Nói thẳng về việc thương lái Trung Quốc thu mua nông sản lạ ở Việt Nam
Quả cây trám đen cổ thụ của nhà ông Độ (Ảnh Dân Việt) |
Thông tin ông Hứa Văn Độ (xã Đồng Giáp, Văn Quang, Lạng Sơn) được thương lái Trung Quốc đặt tiền, thu mua toàn bộ quả của cây trám đen cổ thụ được trồng cách đây 70 - 80 năm với giá 200.000 đồng/kg đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Mức giá này theo ghi nhận đang gấp tới 5 - 6 lần giá trám trên thị trường hiện nay.
"Thương vụ" này càng trở lên lạ lùng, bí hiểm bởi cái cách nó diễn ra. Theo như lời ông Độ thì từ mùa trám năm 2013 đột nhiên có nhiều thương lái Trung Quốc tìm đến địa phương, lùng sục khắp bản để tìm mua quả trám. Nhưng có một điều lạ là dù đến rất nhiều gia đình có trồng cây trám nhưng họ đều ra về tay không. Phải đến khi đến vườn nhà ông, sau khi xem xét, kiểm tra kỹ cây trám, từ lá đến quả, họ mới mua được và mua với giá rất cao.
Thậm chí để đảm bảo cho thương vụ, những tay buôn này còn đặt cọc cho gia đình ông Độ 10 triệu đồng và thỏa thuận bao tiêu toàn bộ sản lượng thu hoạch của cây trám trong 10 năm. Năm được mùa cũng như mất mùa, có khi được vai ba cân, giá trám thị trường lên hay xuống, họ đều lặn lội sang để thu mua.
Một điều lạ nữa, để đi đến quyết định sẽ thu mua toàn bộ quả của cây trám cổ thụ nhà ông Độ, nhóm thương lái Trung Quốc đã tiến hành đo kích thước quả, rồi bóc vỏ, đo kích thước hạt một cách một cách hết sức kỹ lưỡng.
Bản thân ông Độ cũng thấy lạ với "thương vụ" này nên nhiều lần dò hỏi thì được giải thích tách lấy hạt để làm đồ trang sức!
Thực hư của lời giải thích này đến đâu thì quả thật chỉ có những thương lái Trung Quốc này mới biết. Nhưng kỳ thực, sau một loạt những vụ việc thương lái Trung Quốc tung chiêu, mua nông sản lạ đời làm loạn thị trường nông sản Việt Nam thì đây là câu chuyện được không ít người cảnh giác.
Đó là vào năm 2013, sau khi đổ xô đi săn đỉa thì người dân xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) lại đổ xô đi khắp nơi “săn lùng” ốc bươu vàng - loài sinh vật vốn dĩ chuyên phá hoại mùa màng - mang bán cho thương lái Trung Quốc.
Khi đó, nhiều chuyên gia đã cảnh báo, việc thương lái thu mua ốc bươu vàng để xuất khẩu sang Trung Quốc cần được xem xét cẩn thận, nếu không sẽ gây hậu quả khôn lường. Thực tế câu chuyện về “đại dịch” ốc bươu vàng từng xảy ra cách đây 2 năm tại một số địa phương trên cả là một bài học nhỡn tiền. Khi ấy, nhiều chuyên gia nông nghiệp đã lo lắng và lên tiếng cảnh báo. Khi “cơn sốt” thu mua ốc bươu vàng lan rộng, người nông dân sẽ... đào ao nuôi ốc bươu vàng. Rồi khi thương lái Trung Quốc không thu mua nữa sẽ gây ra hậu quả lớn, trong đó vùng trồng lúa chịu thiệt hại nặng nhất.
