Quỹ tăng lương lấy từ nguồn nào?
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề xuất tăng lương trong năm 2015 của Bộ Tài chính.
Theo phương án trên, từ ngày 1/1/2015, gần 5 triệu người, chiếm 2/3 đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước sẽ được tăng lương với mức tăng 8% (90.000 đồng/tháng) cho ba nhóm đối tượng gồm người hưởng lương hưu; trợ cấp ưu đãi người có công; và bộ phận công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp.
Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc tăng lương cho đối tượng về hưu đang có vấn đề. Bởi người về hưu không phải ai cũng lương thấp, ví dụ như lực lượng vũ trang đang có lương hưu rất cao. Vị này cho rằng, hiện lương bình quân của những người nghỉ hưu từ năm 1993 trở về trước rất thấp, nếu điều chỉnh nên tăng nhiều hơn cho nhóm hai.
“Quan điểm cá nhân của tôi là cần ưu tiên cho những người về hưu trước năm 1993 vì họ là đối tượng khó khăn nhất trong những người về hưu, nên điều chỉnh ở một lộ trình cao hơn. Nhóm từ năm 1993 đến trước năm 1995 mà có mức lương về hưu thấp hơn mức lương tối thiểu, hay còn gọi là mức cơ sở, nên áp cho họ ít nhất cũng phải bằng mức lương cơ sở, như thế mới đảm bảo được công bằng. Chứ những người về hưu sau này lượng hưu của họ không còn thấp dưới mức lương cơ sở”, ông Lợi đưa ý kiến.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Trước câu hỏi sẽ lấy nguồn tiền ở đâu cho đợt tăng lương này, ông Bùi Sỹ Lợi cho hay, trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước khó khăn sẽ sử dụng một phần số tăng thu ngân sách năm 2014 chuyển sang nguồn năm 2015 để thực hiện, ngoài ra có thêm khoảng 1.100 tỉ đồng được đảm bảo từ nguồn ngân sách địa phương dành ra để cải cách tiền lương. Chính phủ cũng có những chỉ thị cắt giảm các khoản chi như khánh thành, khởi công, hội họp, đi nước ngoài và cũng đẩy mạnh sắp xếp tinh giảm biên chế hành chính sự nghiệp nhằm có quỹ tăng lương 1.100 tỉ đồng.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cũng nhìn nhận, đây chỉ là tình thế trước mắt, về lâu dài cần có một cuộc cải cách tiền lương lần thứ hai chặt chẽ, triệt để hơn, cuộc cải cách này phải gắn với cải cách hành chính. “Dân không thể nào đóng thuế mãi mãi để tăng bộ máy Nhà nước. Không thể chấp nhận cứ bộ máy tăng thì tiền chi ngân sách cũng tăng, mà phải khống chế lượng tiền chi cố định, nếu đơn vị nào, cơ quan nào tinh giảm được bộ máy thì cán bộ được hưởng nhiều và ngược lại. Không thể để tái diễn mãi tình trạng “thuyền lên thì nước lên” như hiện nay”, ông Lịch nói.
Cùng chung quan điểm, TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tâm tư khi nhắc lại cảnh ngộ của những cử nhân tốt nghiệp đại học, ra trường đi làm 10 năm vẫn không trả hết nợ vay dành cho ăn học 5 năm đại học. TS. Kiên nhấn mạnh: “Chung quy chỉ vì thang bậc lương của chúng ta đang thấp quá. Phải cải cách cơ bản tiền lương, bộ máy cán bộ Nhà nước trước khi tính tới chuyện tăng lương”.
Trao đổi với PetroTimes trước phương án tăng lương nói trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng: Trong bối cảnh hiện tại, việc tăng lương 8% mức lương tối thiểu (thêm 90.000đ/tháng) mặc dù cũng có thể gọi là… phấn khởi, vì có thể cải thiện sức mua trước Tết năm 2015. Nhưng không đáng kể, trong vấn đề cải thiện thu nhập, giải quyết khó khăn cho các đối tượng thuộc diện hưởng chính sách này. Giải pháp tốt hơn là, không cần tăng lương mà chỉ cần bình ổn giá cả các mặt hàng trên thị trường, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là ổn.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội.
