Ông chủ Đại học Đông Đô: Từ đại gia nổi tiếng thành Vinh đến tội phạm vừa bị truy nã
Bộ Công an đang truy nã Trần Khắc Hùng - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đông Đô. |
Ngày 20/8/2019, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 272/ANĐT-P5 truy nã bị can Trần Khắc Hùng với tội danh giả mạo trong công tác, quy định tại Điều 359, Bộ luật hình sự. Ông Hùng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục Trường Đại học Đông Đô.
Ông Trần Khắc Hùng bị khởi tố với tội danh giả mạo trong công tác, quy định tại Điều 359, Bộ luật hình sự năm 2015. Chỗ ở trước khi trốn là phòng 908 nhà 24T1 Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Đầu tháng 8 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết khởi tố bị can, bắt tạm giam hàng loạt cán bộ tại Đại học Đông Đô cũng về tội giả mạo trong công tác. Bao gồm: ông Dương Văn Hòa (36 tuổi, Hiệu trưởng Đại học Đông Đô) và Trần Ngọc Quang (57 tuổi, Phó trưởng Phòng đào tạo và quản lý sinh viên).
Kết quả điều tra bước đầu xác định, nhiều phòng tuyển sinh của trường Đại học Đông Đô đã nhận hồ sơ tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh và khẳng định đã nộp hồ sơ, đóng tiền sẽ đậu với mức học phí thu toàn khoá từ 30-35 triệu đồng. Tuy nhiên, Đại học Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo bằng Đại học văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp. Theo đó, hiệu trưởng Đại học Đông Đô đã công nhận 2 đợt tốt nghiệp cho hàng trăm sinh viên văn bằng 2 tiếng Anh.
Từng được giải... "doanh nhân hiền tài"
Bị can Trần Khắc Hùng, sinh ngày 5/11/1972 tại Nghệ An. Được biết đến là Chủ tịch của một trường Đại học nhưng thực tế ông Trần Khắc Hùng cũng là một doanh nhân khá có tiếng, sở hữu một số doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau.
Ông Hùng có bằng tiến sĩ Quản trị kinh doanh, từng là ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ khóa VII, khóa XIV, và từng được Unesco Việt Nam trao tặng biểu tượng "Rồng thiêng Doanh nhân hiền tài”.
Về quá trình công tác, từ năm 1996 đến năm 1999, ông Hùng học chuyên môn Quản lý sản xuất và làm việc tại Nhật Bản. Từ năm 1999 đến năm 2000, ông Hùng là Phó Giám đốc Công ty TNHH Việt Phương.
Từ năm 2000 đến năm 2003, giữ chức Tổng Giám đốc - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần thương mại Hùng Phát, kiêm Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực - Viện nghiên cứu và Phát triển Nông thôn.
Tiếp đó, từ tháng 6/2003 đến tháng 3/2007, ông này làm giám đốc công ty Cổ phần SARA Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị các công ty thuộc Tập đoàn SARA.
Hiện ông Hùng đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Sara. Tập đoàn này hiện đang đầu tư và nắm giữ cổ phần của hàng chục công ty con trong cùng hệ thống tập đoàn.
Ông Hùng còn giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại VNN với việc nắm giữ 14,76% cổ phần của Sara, tương ứng 1,5 tỷ đồng; nắm 19,3% cổ phần VNN trị giá 6,1 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Hùng còn đại diện cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng nắm 6,11% cổ phần của Sara tương ứng 1,9 tỷ. Em gái ông Hùng là Trần Thị Hương nắm tài sản trị giá 7,7 tỷ tại VNN và Sara.
Hai doanh nghiệp có giá "cổ phiếu rác"
Hai doanh nghiệp ông Hùng giữ vị trí chủ chốt là Tập đoàn Sara và Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại VNN đều thua lỗ triền miên, giá cổ phiếu lao dốc.
Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sara (mã SRB), tiền thân là Công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển Công nghệ thông tin Quốc gia được thành lập ngày 16/06/2003. Năm 2008 công ty được niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Hà Nội nhưng sau đó do thua lỗ nên đã chuyển về sàn UpCoM.
SRB liên tục ghi nhận thua lỗ trong nhiều năm hoạt động, gần đây nhất năm 2018 lỗ 3,3 tỷ, năm 2017 lỗ 10,2 tỷ, năm 2016 lỗ 13 tỷ, năm 2015 lỗ 2,5 tỷ đồng. Cổ phiếu công ty này đã rơi từ mức 13.540 đồng/cổ phiếu về mức 1.200 đồng/cổ phiếu. Vốn hoá công ty hiện chỉ còn hơn 10 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến hết năm 2018 chỉ đạt 49 tỷ đồng trong khi tổng nợ gần 6,1 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 43,2 tỷ.
Còn Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại VNN (mã VNN) được thành lập ngày 11/04/2007, hiện đang hoạt động bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy móc khác, kho bãi và lưu giữ hàng hóa.
Tương tự như SRB, công ty lần lượt 3,5 tỷ và gần 400 triệu đồng trong 2 năm 2016 và 2017. Năm 2015 VNN cũng lỗ 9,8 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2017, công ty có tổng tài sản 54 tỷ đồng, chủ yếu là vốn chủ sở hữu của các cổ đông lớn. Cổ phiếu VNN rơi vào mất thanh khoản và giảm về mức 5.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu VNN đã hủy niêm yết vào ngày 27/7/2018 do không đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 19/11: Tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp
-
VPI dự báo giá xăng dầu tiếp tục giảm từ 0,3 - 1,6% trong kỳ điều hành ngày 21/11
-
Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt
-
Tin tức kinh tế ngày 18/11: Cua ghẹ Việt Nam “đắt hàng” tại Trung Quốc
-
Vì sao vàng không còn “lấp lánh” sau chiến thắng của Donald Trump?