Người dân đổ xô lên rừng Đông Giang (Quảng Nam) tìm “thần dược”… |
Hay như năm 2014, cho rằng đồng bào Cơ Tu (huyện Đông Giang, Quảng Nam) có loại “thần dược” chữa được bách bệnh - vốn dĩ là cây chè rừng, rất nhiều người, kể cả thương lái Trung Quốc đổ xô lên săn lùng, mua với giá cao. Ban đầu cây chè rừng khô chỉ có giá 30.000 đồng đến 60.000 đồng/1 ký, nhưng sau đó xuất hiện nhiều thương lái đổ xô lên thu gom mua số lượng lớn, làm cho giá chè rừng tăng lên chóng mặt với 150.000 đồng đến 200.000 đồng/1 ký. Không chỉ thu mua chè rừng đã qua phơi khô, người dân, thương lái còn đặt mua luôn cả những cây chà dây còn tươi với mức giá “khủng” 70.000 đồng/kg.
Không chỉ người dưới xuôi lên hỏi mua chè rừng, mà còn xuất hiện thương lái Trung Quốc được dắt mối bởi người Việt đến đặt vấn đề thu mua cây “thần dược” chữa bách bệnh với giá 150.000 đồng – 200.000 đồng/1 kg và không hạn chế số lượng.
Nghe vậy, các hộ gia đình các xã vùng cao của huyện Đông Giang, rồi ngay cả người dân dưới chân Dốc Kiềng cũng không quản ngại đường sá xa xôi lên rừng săn tìm thần dược. Chỉ trong một thời gian ngắn, cây chà dây hầu như biến mất luôn khỏi các cánh rừng quanh quốc lộ 14G, người dân buộc phải đi vào các cánh rừng nằm sâu trong núi mới tìm được cây chà dây.
Tuy nhiên, đến khi số lượng chè rừng cả tươi, lẫn khô được các gia đình chặt về chất đống đầy nhà, đến lúc này bất ngờ các thương lái người Việt và thương lái Trung Quốc “đột ngột” biến mất một cách bí ẩn, không thu mua nữa. Chè rừng chất đống trong nhà mà không ai tới hỏi mua, nhiều hộ dân lâm vào tình trạng dở khóc, dở cười...
Gần 20 năm qua, khi Việt Nam - Trung Quốc nối lại quan hệ bị gián đoạn, nhiều đoàn thương lái người Trung Quốc đã vào ta mua những mặt hàng nông sản quái dị. Từ ốc bươu vàng, gỗ sưa đến dứa, dừa non; từ phân trâu đến đuôi trâu; từ rễ sim đến hoa ngâu, lá cây phong ba; từ hạt chè đến xơ dừa. Và mới đây là lá khoai lang non làm náo loạn các vùng quê từ Nam chí Bắc. Nông dân thấy lợi là bán, cơ quan có trách nhiệm thì… ngồi hỏi nhau rằng: Họ mua thứ ấy để làm gì? Vậy mà, hỏi mãi qua bao năm vẫn chưa có lời đáp.
Những người am hiểu đều biết một nguyên tắc sơ đẳng trong cạnh tranh kinh tế, nhất là ở phạm vi giữa các quốc gia với nhau, rằng không thể có cạnh tranh lành mạnh tuyệt đối. Tìm điểm yếu của đối thủ, kể cả đối tác, để đạt lợi ích vượt trội cho mình là việc quốc gia nào, doanh nghiệp nào cũng áp dụng.
Đó là điều cần nhìn nhận thẳng thắn, không nên che đậy!
Thời buổi làm ăn kinh tế, chúng ta đang phải đối mặt với câu hỏi liên quan đến chuyện tưởng như là vụn vặt: Người Trung Quốc mua những thứ nông sản quái dị kia để làm gì? Chúng ta coi đó là ba chuyện vặt vãnh, nhưng liệu những thương lái Trung Quốc làm việc đó có xuất phát từ cái chuyện vặt vãnh không?
Nông dân gom đỉa, bán cho thương lái Trung Quốc |
Xin được kể ra đây một thương vụ điển hình, đó là việc thương lái Trung Quốc mua mỡ lợn. Việc này diễn ra ồ ạt vào những tháng cuối năm 2013, khi những người nông dân Đông Nam Bộ khấp khởi mừng vì những con lợn mỡ trên 100kg bị nhiều người chê lại bất ngờ lên giá. Thế nhưng, đó là dấu hiệu đầu tiên của một “tai họa”.
Thương lái Trung Quốc ồ ạt mua. Nhà nhà vỗ béo lợn để lấy mỡ đem bán kiếm lời. Thế rồi, thương lái bất ngờ dừng mua không kèn, không trống. Lợn mỡ ế, theo quy luật thị trường buộc phải giảm giá đến thê thảm. Khi giá thấp tới mức không thể thấp hơn được nữa thì những gã thương lái Trung Quốc quay lại thu mua ồ ạt.
Đây là một ngón “võ bẩn”, một đòn trúng nhiều đích của thương lái Trung Quốc. Tính toán ra thì thấy, cộng cả giá cao lúc đầu họ mua và giá rất thấp sau khi lợn mỡ dư thừa thì họ vẫn được lợi không nhỏ. Giả sử, nếu các thương lái Trung Quốc ngừng thu mua một cách đột ngột thì giá lợn hơi tại Đông Nam Bộ lại đứng trước nguy cơ bị “hành hạ”. Vả lại, lợn mỡ vốn không được chuộng và khó tiêu thụ tại thị trường Việt Nam sẽ khiến nông dân khốn đốn vì không tìm được đầu ra. Nguy hiểm hơn nữa, khi đó lợn nạc lại không đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Đến cả cây phong ba ở tít tận đảo xa thương lái Trung Quốc cũng mua cho bằng được. Họ đặt mua số lượng lớn cây phong ba với giá 14.000-15.000 đồng/kg. Nhiều ngư dân lần mò đến những hòn đảo đốn hạ mang về bán. Cây phong ba có khả năng làm sạch không khí nên khi cây bị chặt ảnh hưởng đến môi trường. Rồi rất nhiều những thứ khác nữa: ốc bươu vàng, rễ cây sim, chân trâu, lá sim, hoa ngâu, lá cây phong ba… cũng được thu mua theo phương thức ấy. Với mặt hàng nào người nông dân Việt Nam cũng được cho ăn một đòn chí mạng. Đau đớn là họ đã mang hết tài sản của mình đi thu gom nông sản cho thương lái Trung Quốc.
Với vai trò chủ đạo cuộc chơi, thương lái Trung Quốc bắt đầu tung tin, đẩy giá lên cao ngất trời. Với một lượng lớn nông sản đang là hàng hot đã thu gom được, thương lái Trung Quốc tiếp tục bán ngược trở lại cho người Việt Nam với giá thấp hơn chút đỉnh. Vòng xoáy cứ thế tiếp diễn, rất nhiều người nông dân và thương lái Việt Nam đã bán hết tài sản để gom hàng chờ ngày giá lên cao rồi bán ra hòng kiếm lời. Khi thương lái Trung Quốc bán hết lượng hàng gom được thì cũng là lúc “thần chết gọi tên nông dân Việt Nam”. Vậy là, chỉ vì món lợi không hề lớn, những thương lái Việt Nam đang tâm “đâm sau lưng” đồng bào mình. Ung dung hưởng lợi là thương lái Trung Quốc!
Hải Anh
-
Hàng trăm thương nhân Trung Quốc đăng ký nhập cảnh Việt Nam thu mua vải thiều
-
Tin tức kinh tế ngày 14/5: Giao dịch rút tiền qua ATM giảm mạnh
-
Khủng hoảng thịt lợn, thương lái Trung Quốc sẽ đẩy mạnh mua từ Việt Nam?
-
Thương nhân Trung Quốc ùn ùn về Bắc Giang, giá vải thiều không ngừng tăng cao
-
Thương lái Trung Quốc ngưng mua, sầu riêng trái vụ miền Tây rớt giá