Những vụ kiện cáo xung quanh Giải thưởng Nhà nước: Vì sao?
Năm nay cũng vậy, “phát súng” đầu tiên mở đầu sự phức tạp trong xét duyệt Giải thưởng Nhà nước là 5 nhạc sĩ thuộc hàng “trưởng lão” trong làng nhạc như: nhạc sĩ Đinh Quang Hợp, Đoàn Bổng, Thế Song, Ngọc Khuê, Lê Việt Hòa kiện Hội đồng xét duyệt cấp cơ sở lên Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch vì đã không minh bạch, công tâm trong việc xét duyệt v.v… Tiếp đến là 5 nhạc sĩ ở phía Nam cũng kiện cáo như vậy. Rồi đến hai nhà biên kịch Phan Huyền Thư và Phan Thanh Tú cũng đã phản ứng gay gắt, dữ dội đến nỗi một trong hai người đã phát đơn kiện đạo diễn Nguyễn Thước, một cộng sự thân thiết cùng làm việc tại Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương đồng thời cũng là người từng có những “con chung” với hai nhà biên kịch như: “Sự nhọc nhằn của cát”, “Chất xám” và “Những công dân @”. Và chính vì “những đứa con chung” này mà hai nhà biên kịch đã phải lên tiếng khi đạo diễn Nguyễn Thước mang ra để làm tác phẩm xét duyệt Giải thưởng Nhà nước cho cá nhân đạo diễn. Thực ra, để dẫn đến những “lùm xùm” như vậy, có một nhận định phải chăng rất đúng rằng, bắt đầu từ chính những tiêu chí, phương thức xét duyệt… giải thưởng hoặc không rõ ràng hoặc không còn phù hợp?
Để đi tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã gõ cửa một số nhạc sĩ “gạo cội”, từng giữ những trọng trách ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội đồng giám khảo xét duyệt Giải thưởng Nhà nước, Hồ Chí Minh ở những lần trước và một số nhạc sĩ tên tuổi như Trọng Bằng, Hồng Đăng… Nhưng phần lớn trong số đó đều từ chối mà cách từ chối của họ cho thấy, xét duyệt Giải thưởng Nhà nước, Hồ Chí Minh là một mớ bòng bong, phức tạp, bùng nhùng không thể giải quyết được. Thậm chí, có nhạc sĩ, mặc dù rất thân thiết, yêu quý những thành phần trong Ban Giám khảo nhưng vẫn phải nặng lời: “Đấy là vấn đề không nên “dây” vào”. Còn nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam không biết có phải bị báo chí “quay” nhiều quá không mà liên lạc điện thoại lúc nào cũng ở trong tình trạng “ngoài vùng phủ sóng”.
Tất cả những điều đó cho thấy, có “vấn đề” là một thực tế trong xét duyệt Giải thưởng Nhà nước mà ngay cả những người có vai trò cầm cân nảy mực cũng có thể “cảm” thấy nhưng khó lòng nói ra được, khó giải thích được để người nghe tâm phục, khẩu phục. Vì nói ra khác nào “gậy ông đập lưng ông”. Ngay như một câu hỏi rất đơn giản nhưng lại là cơ sở vững chắc để xét duyệt Giải thưởng Nhà nước rằng, tiêu chí xét duyệt dựa trên tác phẩm hay tác giả? Chưa cần nghe hết câu một nhạc sĩ tên tuổi gắn liền với những ca khúc về Hà Nội, từng giữ trọng trách lâu năm tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam và cũng từng nằm trong thành phần Ban Giám khảo xét duyệt Giải thưởng Nhà nước trước đây tuy nhiên lại không muốn chúng tôi nói tên, vì không phải ông sợ mà ông xác định rõ đó là một “mớ bùng nhùng” không thể giải quyết được tiếp lời ngay: “Đấy, đấy… một trong những vấn đề chính của việc xét duyệt là ở chỗ đấy”. Nhạc sĩ này nói tiếp: “Theo tiêu chí thì xét duyệt Giải thưởng Nhà nước dựa trên tác phẩm chứ không dựa trên tác giả. Tuy nhiên, thực tế trong xét duyệt người ta vẫn xét cả quá trình công tác, cống hiến của nhạc sĩ trong cuộc đời âm nhạc”. Và như vậy mới đúng! Bởi Giải thưởng Nhà nước được đánh giá là giải thưởng lớn về văn học – nghệ thuật, ngoài dựa trên tác phẩm cũng cần xem đạo đức tác giả là yếu tố song song để xét duyệt giải thưởng. Chứ như hiện nay, đưa nhạc sĩ Lê Lan vào danh sách đề cử Giải thưởng Nhà nước, một nhạc sĩ bị xem là “đạo nhạc” một tác phẩm của Nga để đưa vào tác phẩm ca ngợi Bác Hồ của mình như vậy là không ổn, không “chuẩn”! Bởi vậy, sự việc này mới làm “dậy sóng” trong giới nhạc sĩ mà đại diện là nhạc sĩ Phú Quang đã phát biểu rất “mát mẻ” nhưng đau đớn rằng, việc ông bị loại khỏi danh sách những người được đề cử Giải thưởng Nhà nước không làm ông “choáng” mà ngược lại, thấy may vì không phải “đứng cạnh một người ăn cắp” (ý nói nhạc sĩ Lê Lan).
