Có hai việc nên làm ngay
1. Việc cần làm ngay thứ nhất
Đã có không ít đánh giá cho rằng phải hơn 30% công chức là loại… vô tích sự; là “sáng cắp ô đi, tối cắp về”; là “không có thì thiếu, có thì thừa”. Cũng có người lại cho rằng, con số nêu trên là ít, mà phải là… 60%.
Rồi hằng năm, người dân phải đóng thuế hàng chục ngàn tỉ đồngđể nuôi đám công chức vô tích sự. Ngân sách Nhà nước vốn đã khó khăn thì ngày một khó khăn về nuôi công chức.
Phải công nhận là được vào biên chế Nhà nước, được làm công chức sướng thật. Không lo bị thất nghiệp, về già có lương hưu, lại có cơ hội thăng tiến; làm được việc thì có giấy khen, không làm được thì cũng chả chết ai; lương, thưởng lĩnh đều và cứ đến hẹn lại… tăng lương. Rồi một cái “lợi nhuận” vô hình nữa có cái “oai” của “người Nhà nước”.
Và thế là người ta nghĩ đủ mưu, đủ kế để thi vào công chức; người ta sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đồng để chạy một chân làm giáo viên mầm non, mẫu giáo, nuôi dạy trẻ. Biết bao vụ lừa đảo, biết bao vụ tiêu cực từ chuyện chạy ghế công chức.
Một bi kịch hơn nữa là hiện nay, những người giỏi chuyên môn, có tri thức, có năng lực lại không thích vào làm Nhà nước. Vì thế, nói không ngoa lắm thì đội ngũ công chức hiện thời rất hiếm người tài.
Biết là quá nhiều công chức nuôi chỉ tốn cơm, nhưng chuyện giảm biên chế thế nào thì xem ra vẫn là “con kiến leo cành đa…”. Cứ mỗi lần hò hét giảm biên chế thì y như rằng lại “thêm ghế nhà ăn”.
Vậy có cách nào để làm giảm hoặc chấm dứt tình trạng công chức “ăn không ngồi rồi”?
Xin các nhà lãnh đạo cấp vĩ mô hãy suy nghĩ nghiêm túc về sáng kiến của bà Phạm Chi Lan, ấy là “Bỏ ngay chế độ biên chế”… Đơn giản là từng đơn vị sự nghiệp, hành chính chủ động ký hợp đồng với người lao động. Cần bao nhiêu, ký bấy nhiêu; ai không làm được thì cho thôi ngay… đơn giản, nhẹ nhàng. Và chỉ có như vậy, mới chấm dứt được nạn công chức chỉ lo giữ ghế mà không lo làm. Nếu được như vậy bộ máy hành chính sẽ gọn, nhẹ, hiệu quả, ngân sách đỡ gánh nặng và quan trọng nhất là sẽ chấm dứt nạn lười nhác, dựa dẫm trong công chức.
Gần đây, tư duy của lớp trẻ đã có những sự đổi thay đáng mừng, ấy là không ít bạn trẻ không còn “máu” vào đại học nữa. Và họ đã ngộ ra rằng, không nên coi cái bằng đại học là tấm giấy thông hành để tiến thân, mà muốn no ấm, muốn thăng tiến thì phải có nghề, phải giỏi chuyên môn và dĩ nhiên phải là người tử tế.
Mỗi thời có cách nghĩ, cách sống, cách làm việc khác nhau. Chúng ta đã tuyên bố đoạn tuyệt với cách làm của thời bao cấp, đã suốt ngày đi vận động nước lớn, nước bé công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Vậy thì hãy đi vào thực chất, vào hiệu quả…
Và cách xử lý đội ngũ công chức như bà Chi Lan nêu ra rất nên được xem xét kỹ. Nếu sáng kiến này được thực hiện, sẽ là một sự thay đổi mạnh mẽ đến tận gốc rễ để chống lại sự trì trệ, đi tới một nền hành chính văn minh, hiệu quả.
