Ông chủ Vinaxuki: "Tôi đã bán cả nhà của cha, của con…"
Ông Bùi Ngọc Huyên bên chiếc xe cả đời “đau đáu”. |
Từ một doanh nghiệp đi đầu trong đẩy mạnh nội địa hoá, đến nay Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) lại rơi vào tình cảnh “sống dở chết dở” với khối nợ lên đến 1.200 tỷ đồng trong khi các nhà máy buộc phải ngừng hoạt động 5 năm nay vì không có vốn.
Nói về những ngày này, Chủ tịch Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên chia sẻ: “Tôi đã bán một căn nhà do bố mẹ tôi cho tôi. Căn nhà này do Văn phòng Chính phủ phân cho bố tôi từ năm 1960. Căn nhà thứ hai cũng bị bán là do Bộ Giao thông Vận tải phân cho tôi tại Láng Hạ…”
Người đàn ông với “giấc mơ xe ô tô Việt” thừa nhận, khó khăn nhất mà Vinaxuki không lường trước được là tháng 6/2010 khi Vinaxuki đã cơ bản xây dựng và lắp đặt xong các dây chuyền công nghệ và bắt đầu sản xuất thử sản phẩm thì khủng hoảng quay trở lại.
Hàng ngàn ô tô lắp ra bị ế ẩm, giá xe giảm dẫn đến khó khăn trong thu hồi vốn, lợi nhuận từ năm 2009 đến 2011 giảm dần. Năm 2012, sau 20 năm hoạt đồng, lần đầu tiên bị lỗ 45 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, không riêng Vinaxuki, tất cả các doanh nghiệp trong ngành ô tô đều lỗ, có công ty lỗ đến 750 tỷ đồng và nợ thuế đến 1.250 tỷ, nợ ngân hàng 7.500 tỷ đồng.
Khó khăn thứ hai phải kể đến là từ năm 2012, khi dự án đầu tư xong, các mẫu đã xuất bán hoặc đang hiệu chỉnh, hoàn thiện thì các ngân hàng đồng loạt cắt vốn lưu động.
“Vinaxuki đã nghe lời Vietcombank bán cả nhà ở, đã vét từng đồng trả nợ lãi ngân hàng để mong được tái cơ cấu được vay vốn lưu động. Chúng tôi không còn vốn để trả lương, mua nguyên liệu, các dây chuyền sản xuất ở 8 nhà máy sản xuất phụ tùng và lắp ráp các dòng xe ô tô, các mỏ cũng ngừng khai thác, các nhà máy tuyển và luyện kim ngừng hoạt động dù thị trường ô tô giữa năm 2013 tăng trưởng trở lại với tốc độ cao. Nhiều loại xe khan hiếm mà Vinaxuki có năng lượng nội địa hoá 40-50% dư sức sản xuất…”, ông cho hay.
Bên trong nhà máy Vinaxuki. |
Về các mốc thời gian, năm 2011, Vinaxuki sản xuất 750 tấn khuôn và hoàn thành khuôn mẫu dập hàn, sơn hoàn chỉnh 2 mẫu cabin xe tải đưa vào sản xuất loạt đầu 200 cái thử nghiệm. Năm 2012 sản xuất hoàn thành 1.260 tấn khuôn dập cho các mẫu xe con 5-8 chỗ và dập cắt lazer, cắt plama, hàn, sơn 200 thân vỏ xe con. Vinaxuki cũng dập đồng bộ được hơn 4.010 chi tiết khác nhau, cắt, hàn, sơn hàng loạt.
“Chúng tôi đã lắp thành xe mẫu chạy thử và đầu năm 2012 hết vốn lưu động nên không xuất xưởng được các loại xe con và xe tải theo kế hoạch. Riêng phần lắp ráp xe tải nhỏ phải đạt 5.000 và xe tải nặng 2.000 mục tiêu không hoàn thành cũng vì không có vốn lưu động”, ông cho biết.
Tới đầu năm 2013, nhà sản xuất nội địa này sản xuất xong cabin, xát - xi xe tải 700kg và thân vỏ xe khách. Kết quả đã hoàn thành sản xuất 200 tấn khuôn xe tải nhỏ và 150 tấn khuôn thân vỏ xe khách 18 chỗ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2012, không vay được vốn lưu động nên xe tải nhỏ không xuất xưởng được, xe khách 18 chỗ thì đang sản xuất dở dang ở giai đoạn dập khuôn.
Trong câu chuyện của Vinaxuki, ông Huyên cũng đề cập tới “lợi ích nhóm” khi “Vinaxuki là công ty đầu tư công nghệ cao sản xuất các cụm phụ tùng cốt lõi cho ô tô, hàng trăm doanh nghiệp khác họ chỉ lắp ráp giản đơn, họ chỉ buôn bán xe nguyên chiếc nhập khẩu, họ là số đông có nhiều cửa để chạy nên được ủng hộ và vì vậy họ thắng”.
Đồng thời, ông đề cập tới lãnh đạo ngân hàng khi cho rằng: “Họ dùng ngân hàng đè bẹp Vinaxuki vì biết làm gì còn tiền làm vốn. Nhiều nhân viên ngân hàng nói, lãnh đạo một chi nhánh của Vietcombank quyết định sai khi không cho Vinaxuki tái cơ cấu và vay vốn làm công ty chết đứng và nhiều chi nhánh ngân hàng khác khó khăn vì không thu được nợ do các nhà máy đóng cửa”.
Và mặc dù “Chủ tịch một Tập đoàn ô tô năm 2015 lãi trên 10.000 tỷ đồng nói với tôi rằng đừng tin vào nội địa hoá, chỉ có lắp ráp và đến năm 2018 thì nhập khẩu nguyên chiếc mà bán” thì ông Huyên vẫn khẳng định vẫn theo đuổi giấc mơ “ô tô Việt”.
Theo ông Huyên, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng sản xuất phụ tùng, sản xuất các dòng xe chiến lược với mức nội địa hoá ngày càng cao, chất lượng ổn định dần. Điều cần duy nhất là Nhà nước có chính sách đúng, đủ độ khuyến khích và quan trọng hơn là sự điều hành sát sao để chính sách thực thi.
“Chính phủ bảo vệ, đừng bỏ mặc doanh nghiệp cô đơn khi họ đầu tư theo chiến lược, quy hoạch của Chính phủ. Nếu được ngân hàng tái cơ cấu và vay được 200 tỷ vốn lưu động thì nhà máy sẽ vận hành trở lại, Vinaxuki thu hồi vốn trả nợ, bán cổ phần cho cổ đông chiến lược, bán cổ phiếu ra thị trường chứng khoán sau 3 năm phục hồi sản xuất và có lãi…”, ông Huyên khẳng định.
Phương Dung
Dân trí
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?