trung Quốc được các thương lái nhập thẳng về Đà Lạt, sau đó được “phù phép” bằng cách dùng đất đỏ bao thành một lớp áo bên ngoài củ rồi gọi nó là khoai tây Đà Lạt. Nguyên nhân của việc các thương lái biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt là do giá cả giữa hai loại khoai tây này chênh nhau đến 50%. Bởi trong khi hiện tại khoai tây Đà Lạt có giá từ 32.000-35.000 đồng/1kg, thì khoai tây của Trung Quốc giá chỉ trên 15.000 đồng/1kg. Vì lợi nhuận, các thương lái nghĩ ra cách biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt, đánh lừa người tiêu dùng.

Khoai tây Trung Quốc được phù phép thành khoai Đà Lạt ở chợ Long Biên, Hà Nội

Một nguyên nhân nữa khiến khoai tây Trung Quốc đội lốt khoai tây Đà Lạt là do khoai tây Đà Lạt chưa vào vụ, sản lượng rất thấp và củ không đẹp. Thời điểm thu hoạch chính của khoai tây Đà Lạt phải là dịp trước và sau tết Nguyên đán. Nếu vào mùa thì khoai tây Đà Lạt củ rất to, đẹp và sản lượng lớn, giá lại thấp. Còn ở miền Bắc, hiện tại khoai tây cũng chưa vào vụ.

Theo bà Lan, một người chuyên buôn các loại khoai ở chợ rau đầu mối Long Biên cho biết, thời gian đầu khi buôn mặt hàng này bà cũng bị nhầm khoai tây Trung Quốc thành khoai tây của Đà Lạt, bởi sau khi được “phù phép” khoai tây Trung Quốc trông rất giống khoai tây của Đà Lạt. Bà Lan còn chỉ cho chúng tôi xem những túi khoai tây của Trung Quốc được biến thành khoai tây của Đà Lạt đang nằm trên sạp hàng của bà trông rất đẹp. Nếu không được biết thông tin này và tận mắt nhìn những túi khoai tây đó thì chính chúng tôi cũng không thể biết được đó là khoai tây của Trung Quốc.

Một số người chuyên buôn khoai tây cho biết: Khoai tây Trung Quốc có hai loại là vỏ vàng và vỏ hồng như khoai tây của Đà Lạt. Nhưng vỏ khoai tây Đà Lạt rất mỏng, thường bị trầy xước ngay khi thu hoạch và trong quá trình đóng hàng, vận chuyển. Còn khoai tây Trung Quốc có kích cỡ củ rất đều, thường dài hơn khoai tây Đà Lạt, vỏ khoai trơn bóng, ít bị trầy xước. Một đặc điểm nữa để nhận biết là giống khoai tây của Trung Quốc có mắt ở củ to hơn khoai tây của Đà Lạt.

Nhiều chủ hàng buôn khoai tây tại chợ đầu mối rau Long Biên, Hà Nội nói với chúng tôi, thời gian đầu họ cũng không phân biệt được đâu là khoai tây của Trung Quốc và đâu là khoai tây của Đà Lạt. Vì có người bán nên họ mua, sau đó họ bán lại cho các chủ cửa hàng rau của các chợ tại Hà Nội. Như vậy, thời gian qua hầu hết lượng khoai tây bán tại các chợ, hoặc trong các nhà hàng đều là khoai tây của Trung Quốc. Dù hiện tại vẫn chưa có thông tin khoai tây Trung Quốc độc hại như thế nào đối với sức khỏe, nhưng loại khoai tây này thường để trong kho đến vài tháng mà cũng không hỏng…

Súp lơ, nấm cũng chuyển khẩu về xứ hoa

Súp lơ được coi là loại rau dành cho người giàu, bởi giá rau khá cao, dù loại rau này có vào chính vụ thì giá súp lơ vẫn đắt hơn rất nhiều so với các loại rau khác. Súp lơ có hai loại xanh và trắng. Súp lơ xanh đắt hơn vì đó là loại rau có nhiều vitamin, tốt cho sức khỏe và cả sắc đẹp, nên nhiều chị em rất thích ăn loại rau này. Nhưng ngược lại, có rất ít chị em nội trợ biết rằng, phần lớn súp lơ xanh và trắng đang bán trên thị trường không phải là rau của Đà Lạt, mà là rau xuất xứ từ Trung Quốc, bởi chính vụ của súp lơ ở nước ta là vào mùa lạnh. Trong khi đó, nếu đến bất kỳ một hàng rau cao cấp tại các chợ thì mọi người đều thấy súp lơ bày bán gần như quanh năm và nó được bọc trong những tấm xốp trắng.  

Ngoài súp lơ thì những củ cà rốt to, tròn, tươi tắn, đẹp mã và những quả cà chua đỏ tươi vào mùa nào cũng có, thì đó là cà rốt và cà chua xuất xứ từ Trung Quốc. Bởi cà rốt, cà chua của nước ta không to và đẹp mã được như vậy, dù vào chính vụ thì cũng chỉ trong vài tháng, chứ không có để bán quanh năm.

Đặc biệt, mấy năm trở lại đây có rất nhiều người khoái khẩu với món nấm tươi, nhất là nấm kim chi. Loại nấm này được dùng nhiều nhất trong khi ăn lẩu, nhất là lẩu gà. Nhưng phần lớn những túi nấm kim chi trắng muốt, bao bì đóng gói trông bắt mắt thường được ăn cùng lẩu gà đều là của Trung Quốc. Còn nấm kim châm trong nước trông hơi thâm, bao bì đóng gói không đẹp…

Còn rất nhiều loại rau, củ, quả nữa của Trung Quốc được nhập khẩu qua con đường tiểu ngạch vào Việt Nam. Vì lợi nhuận nên các thương lái đã “phù phép” biến nó thành rau, củ, quả của Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng. Lời khuyên cho những người nội trợ là không nên ăn các loại rau, củ, quả trái mùa, mà nên “mùa nào thì rau ấy” để không bị tiền mất lại mua phải hàng nhập kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và gia đình mình.

Vĩnh Yên