Nói như quả núi, làm như hòn cuội
Trong số 11 triệu người hưởng lương và các khoản mang tính chất lương, có tới 2,5 triệu người là cán bộ, công chức. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện quyết liệt việc tinh giản biên chế, để góp phần giảm chi ngân sách. Yêu cầu phải có chế tài cụ thể đối với người đứng đầu trong việc tinh giản biên chế.
Cách đây không lâu bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế cũng đã khẩn thiết đề nghị, cần có một “Khoán 10” trong thực hiện tinh giản biên chế, nên chăng bỏ hẳn biên chế đi? Còn cách bỏ thế nào thì phải tính toán, có bước đi, cách làm cho phù hợp. Bởi chúng ta không thể để tình trạng vô lý này kéo dài hết năm này qua năm khác.
Hãy làm phép so sánh đơn giản, bộ máy hành chính của Việt Nam đang lớn gấp 4 lần bộ máy hành chính của Mỹ, nếu xét về số lượng công chức cho mỗi 100 triệu dân (315 triệu dân của Mỹ có 2,1 triệu công chức). Ấy là chưa kể chất lượng công chức Mỹ, họ được đào tạo cơ bản, kỹ năng lao động hơn hẳn ta về nhiều mặt.
Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 39 về việc tinh giản biên chế bộ máy Nhà nước. Chúng ta đều thấy rõ căn bệnh nan y lâu nay, càng hô giảm thì biên chế càng phình to. Từ cuối thế kỷ XX người ta đã nói một cách khôi hài “giảm biên chế tăng ghế nhà ăn”. Bây giờ thì ông lãnh đạo nào cũng hô giảm, giảm thật mạnh biên chế, nhưng là giảm ở chỗ khác, đừng đụng đến cơ quan tôi, con cháu tôi, họ hàng tôi (!). Theo Nghị quyết Bộ Chính trị thì từ năm 2015 đến 2021 phải giảm được 10% cán bộ, công chức thuộc diện yếu kém trong bộ máy Nhà nước. Nghĩa là mỗi năm giảm chưa tới 1,5%. Tưởng ngon lành, mà không phải thế. Một báo cáo mới đây của Bộ Nội vụ trước Quốc hội, tuy thực hiện đề án tinh giản biên chế, nhưng từ nay đến hết năm 2016 về cơ bản vẫn… giữ nguyên. Bộ máy hành chính không những không gọn lại mà ngày càng phình to.
Việc này minh chứng cho một nhận xét đáng buồn của một tổ chức quốc tế, rằng ở Việt Nam, việc ban hành các luật, nghị định, các chính sách cụ thể thuộc loại hàng đầu thế giới, nhưng việc thực thi thì lại ở hàng cuối. Nói như quả núi, làm như hòn cuội là do, trong tất cả các khâu của quy trình xây dựng chính sách, yếu nhất vẫn là khâu triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát và đánh giá tác động. Cho nên có một câu chuyện dân gian mới, rằng việc gì muốn không thực hiện thì cứ đưa ra hội thảo. Ở đó người ta sẽ đề xuất vô số lý luận và cả núi khó khăn để bào chữa cho căn bệnh cá nhân chủ nghĩa.
Vì sao biên chế ngày mỗi phình ra? Xin dẫn ra số liệu trong giai đoạn 2001-2010, biên chế Trung ương tăng 7,4%, biên chế địa phương tăng 41,2%. Trong 10 năm, biên chế chung tăng hơn 25%. Một sự tăng cơ học khó kìm hãm. Và điều không hay là chất lượng hoàn thành nhiệm vụ, làm hài lòng dân thì lại giảm đi. Liệu có bao nhiêu phần trăm trong số dôi dư kia kém tài, thất đức? Trả lời câu hỏi này một cách đơn giản nhất là do ảnh hưởng tâm lý tiểu nông phong kiến, rằng cha mẹ bằng mọi giá phải cho con cái đi học, kiếm mảnh bằng, rồi chen chân vào biên chế, cho nó... chắc ăn. May mắn ra mươi năm lên được chức này chức nọ thì hơn đứt những anh chân trắng, lại kéo được anh em họ hàng. Nhiều kỹ sư, cử nhân khó xin việc bèn đi học tiếp rồi nhận bằng thạc sĩ. Thế nên cả nước hiện có tới 225 nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Thật là lãng phí. Trong khi đó ở nhiều tỉnh miền núi, vùng cao, vùng sâu kiếm đâu ra một ông thạc sĩ.
Nhưng, nguyên nhân cơ bản, cái lỗi lớn thuộc về những cán bộ có chức, có quyền. Họ thừa biết nguy cơ khủng hoảng thừa cán bộ, nhưng vì các khoản lợi đơn, lợi kép mà họ “bán ghế”. Nhiều kỹ sư trẻ mới ra trường than phiền: Chúng tôi không được đi tìm việc, đi xin việc mà là đi mua việc. Không có tiền là chấp nhận thất nghiệp. Từ cuối năm 2012, ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, đã phát biểu tại cuộc họp HĐND thành phố việc “chạy” để trở thành công chức phải mất hàng trăm triệu đồng. Đương nhiên con số thực còn lớn hơn nhiều. Vì vậy, có nhiều bài thi công chức giống đáp án đến từng dấu chấm, dấu phẩy.
Cho nên muốn giảm biên chế phải công khai, minh bạch chủ trương tuyển dụng. Dứt khoát phải tổ chức thi tuyển để lựa chọn những người thực đức, thực tài. Bằng cấp chỉ là điều kiện cần. Chọn cán bộ phải căn cứ vào nhiệm vụ, công việc cụ thể, tuyển ai, làm việc gì, chứ không tuyển người theo cách thầy lang bốc thuốc.
Có người cho rằng, chúng ta nói lý thuyết thì đều đúng, đều trúng, nhưng rất khó cho người làm thực tiễn. Thí dụ, Nghệ An mới đây thông báo, tỉnh này hiện thừa 200 phó chủ tịch UBND ở 198 xã trong tỉnh. Trong số đó, dư thừa 25 phó chủ tịch xã thực hiện theo “Đề án 600 phó chủ tịch xã tăng cường”, được tiếp tục thực hiện đến hết tháng 6-2017. Tại Hà Nội cũng thừa hàng chục phó trưởng phòng phải đưa xuống làm chuyên viên.
Giảm ai, giảm bằng cách nào? Khó mới cần có lộ trình. Không được “làm cái rụp” đẩy cán bộ, công chức ra đường. Vì thế cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Lúc này phát triển mạnh kinh tế - xã hội chính là giải pháp căn cơ nhất, đặc biệt phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để thu hút việc làm, để kéo cán bộ bàn giấy sang làm lao động thực thụ tại các công ty, xí nghiệp.
Giảm biên chế, giảm số người hưởng lương Nhà nước là để sử dụng hiệu quả tiền thuế do dân đóng góp, tăng nguồn đầu tư phát triển đất nước. Chuyện chỉ có thế mà gian nan, cấp bách biết chừng nào!
Hải Đường
Năng lượng Mới 538
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường