Những người "bỏ gia đình lại phía sau" để lên tuyến đầu chống dịch
Những người "bỏ gia đình lại phía sau" để lên tuyến đầu chống dịch
Sau 3 tuần ở trong bệnh viện dã chiến, món ăn mà bác sĩ Tuấn chờ đợi nhất là miếng bánh kem mừng sinh nhật trễ với con gái. Ngày anh vào bệnh viện dã chiến chống dịch cũng là ngày sinh nhật cô con gái tròn 2 tuổi.
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, khu tái định cư thuộc phường An Khánh (thành phố Thủ Đức, TPHCM) được trưng dụng để hình thành 6 bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân. Trục đường chính đi xuyên qua giữa hàng chục tòa nhà cao tầng vẫn giữ nguyên bầu không khí yên ắng của khu vực ít người qua lại.
Nhưng phía sau những tấm hàng rào kiểm soát người ra vào khu vực tiếp nhận, điều trị bệnh nhân, khung cảnh tất bật của đội ngũ y, bác sĩ đã phần nào nói lên cường độ công việc của họ trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay.
Để đảm bảo sự vận hành bên trong bệnh viện dã chiến diễn ra thông suốt, họ gần như không có thời gian nghỉ để nghĩ đến mối bận tâm cá nhân như hôm nay là ngày thứ mấy trong viện, thậm chí bữa nay sẽ ăn gì.
Trong guồng suy nghĩ của họ, mối bận tâm duy nhất và quan trọng nhất hiện tại: Hôm nay có bao nhiêu bệnh nhân xuất viện, thêm bao nhiêu người nhập viện, trở nặng…
Khối lượng công việc khổng lồ
"Alo, thang máy mới mất điện, bệnh nhân tại tầng 5 thông báo mất nước… tút… tút…", những câu nói vội vã của phòng điều hành được thông báo tới bộ đàm của anh Hùng, nhân viên kĩ thuật Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (TPHCM), trong buổi sáng Chủ nhật đầu tháng 8.
Bác sĩ Hùng chia sẻ, sau 3 tuần phục vụ tại Bệnh viện dã chiến số 6, anh cùng nhiều nhân viên y tế khác kiêm các phần việc khác nhau ngoài công việc chuyên môn.
Sửa vòi nước, điện, thông tắc phòng vệ sinh… là những công việc gần như phát sinh mỗi ngày, thậm chí mỗi giờ. Trong bối cảnh chỉ có vài trăm nhân sự ngành y hỗ trợ điều trị cho hàng nghìn ca F0, chỉ riêng việc phục vụ hậu cần cũng đòi hỏi họ có thể lực và tinh thần thép.
"Lần thứ 3 từ sáng đến giờ rồi, tôi mới từ trên đó xuống, tháo đồ bảo hộ để nghỉ… giờ lại mặc lại để lên. Coi như những ngày này, mình học thêm được nghề mới", bác sĩ Hùng nói đùa trước khi vội vã lao đi.
Các y bác sĩ, nhân lực ngành y kiêm nhiệm nhiều công việc tại bệnh viện dã chiến để chăm sóc, phục vụ bệnh nhân. |
Bên trong phòng điều hành của Bệnh viện dã chiến số 6, chiếc điện thoại bàn liên tục rung chuông, cuộc gọi sau chỉ cách cuộc gọi trước vài giây.
"Có nhiều thân nhân ở ngoài lo lắng cho người bệnh nên ngày nào cũng gọi, gọi nhiều lần. Tôi nghe suốt mà nhớ luôn giọng họ, nên nhấc máy lên là biết muốn hỏi ai liền", bác sĩ Võ Thị Tuyết Xuân chia sẻ.
Mỗi ngày, bộ phận tiếp nhận thông tin phản ánh từ người thân bệnh nhân nhận hàng nghìn cuộc. Có lúc, đó là những cuộc gọi hỏi thăm tình hình sức khỏe người thân, yêu cầu giúp đỡ khi có vấn đề phát sinh liên quan đến y tế. Nhưng có lúc những cuộc gọi chỉ phản ánh vấn đề sinh hoạt như than phiền trời nóng, hoặc ống nước, nhà vệ sinh phòng bệnh nhân gặp sự cố.