“Hiện nay giá cả các mặt hàng đang đứng ở mức rất cao, do việc điều hành quản lý hệ thống phân phối cung cầu của chúng ta rất kém. Ví dụ cà chua ở Đà Lạt giá chỉ 1.000đ/kg nhưng ở Hà Nội có giá hơn 10.000đ/kg; hay Thanh Long ở Bình Thuận, rẻ đến mức người dân phải đem… cho bò ăn, thì ở Hà Nội bán với giá 32.000đ/kg. Hay giá ngao ở Thái Bình rất rẻ, người dân không bán được… để thối đi, thì ở Hà Nội giá cũng không rẻ. Trước đó, tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với vải thiều ở Bắc Giang. Không cần phải lý luận cao siêu, cũng có thể thấy việc tổ chức hệ thống phân phối cung cầu của chúng ta rất kém, đáng tiếc là lại thành câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” nhiều năm nay không cải thiện được” – ông Vũ Vinh Phú nói.
Nguyên nhân thực trạng trên một phần là do những người làm thương mại họ không chăm lo tổ chức nguồn hàng, không nhạy bén với những mặt hàng có giá trị thiết thực với đời sống người dân. Cái tâm của người làm thương mại, khi mà thấy rẻ thì lẽ ra phải lao vào, trước hết là để phục vụ nhân dân. Nếu tư nhân không làm (hoặc làm để tận thu lợi nhuận) thì các Tổng công ty thương mại của Nhà nước vốn được ưu đãi đủ đường, phải lao vào mà làm để phục vụ nhân dân. Hiện giao thông vận tải đã khá thuận lợi, vẫn để xảy ra tình trạng nơi thừa thì… đổ ra đường không hết, làm phân bón ruộng, cho bò ăn… trong khi nơi khác vẫn phải mua rất đắt, như hiện nay rất khó chấp nhận. Có thể lý giải “thực trạng” này do người làm thương mại, không nhạy bén, không biết làm hoặc thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng. Việc quản lý các mặt hàng tiêu dùng thông qua biện pháp quản lý giá, chỉ là biện pháp hành chính.
“Ở TP HCM mặc dù không sử dụng quỹ bình ổn giá, nhưng vừa rồi có thực hiện một nghĩa cử tôi cho rằng rất cảm động, rất thiết thực mà cơ quan chức năng ở nhiều địa phương khác nên học tập. Trong bối cảnh giá xăng giảm rồi, nhưng giá tiêu dùng của các mặt hàng vẫn cao, thì Sở Công Thương TP HCM đã ra văn bản, yêu cầu những mặt hàng tiêu dùng phải giảm từ 1 đến 5 nghìn đồng cho một sản phẩm. Điều này ít nhiều góp phần hình thành một phong trào giảm giá, ở TP HCM, vì lợi ích người tiêu dùng”, ông Phú cho hay.
Mấu chốt để tháo gỡ vấn đề là giải quyết tốt bài toán cung cầu, thì người dân mới được lợi. Thực tế là cách quản lý cung cầu hiện vẫn rất quản liêu bao cấp, dẫn đến việc giá các mặt hàng tiêu dùng cao gần như không kiểm soát được, giá đường, giá sữa, vẫn cao ngất ngưởng cho thấy những biện pháp “quản lý, bình ổn” đang thực hiện là không hiệu quả.
Ở đây, vai trò quản lý của các cơ quan chức năng, Bộ Công Thương, Sở Công Thương, Cục quản lý cạnh tranh, Cục quản lý giá… không phát huy được như người dân kỳ vọng - Cục quản lý cạnh tranh, trong một năm số lượng xử lý các vụ vi phạm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các cơ quan này cũng phải nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng “loạn cung cầu, thao túng giá”.
“Ví dụ, theo số liệu thống kê cho biết sản lượng đường tiêu dùng của Việt Nam hiện tại là 1 triệu tấn/năm. Mức bán mà các DN sản xuất từ 12 -17 nghìn đồng/kg là hợp lý (thậm chí có DN sẵn sàng bán mức 5.000đ/kg, lại không được chấp nhận). Thế nhưng, khi tung ra thị trường, người tiêu dùng hiện phải mua 21.000đ/kg, đắt hơn ít nhất 4.000đ so với giá gốc mà DN sản xuất bán cho đầu mối. Như vậy có nghĩa rằng, mỗi năm người tiêu dùng bị “móc túi” khoảng 4.000 tỷ đồng, mà cơ quan chức năng không có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn, bảo vệ người dân, trước những chiêu trò thao túng giá” – ông Vũ Vinh Phú cho biết thêm.
Thảo Phượng
-
Châu Âu diễn tập đối phó sự kết thúc của thỏa thuận vận chuyển khí đốt giữa Ukraine và Nga
-
Những bất ổn mới cho giá dầu thế giới?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 11/11 - 16/11
-
Hoa Kỳ sẽ không thực hiện các hợp đồng LNG trị giá hàng chục tỷ đô la cho châu Âu
-
Tin tức kinh tế ngày 15/11: Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT 6 tháng đầu năm 2025