Hay đối với tiêu chí chung để các tác giả đoạt Giải thưởng Nhà nước là: “Bên cạnh giá trị nghệ thuật cao, tác phẩm phải có giá trị lớn về nội dung tư tưởng; có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng; có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân; góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp văn học, nghệ thuật của đất nước; quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất nước, dân tộc, con người Việt Nam; xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước trên thế giới”. Chưa cần bàn đến sự “cao siêu”, to tát, thậm chí còn dẫn đến sự xét duyệt đầy cảm tính của các tiêu chí này, đã thấy ngay một sự mâu thuẫn, khó có thể đáp ứng được của tác phẩm thuộc loại khí nhạc đó là “có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân…”. Bởi ở giai đoạn đang phát triển như đất nước ta hiện nay thì may ra về âm nhạc chỉ có những sáng tác là ca khúc mới đạt tiêu chí này. Còn về khí nhạc, dẫu giới chuyên môn đánh giá rất cao về nghệ thuật, tư tưởng (tạm cho là như vậy)… nhưng không đạt tiêu chí trên coi như “tèo” về giải thưởng!?
Cũng xung quanh tiêu chí xét duyệt Giải thưởng Nhà nước, có ý kiến cho rằng, để thẩm định được những giá trị mà các cơ quan hữu trách đã đặt ra, cũng cần phải có những người đủ trình độ, tinh tế trong thành phần Ban Giám khảo nhằm chọn ra được, chính xác “cột cờ” trong bó đũa. Tuy nhiên, một nhạc sĩ tên tuổi cho biết, thực tế thành phần Ban Giám khảo, thậm chí là cấp Bộ hiện nay chưa thuyết phục hoàn toàn những người tham gia đề cử. Bởi “nói một cách đơn giản, người trình độ thấp thì không thể đánh giá, thẩm định người có trình độ cao, người có chuyên môn về lĩnh vực A nhưng lại xét duyệt người có chuyên môn về lĩnh vực B là không phù hợp và không thể chính xác”, nhạc sĩ này nói tiếp.
Sẽ còn lùm xùm, bùng nhùng nữa ở những lần xét duyệt Giải thưởng Nhà nước tiếp theo nếu những bất cập được coi là điển hình và là nguyên nhân dẫn đến “xung đột” giữa người tham gia đề cử và Hội đồng xét duyệt trên đây không đổi mới để cho rõ ràng và phù hợp. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng, để tránh gây tranh cãi, sự phức tạp trong những lần xét duyệt Giải thưởng Nhà nước hoặc một số giải thưởng khác, không phải thay đổi gì cả mà không cần duy trì những giải thưởng ấy. Bởi giá trị thật của những tác phẩm, tác giả nằm trong lòng dân và sẽ mãi đi theo cùng năm tháng. Ngay danh hiệu “Nhạc sĩ” hay “Nghệ sĩ” đã là phần thưởng cao quý nhất nhân dân dành cho những người có cống hiến to lớn trong đời sống âm nhạc.
Tú Anh
-
Tử vi ngày 24/10/2024: Tuổi Tý quý nhân che chở, tuổi Ngọ tài lộc rực rỡ
-
Quảng Ngãi: Khuyến cáo tàu thuyền tìm nơi tránh trú trước diễn biến của bão Trami
-
Bão Trami có thể chuyển hướng khi đến gần bờ nước ta
-
Bão Trami có thể đạt cường độ cực đại giật cấp 15 khi vào Biển Đông
-
Tử vi ngày 23/10/2024: Tuổi Dần phát huy tiềm năng, tuổi Dậu cơ hội phát triển
- Tử vi ngày 24/10/2024: Tuổi Tý quý nhân che chở, tuổi Ngọ tài lộc rực rỡ
- Tử vi ngày 23/10/2024: Tuổi Dần phát huy tiềm năng, tuổi Dậu cơ hội phát triển
- Tử vi ngày 22/10/2024: Tuổi Tỵ cải thiện thu nhập, tuổi Tuất phát huy điểm mạnh
- Tử vi ngày 21/10/2024: Tuổi Sửu trải nghiệm mới mẻ, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 20/10/2024: Tuổi Dần tính toán tài tình, tuổi Thân thận trọng lời nói
- Tử vi ngày 18/10/2024: Tuổi Mão mở rộng ngoại giao, tuổi Ngọ nắm bắt cơ hội
- Tử vi ngày 17/10/2024: Tuổi Tý công danh thăng tiến, tuổi Thìn rắc rối bất ngờ
- Tử vi ngày 16/10/2024: Tuổi Tỵ may mắn bất ngờ, tuổi Mùi cơ hội đầu tư