Nhân viên y tế cùng đội ngũ hậu cần đang ứng trực chiến tại các bệnh viện dã chiến trên địa bàn TPHCM được hỗ trợ 3 bữa ăn mỗi ngày, nhưng công việc của họ thì không phân biệt thời gian. Đêm đến, bóng dáng của những người hùng áo trắng, áo xanh vẫn thường trực tại khu vực theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.
Để thêm sức lực trong thời điểm ấy, họ chỉ còn lựa chọn là những gói mì pha vội.
Mỗi ngày, bộ phận tiếp nhận thông tin phản ánh từ người thân bệnh nhân nhận hàng nghìn cuộc. |
Đủ bữa, đúng giờ đã là điều khó khăn
12h trưa, điện thoại của bác sĩ Trần Minh Tuấn (Bệnh viện dã chiến số 7) reo vang. Phía đầu dây bên kia, một bệnh nhân phản ánh không thể ăn cơm nữa và xin bác sĩ các món nước như phở, hủ tiếu, bánh canh… cho "đỡ ngán" và "dễ nuốt".
"Tụi em cũng muốn lắm, nhưng giờ không thể có những món như vậy chị ơi. Bệnh nhân ăn thế nào, y bác sĩ chúng em ăn giống hệt như vậy. Mình cùng cố gắng nhé chị", bác sĩ Tuấn trấn an bệnh nhân. Phía trên bàn, phần ăn trưa của anh nguội ngắt.
Với các bác sĩ tại bệnh viện dã chiến, việc ăn được đủ bữa, đúng giờ đã là một điều khó khăn. Bác sĩ Tuấn tâm sự, thời điểm này, được ăn đồ mình yêu thích là điều quá xa xỉ. Đôi khi, mệt đến mức không nuốt trôi hộp cơm đã nguội lạnh, họ vẫn gắng ăn để có sức tiếp tục chiến đấu với đại dịch.
"Những ngày đầu chống dịch, tôi cũng không bận tâm gì đến việc ăn uống, một phần vì quá bận, phần vì tâm lý ăn gì cũng được. Nhưng từ lúc trở thành F0, tôi bắt đầu nhận thấy sự quan trọng của việc ăn uống đầy đủ cho mình và đồng nghiệp", bác sĩ Tuấn cho biết.
Những lúc được nghỉ ngơi, bác sĩ Tuấn lại nhớ gia đình, nhớ đến những bữa cơm nhà đã lâu không được ăn. Nhưng giờ đây, món ăn anh thèm nhất chính là miếng bánh kem mừng sinh nhật trễ với con gái của mình.
Ngày bác sĩ Tuấn vào bệnh viện dã chiến chống dịch cũng là ngày sinh nhật cô con gái vừa tròn 2 tuổi…
Bác sĩ Tuấn thăm hỏi người bệnh và gửi sữa cho người dân đang điều trị. |
Tham gia hỗ trợ công tác điều trị, chăm sóc các F0 tại Bệnh viện dã chiến số 7 còn có đoàn y, bác sĩ, điều dưỡng đến từ Hải Dương với 41 thành viên. Sau nửa tháng đồng hành cùng lực lượng y tế TPHCM trong đợt bùng phát dịch thứ 4, sự sẻ chia, đoàn kết bên trong bệnh viện dã chiến, gây ấn tượng mạnh cho các thành viên của đoàn.
Bác sĩ Nguyễn Thế Anh - Trưởng đoàn y tế Hải Dương vào hỗ trợ TPHCM chống dịch chia sẻ: "Anh em trải qua những 4 đợt dịch nên đã quen mọi thứ cả rồi. Không cần chia ca gì cả, cứ có việc là cùng nhau làm thôi! Có khi phải trực cả đêm, lúc đói cứ pha mì tôm mà lót dạ".
Nhớ nhà, nhớ con, nhớ vợ... là những cảm xúc suốt quãng thời gian công tác xa được bác sĩ Nguyễn Thế Anh, Trưởng đoàn y, bác sĩ Hải Dương chia sẻ. Anh Thế Anh tâm sự, những bữa ăn do người dân thành phố và cả nước hỗ trợ trong thời điểm này đã giúp anh cùng cả đoàn thêm vững tâm trên mặt trận phòng, chống Covid-19.