2.Việc cần làm ngay thứ hai
Mới chỉ kiểm tra sơ sơ có hai Bộ mà đã lòi ra thừa cả trăm chiếc xe công? Vậy nếu kiểm tra một cách nghiêm túc, minh bạch, thì không hiểu các bộ, ban, ngành, các địa phương từ cấp huyện trở lên, thừa bao nhiêu xe? Và bao nhiêu người đang được “thừa hưởng” xe công bởi sự buông lỏng quản lý, sự “du di” của lãnh đạo?
Xe công - đặc biệt là xe dành đưa đón quan chức cao cấp - không chỉ là phương tiện, mà còn là biểu hiện của quyền uy, của cấp bậc; của sự sang - hèn. Chả thế mà khối ông phải lo kiếm bằng được chiếc biển xe “thăng tiến”; hoặc “lộc phát”… Chả thế mà không có lãnh đạo nào mới được bổ nhiệm lại chịu đi xe của người tiền nhiệm vừa nghỉ. Phải có xe mới, chỗ ngồi mới, bàn ghế mới, đồ dùng mới và dĩ nhiên, nói năng, đi lại… cũng phải mới. Phải xứng với chức vụ.
Chiếc xe công đã trở thành xe riêng của thủ trưởng, lái xe trở thành Nô Bộc cho cả gia đình vị quan ấy.
Cứ sử dụng thoải mái đi, cứ chạy vô tư đi, xăng đã có Nhà nước lo, lương lái xe có Nhà nước chi; hỏng hóc, va quệt… có tiền Nhà nước chi. Ai không biết tận dụng cơ hội sử dụng xe Nhà nước, họa có là… “chập cheng”.
Hình như chả có quốc gia nào được sử dụng xe công thoải mái như Việt Nam.
Có lẽ những người chịu trách nhiệm về việc xây dựng chính sách, quy định sử dụng xe công nên cắp sách sang nhờ Chính phủ Lào dạy cho. Ở Lào, cũng có xe công… Nhưng chỉ một số cực ít cán bộ có xe đưa đón. Còn lại, khi ai đó được bổ nhiệm vào chức vụ mới, có tiêu chuẩn được ôtô, là được cấp ngay cho một chiếc xe, tự lái lấy mà đi làm. Còn khi đến cơ quan, phải đi công chuyện, thì có xe chung… Hằng tháng, ngoài lương ra sẽ được thêm một khoản tiền xăng. Đơn giản vậy thôi. Đi nhiều thì bỏ tiền ra mua xăng dầu; xe bị hư hỏng, bỏ tiền ra mà chữa… Khi anh về hưu hay chuyển công tác thì chiếc xe được bán lại cho chính anh hoặc tùy trường hợp mà… cho luôn.
Cách làm này tiết kiệm hơn rất rất nhiều so với cách sử dụng xe công ở Việt Nam.
Chúng ta cứ suốt ngày hô hào khẩu hiệu “đổi mới” và thậm chí coi đây như một sáng kiến vĩ đại. Thực ra, cái câu “đổi mới” đã có từ hàng chục năm rồi.
Ông vua Trung Hoa cổ đại Thành Thang đã khắc vào bồn tắm bằng gỗ câu “Cẩu nhật tân; nhật nhật tân; hựu nhật tân” - nghĩa là “Đổi mới; ngày một đổi mới; ngày càng đổi mới”.
Với Việt Nam bây giờ, “đổi mới”, có khi phải là xem cái gì không còn phù hợp, đang là rào cản cho sự phát triển của xã hội thì hãy nghiến răng lại mà xóa đi.
Xóa chế độ biên chế; xóa xe công… Có lẽ đây là hai việc cần làm ngay.
Như Thổ
Năng lượng Mới 532
-
Hà Nội yêu cầu các đơn vị không du xuân, không dùng xe công đi lễ hội
-
Tháo gỡ bất cập trong quản lý ô tô công
-
Thủ tướng phê duyệt biên chế công chức năm 2022
-
Năm 2021: Kiểm toán việc sử dụng xe công, trụ sở, đất đai Nhà nước
-
Hà Nội ra công văn hỏa tốc về xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng lâu năm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam
-
Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xóa bỏ toàn bộ tàu “3 không”, xử lý dứt điểm “tàu ma”
-
Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị BRICS mở rộng