Phục sinh cho nhiều số phận
Từ hơn 30 năm trước, GS.BS Bạch Quốc Tuyên cũng như GS.TSKH Đỗ Trung Phấn đã nhận thức được rất sớm về vai trò của tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý về huyết học và đã tạo ra những tiền đề cơ bản cho sự phát triển của công nghệ tế bào gốc. Để rồi, đến năm 2006, ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên cho bệnh nhân đa u tủy xương đã được thực hiện và thành công tốt đẹp. Đến tháng 5-2008, Viện tiếp tục thành công với ca ghép tế bào gốc đồng loại đầu tiên, đánh dấu một kỷ nguyên mới, là đưa ghép tế bào gốc thực sự trở thành một phương pháp điều trị đầy triển vọng cho các bệnh nhân mắc bệnh lý huyết học điều trị tại Viện.
Từ năm 2010 đến nay thực sự là giai đoạn phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ nhất của các hoạt động liên quan đến tế bào gốc của Viện, nhất là từ khi Viện cải tạo và hoàn thiện khu vực phòng bệnh ghép đạt tiêu chuẩn quốc tế, ngang với các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngay sau đó, Viện triển khai thành công Ngân hàng máu dây rốn cộng đồng đầu tiên trong cả nước, cung cấp đáng kể nguồn tế bào gốc để ghép điều trị cho bệnh nhân không có người hiến tế bào gốc cùng huyết thống.
Ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương |
Chính thức ký với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội về việc hợp tác thu thập máu dây rốn từ những người sản phụ tình nguyện hiến, đến tháng 5-2016, Viện đã thu thập, xử lý và lưu trữ thành công 2.400 đơn vị máu dây rốn, trong đó có 2.050 đơn vị máu dây rốn cộng đồng đảm bảo chất lượng, đã sàng lọc các tác nhân truyền nhiễm (HIV, HBV, HCV, CMV, giang mai, vi khuẩn/vi nấm), bệnh lý di truyền (thalassemia). Bên cạnh đó, Viện cũng đã bước đầu ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm HLA độ phân giải cao cho các mẫu dịch nước ối nhằm mục đích xác định trước sinh sự phù hợp HLA của mẫu máu dây rốn với bệnh nhi, góp phần tư vấn cho các sản phụ có ý định lưu trữ máu dây rốn để ghép cho các bệnh nhi mắc các bệnh máu bẩm sinh hoặc bệnh máu ác tính là anh chị của cháu bé đang nằm trong bụng mẹ.
Tháng 12-2014, Viện tiến hành ca ghép đồng loại không cùng huyết thống đầu tiên sử dụng mẫu máu dây rốn của Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng. Đến hết năm 2015, Viện đã thực hiện thành công 10 ca ghép tế bào gốc từ nguồn máu dây rốn của Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng. Kết quả trên đã khẳng định các mẫu máu dây rốn từ ngân hàng có chất lượng và tiềm năng ứng dụng rất tốt và có thể đáp ứng được nhu cầu ghép tế bào gốc đồng loại ngày một tăng cao của các bệnh nhân tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương nói riêng và tại Việt Nam nói chung.
TS Bạch Quốc Khánh - Phó viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: Bắt đầu ghép từ tháng 6-2006, số ca ghép của Viện đã tăng lên với tốc độ rất nhanh, từ mức 4-6 ca ghép/năm của giai đoạn trước, đã tăng vọt lên 19 ca ghép năm 2011, rồi trung bình 50 ca/năm, đưa tổng số ca ghép tính đến tháng 5-2016 lên đến 204 ca, gồm 111 trường hợp ghép tự thân và 93 trường hợp ghép đồng loại. Ghép tế bào gốc tự thân cho các nhóm bệnh đa u tủy xương và u lympho ác tính đã trở thành phương pháp điều trị thường quy của Viện. Quy trình ghép ngày càng được hoàn thiện giống như phác đồ chuẩn của thế giới. Ghép tế bào gốc đồng loại được coi là bước đột phá lớn trong lĩnh vực y học nước nhà và là 1 trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật của Việt Nam năm 2012. Chỉ định nhiều nhất là Lơxêmi cấp, suy tủy xương... là những bệnh nan y.
Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương: Sau 10 năm tiến hành ghép, đối với ghép tự thân và đồng loài tỷ lệ bệnh nhân còn sống đến thời điểm 5-2016 tương ứng là 70% và 63,3%. Đặc biệt trong nhóm ghép đồng loài các bệnh nhân thuộc nhóm bệnh máu lành tính hiệu quả ghép khá cao đạt 89,6%. Điều này cực kỳ có ý nghĩa khi Viện thường xuyên có gần 1.000 bệnh nhân nội trú và quản lý gần 5.000 bệnh nhân ngoại trú. Trong số các bệnh nhân mắc các bệnh về máu thì có đến 70% bệnh nhân mắc ung thư máu.
GS.TS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh: Với nhiều loại bệnh ung thư thì ghép tế bào gốc là phương pháp duy nhất có thể điều trị khỏi, trong khi các phương pháp khác thì không thể.
Tại hội thảo 10 năm ghép tế bào gốc ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chiều 16-5, gần 200 người được ghép tế bào gốc thành công đã cùng về hội tụ với niềm hạnh phúc nghẹn ngào khi được gặp lại những người thầy thuốc đã đưa họ từ cõi chết trở về trong những thời khắc tưởng rằng tử thần đã giang tay ra với họ, để họ không chỉ được trở lại với cuộc sống mà còn có những ngày tháng khỏe mạnh, hạnh phúc.
Ông Trần Thế Thành (Hà Nội), chia sẻ trong niềm xúc động: Năm 2006, ông bị bệnh hiểm nghèo và nằm bất động ở nhà. Ông cũng như gia đình đều nghĩ rằng không thể qua khỏi. Nhưng rồi, ông được đưa vào Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương điều trị. Những ngày điều trị ở Viện, ông cũng không tin rằng mình sẽ hồi phục. Nhưng rồi, mới được điều trị đến lần thứ 4 thì ông đã ngồi dậy và đi lại được. Những ngày ghép tủy ông cũng rất hoang mang đến mức nửa đêm còn gọi điện cho bác sĩ Bạch Quốc Khánh. Và, dẫu nửa đêm bác sĩ Khánh vẫn vào thăm ông, động viên để ông yên tâm điều trị. Ông hoàn toàn không ngờ rằng, chỉ sau 11 ngày nằm tại phòng cách ly ông đã thấy mình khỏe mạnh, nên xin ra viện luôn.
Ông Trần Thế Thành tâm sự: “Đấy là điều kỳ diệu của cuộc đời tôi. Tôi vô cùng cảm ơn Viện đã nối lại cho tôi cuộc sống bình thường, để rồi, tôi đã khỏe mạnh với những chuyến đi công tác xuyên Việt thường xuyên”.
Cũng chung niềm vui với ông Thành là anh Vũ Quốc Kỳ (Ninh Bình). Năm 2010, khi mới 17 tuổi, anh đã bị chẩn đoán suy tủy xương. Anh thường xuyên phải có mặt ở Viện, mỗi tháng 2 lần truyền máu. Trong vòng gần 1 năm, anh liên tiếp phải truyền hơn 50 đơn vị máu. Do thiếu tiểu cầu, chỉ cần chạm nhẹ vào tay là cũng bị vỡ mạch máu. Cuộc đời tưởng chừng chỉ gắn liền với giường bệnh để rồi chấm hết lúc nào không hay. Thế nhưng, anh may mắn được các bác sĩ chỉ định ghép tế bào gốc. Sau khi ghép, anh khỏe mạnh dần và sau gần 1 năm đã không còn phải dùng thuốc nữa. Sức khỏe ổn định, anh đã đi làm trở lại và rồi cưới vợ, sinh con.
Trường hợp của cô gái Hoàng Thị Diệu Thuần (sinh năm 1987, quê ở Quỳ Hợp, Nghệ An) cũng là một điều kỳ diệu của số phận. Thuần bị ung thư máu và cũng đã trải qua nhiều phác đồ điều trị nhưng không thành công. Cuối cùng, GS.TS Nguyễn Anh Trí đã quyết định sử dụng phương pháp ghép tế bào gốc cho Thuần. Với một đội ngũ thầy thuốc tận tâm giỏi nghề, cô gái trẻ đã hồi sinh. Sau thành công của Diệu Thuần, với phương pháp này, Viện đã cứu sống hàng trăm người bệnh như Diệu Thuần.
200 ca ghép sau 10 năm là một thành công rất to lớn của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và đặt nền móng để tới đây Viện sẽ tiếp tục phát triển mạnh lĩnh vực tế bào gốc và ghép, với nhiều hình thức ghép và nhóm bệnh có chỉ định ghép tiếp tục được ứng dụng, với mong muốn đem lại hiệu quả tốt hơn trong chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.
Thái Hoàng
Năng lượng Mới 524
-
Máy lọc nước nóng lạnh Karofi: Nâng tầm tiện nghi cho gia đình Việt
-
Người trẻ đua nhau làm việc tự do vào ban đêm: Năng động hay hại sức khỏe?
-
Khám bệnh và tặng quà gia đình chính sách tại Quảng Bình
-
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu
-
Long Châu nỗ lực từng ngày để hoàn thiện, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ
- Tử vi ngày 18/10/2024: Tuổi Mão mở rộng ngoại giao, tuổi Ngọ nắm bắt cơ hội
- Tử vi ngày 17/10/2024: Tuổi Tý công danh thăng tiến, tuổi Thìn rắc rối bất ngờ
- Tử vi ngày 16/10/2024: Tuổi Tỵ may mắn bất ngờ, tuổi Mùi cơ hội đầu tư
- Tử vi ngày 15/10/2024: Tuổi Dậu vận may tài chính, tuổi Dần ý tưởng thú vị
- Tử vi ngày 14/10/2024: Tuổi Sửu mở rộng quan hệ, tuổi Tuất quý nhân hậu thuẫn
- Tử vi ngày 12/10/2024: Tuổi Mão phúc lộc dồi dào, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 11/10/2024: Tuổi Tý đạt được mục tiêu, tuổi Thân tia sáng hy vọng
- Tử vi ngày 10/10/2024: Tuổi Dần tài lộc hanh thông, tuổi Dậu nhìn xa trông rộng