Bác sĩ Xuân, người trực đường dây tiếp nhận thông tin tại Bệnh viện dã chiến số 6 tâm sự, có khi, các cuộc gọi đến dồn dập, cứ ngắt cuộc này là cuộc gọi khác. Nhiều lần, mải tư vấn cho bệnh nhân, đến lúc quay sang cầm đũa lên ăn bữa cơm đang dang dở mới phát hiện hộp cơm ấy đã nguội ngắt.
Nói về những bữa ăn bên trong bệnh viện dã chiến của lực lượng nhân viên y tế, bác sĩ Xuân chia sẻ, trong thời điểm này, chỉ cần nhanh và đủ sức để làm việc là được. Những thời điểm muốn thay đổi khẩu vị, mì gói là lựa chọn tối ưu nhất đối với họ.
Với các bác sĩ tại bệnh viện dã chiến, việc ăn được đủ bữa, đúng giờ đã là một điều khó khăn. |
"Cũng có lúc, những món ăn lặp đi lặp lại khiến nhiều người có cảm giác ngán. Ví dụ gần 3 tuần nay, bữa sáng nào cũng là bánh mì, nhiều bác sĩ đã chọn mì gói hoặc chờ tới cơm trưa", nữ bác sĩ bộc bạch.
"Vạn bữa cơm nghĩa tình" gửi đến tuyến đầu chống dịch
Lắng nghe được những chia sẻ của đội ngũ y, bác sĩ đang ngày đêm chống dịch tại các bệnh viện dã chiến tại TPHCM, với sự chung tay của bạn đọc trong nước và nước ngoài, Báo điện tử Dân trí đã khởi động chương trình "Vạn bữa cơm nghĩa tình" - triển khai tại Bệnh viện dã chiến số 6 và số 7 (TPHCM).
Với những phần ăn được liên tục thay đổi, Báo điện tử Dân trí mong muốn chung sức nâng cao chất lượng dinh dưỡng, thay đổi khẩu vị và tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng tuyến đầu chống dịch tại TPHCM.
Chương trình "Vạn bữa cơm nghĩa tình" dự kiến kéo dài trong 10 tuần. Theo kế hoạch, 10.000 suất ăn tổng trị giá 500 triệu đồng, từ nguồn kinh phí bạn đọc ủng hộ, thông qua Báo điện tử Dân trí được trao tận tay đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 6 và số 7 như mong muốn của lực lượng tuyến đầu chống dịch tại đây.
Sáng 1/8, 500 suất ăn đầu tiên trong chương trình "Vạn bữa cơm nghĩa tình" đã được Báo điện tử Dân trí trao tặng đến đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 6 và số 7 (Ảnh: Hữu Khoa). |
Đón nhận tình cảm của bạn đọc Dân trí, bác sĩ Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 6, chia sẻ suốt thời gian qua, đơn vị cùng các lực lượng tuyến đầu chống dịch tại thành phố nhận được nhiều sự giúp đỡ, ủng hộ từ tổ chức, cá nhân trên cả nước. Những sự ủng hộ này đã tiếp thêm nguồn sức mạnh lớn cho toàn thể nhân viên y tế trong thời điểm hiện tại.
"Đó không chỉ là những suất cơm thông thường mà còn là tình cảm, hơi ấm của người dân TPHCM, đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài gửi về chúng tôi. Những sự gửi gắm ấy giúp tuyến đầu chống dịch có thêm điểm tựa tinh thần để vững tin chiến thắng đại dịch", ông Phan Minh Hoàng nhìn nhận.
Tâm sự với phóng viên, lực lượng y, bác sĩ, điều dưỡng chia sẻ, điều họ trân trọng nhất trong chương trình "Vạn bữa cơm nghĩa tình" là sự quan tâm của Báo điện tử Dân trí cùng cả cộng đồng đến những người đang ngày đêm chống dịch.
Hiện tại, đội ngũ y, bác sĩ được chính quyền cùng các đơn vị cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống, những phần ăn nhẹ mỗi. Nhưng những phần ăn ngon, thay đổi khẩu vị sẽ là nguồn năng lượng lớn và sức mạnh tinh thần cho anh chị em tuyến đầu.
Theo Dân trí
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường