'Ông lớn' vận tải biển Vinalines đã vượt qua sóng lớn?
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
IPO vào cuối tháng 9/2018
Theo đó, hình thức cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Vốn điều lệ của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là hơn 14.046 tỷ đồng.
Tổng số cổ phần là 1.404.605.800 cổ phần, mệnh giá một cổ phần là 10.000 đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 912.993.770 cổ phần, chiếm 65% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 2.293.900 cổ phần, chiếm 0,16% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo số năm làm việc tại khu vực nhà nước là 1.599.000 cổ phần, chiếm 0,11% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo số năm cam kết làm việc tiếp cho công ty cổ phần là 694.900 cổ phần, chiếm 0,05% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức Công đoàn: 500.000 cổ phần, chiếm 0,04% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược: 207.896.970 cổ phần, chiếm 14,8% vốn điều lệ; cổ phần bán đấu giá công khai: 280.921.160 cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ.
Việc điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ theo kết quả bán cổ phần lần đầu được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.
Giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu khi thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là 10.000 đồng/1 cổ phần.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tổ chức, triển khai bán cổ phần ra công chúng; thực hiện đăng ký, lưu ký cổ phần trúng đấu giá tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và đăng ký giao dịch tại các sàn giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật hiện hành.
Việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng được thực hiện theo phương thức bán đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hà Nội.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP là Bộ Giao thông vận tải. Khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP thực hiện thuê đất của Nhà nước và trả tiền thuê đất, chuyển đổi quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất.
Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là 1.415 người, tổng số lao động chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần là 1.096 người; tổng số lao động nghỉ việc tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là 319 người.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam công bố thông tin về doanh nghiệp cổ phần hoá; tổ chức, triển khai thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, bán cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn; thực hiện chuyển Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thành công ty cổ phần theo đúng quy định của pháp luật.
Hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho đến khi bàn giao toàn bộ tài sản, tiền vốn, lao động, đất đai cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP.
Trước đó, chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết, với mệnh giá 10.000 đồng một cổ phiếu, Vinalines sẽ bán khoảng 280 triệu cổ phiếu trong đợt IPO và 207 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán riêng lẻ. Dự kiến, việc IPO sẽ tiến hành trong tháng 9/2018.
Vinalines đã có một vài cuộc thảo luận sơ bộ với một loạt các quỹ đầu tư, các công ty đa quốc gia và các tập đoàn hàng hải lớn từ: Nhật Bản, Thái Lan và Hàn Quốc. Thời điểm hiện tại, Hyundai Motor đã gửi một bức thư chính thức tới Vinalines mong muốn tham gia vào đợt phát hành cổ phiếu này. Ngoài ra, các đơn vị như: SK Holdings và Tập đoàn xi măng Siam Cement đang dành sự quan tâm lớn tới Vinalines.
Thách thức lớn cần vượt qua
Được biết, trong hai năm gần đây, tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Năm 2017 sản lượng vận tải biển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đạt gần 25 triệu tấn, tăng gần 7% so với kế hoạch. Tổng doanh thu đạt gần 16.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với kế hoạch năm. Lợi nhuận hợp nhất của Công ty mẹ đạt 515 tỷ đồng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Trước đó, thông tin về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền Tổng giám đốc Vinalines cho hay, về kết quả xử lý nợ giai đoạn 2014-2017, Công ty mẹ giảm được 10.647 tỷ đồng, dư nợ chỉ còn hơn 2.000 tỷ đồng, bằng 23% so với trước khi tái cơ cấu. Các doanh nghiệp thành viên ước giảm được 2.345,5 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2017, Vinalines đã thực hiện thoái vốn 39 doanh nghiệp, thu về khoảng 2.428 tỷ đồng, lãi khoảng 360 tỷ đồng.
Cũng theo ông Tĩnh, bằng nhiều biện pháp như xử lý tàu già, thua lỗ, cơ cấu tài chính với ngân hàng để giảm nặng lãi vay, trả nợ, xác định phân khúc thị trường kinh doanh phù hợp, bắt tay với các Tập đoàn, Tổng công ty lớn như Than - Khoáng sản, Dầu khí, Thép Hòa Phát, Vissai Ninh Bình… mức lỗ của đội tàu đã giảm gần 53,2% so với năm 2016 và gần 50% so với kế hoạch của khối vận tải biển.
Ngoài ra, công ty cũng đã thực hiện bán thanh lý 6 tàu với tổng trọng tải khoảng 125.000 DWT, nhưng trong năm 2017, đội tàu (gồm 91 tàu, tổng trọng tải 1,8 triệu DWT) của Vinalines vẫn đạt sản lượng 24,7 triệu tấn, tăng 6,3% so với kế hoạch năm và tăng 2,1% so với năm 2016.
“Với nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 là cổ phần hóa doanh nghiệp, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trước ngày 30/6, mô hình mới thực hiện trong 3 lĩnh vực chính: Vận tải biển - cảng biển - dịch vụ hàng hải, Vinalines đã và đang từng bước phục hồi, đẩy lùi những khó khăn của một doanh nghiệp bên bờ vực phá sản, bảo toàn và phát triển vốn đủ điều kiện để tiến hành IPO”, ông Tĩnh chia sẻ.
Đánh giá về quá trình tái cơ cấu của Vinalines trong 5 năm qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhận định, đến thời điểm này Vinalines giống như “con tàu vượt qua được sóng lớn” và từ một doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản đã dần hồi phục, cân bằng và có lãi.
Tuy nhiên dù được đánh giá đã vượt qua “sóng lớn”, nhưng đại diện Vinalines cũng thừa nhận còn nhiều thách thức và khó khăn trong thời gian tới khi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ trong và ngoài nước tại tất cả các thị trường vận tải biển, cảng biển lẫn logistics.
Ngoài ra, ngành vận tải biển chưa hết suy thoái khiến các đơn hàng trong và ngoài nước không nhiều, trong khi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ có thể tham gia những tuyến vận tải tại khu vực châu Á, hạn chế trong những tuyến biển xa…
Enternews.vn
-
Hà Nội trả lời về các dự án bất động sản chậm triển khai
-
Bắt nguyên Giám đốc Công ty Xuất khẩu lao động hàng hải Vinalines
-
Mục tiêu lỗ hơn 1.000 tỷ đồng, cổ phiếu Vinalines “nằm sàn” 3 phiên liền
-
Vinalines lại thua lỗ nặng, “gánh” lỗ luỹ kế “khủng” vượt 3.600 tỷ đồng
-
Công ty con lỗ gần 1.500 tỷ đồng, âm cả vốn chủ sở hữu: Cơ hội nào cho Vinalines?
-
190 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024
-
Tổng thống Putin: Nga không từ bỏ nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu
-
Tin Thị trường: Giá dầu giảm sốc phiên đầu tuần
-
Giá vàng hôm nay (28/10): Giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Giá dầu hôm nay (28/10): Bất ngờ giảm trong phiên giao dịch đầu tuần