Những đề xuất mang tính đột phá
Hàng triệu người cao tuổi sẽ có lương hưu
Theo ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), trước đây Việt Nam chỉ duy trì BHXH cơ bản, tức là người lao động (NLĐ) có tiền lương, đóng BHXH trên nền tiền lương đó với mức trần nhất định. Đây là hình thức BHXH đơn tầng đáp ứng cho tất cả đối tượng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, điều đó không còn phù hợp do không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người lao động trong xã hội. Vì vậy, hệ thống BHXH phải cải cách và lần cải cách này, Ban soạn thảo Đề án đã thiết kế hệ thống BHXH đa tầng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.
Tầng thứ nhất là lương hưu xã hội. Những người cao tuổi đến độ tuổi nhất định, không có cơ hội để đóng góp, không có BHXH hoặc trợ cấp hằng tháng thì ngân sách Nhà nước sẽ cung cấp cho họ một khoản lương hưu, gọi là lương hưu xã hội.
Tầng thứ hai là BHXH cơ bản. NLĐ đi làm, có thu nhập thì đóng BHXH, NLĐ sẽ được hưởng lương hưu trên tiền lương lúc đang làm việc.
Trả lương hưu cho người cao tuổi |
Những người có lương cao hơn thì tham gia tầng thứ ba là tầng hưu trí bổ sung. Lúc đó hoàn toàn dựa vào việc thỏa thuận, thương lượng giữa NLĐ và người sử dụng lao động để có lương hưu cao hơn.
Như vậy, BHXH đa tầng sẽ đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân khi đang làm việc và ngay cả khi về hưu thay vì đơn tầng như lâu nay.
“Thông qua BHXH đa tầng, chúng ta hướng tới BHXH toàn dân và hiện Việt Nam đang có khoảng 5-6 triệu người từ 60 đến dưới 80 tuổi không có thu nhập hằng tháng để bảo đảm tuổi già. Thông qua BHXH toàn dân, trong tương lai, tất cả những người cao tuổi đều có lương hưu”, ông Giang nói.
Tăng tuổi nghỉ hưu
Bên cạnh thiết kế hệ thống BHXH đa tầng, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, cụ thể là tăng tuổi nghỉ hưu là một nội dung không kém phần quan trọng.
Tại phiên họp của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội diễn ra hạ tuần tháng 4, lãnh đạo Bộ LĐ-TH&XH cho hay, một trong các phương án mà Ban soạn thảo đề xuất là tăng tuổi hưu lên 62 với nam và 60 với nữ (hiện là 55 với nữ và 60 với nam).
Ông Phạm Trường Giang phân tích, trong bối cảnh già hóa dân số, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là một xu thế tất yếu của tất cả các nước, không riêng Việt Nam. Hiện nay, nhiều quốc gia có kỳ vọng sống (tuổi thọ sau tuổi 60 đối với nam, sau 55 tuổi đối với nữ) thấp hơn Việt Nam nhưng đều đã có kế hoạch điều chỉnh tuổi nghỉ hưu như: Indonesia đạt tuổi nghỉ hưu 65 vào năm 2043; Hàn Quốc đạt tuổi nghỉ hưu 65 vào năm 2034; Nhật Bản đạt tuổi nghỉ hưu 65 vào năm 2030…
Phương án xin ý kiến Trung ương của Ban soạn thảo Đề án về tuổi nghỉ hưu điều chỉnh theo lộ trình phù hợp là để vừa đạt mục tiêu tăng tuổi nghỉ chung, vừa thu hẹp dần khoảng cách về giới trong tuổi nghỉ hưu. Riêng với những ngành nghề đặc biệt có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn so với tuổi nghỉ hưu chung 5 tuổi. Ông Giang nhận định: “Kinh nghiệm các nước đã từng thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho thấy, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn nhưng phải được thực hiện sớm và tiến hành khẩn trương theo lộ trình, không gây sốc cho thị trường lao động”.
Ngoài đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Đề án Cải cách chính sách BHXH còn kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và thu hẹp khoảng cách về mức lương hưu trong tầng BHXH do Nhà nước tổ chức để khắc phục những bất hợp lý trong thời gian vừa qua.
Việc điều chỉnh các tham số tính toán chế độ BHXH cũng được chú ý khi Ban soạn thảo Đề án cho hay: Luật BHXH của Trung Quốc quy định tiền lương hưu được tính từ Quỹ hưu trí chung và tài khoản cá nhân; Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc quy định lương hưu được tính từ 2 tham số: tiền lương bình quân đóng BHXH của NLĐ và tiền lương bình quân đóng BHXH của tất cả những người tham gia BHXH trong 3 năm gần nhất.
Cách thức tính toán như trên, theo ông Giang sẽ bảo đảm nguyên tắc chia sẻ giữa những người tham gia BHXH, giữa thế hệ tham gia BHXH trước đây nay về hưu và thế hệ hiện nay đang tham gia BHXH. Nhờ vậy, chênh lệch về mức lương hưu trong số những người nghỉ hưu được thu hẹp lại.
Ông Phạm Trường Giang cho biết: Thời gian qua BHXH Việt Nam đã có những quy định theo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ, nhưng chia sẻ mới thực hiện rõ nét với BHXH ngắn hạn. Ví dụ, nam giới vẫn đóng tỷ lệ như nữ giới để chia sẻ với nữ khi thai sản, hay giữa những người may mắn không xảy ra tai nạn lao động với những người không may bị tai nạn. Nhưng riêng chính sách lương hưu lại quá chú trọng nguyên tắc đóng - hưởng. Tức là đóng cao - hưởng cao tuyệt đối, chia sẻ chưa thể hiện rõ nét trong thiết kế chính sách về hưu trí.
Lần này, đề án thiết kế theo hướng kết hợp hài hòa giữa nguyên tắc đóng - hưởng và nguyên tắc chia sẻ trong chính sách hưu trí để thu hẹp khoảng cách lương hưu. “Vì thời gian qua chú trọng nguyên tắc đóng - hưởng nên 64% những người hưởng lương hưu có mức lương hưu thấp hơn mức bình quân (khoảng 4,5 triệu/tháng). Khoảng cách giữa những người hưởng mức lương hưu cao và thấp ngày càng lớn”, ông Giang nói.
Vì vậy, thời gian tới, công thức tính lương hưu sẽ chú trọng tới sự chia sẻ: Chia sẻ giữa nam và nữ (hiện nam cao hơn nữ); chia sẻ giữa người tham gia dài và người tham gia thời gian ngắn; người có mức đóng cao do được đào tạo tốt hơn thì chia sẻ với người có mức lương hưu thấp. Đây không phải chia sẻ một cách sòng phẳng mà chia sẻ mang tính tương đối. NLĐ đóng cao vẫn hưởng mức cao một cách tương đối, chứ không phải đóng cao hưởng cao tuyệt đối như hiện nay nhằm thu hẹp khoảng cách về lương hưu, không còn tình trạng có người hưởng lương hưu ở mức rất cao và có người hưởng mức rất thấp.
Rút ngắn thời gian tham gia BHXH
Ngoài 3 đề xuất nêu trên, đề án còn có 5 nội dung khác được cho là sẽ tạo đột phá, đó là tăng cường sự liên kết và hỗ trợ giữa các chính sách BHXH; kế thừa và phát triển nguyên tắc điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với tiền lương của người đang làm việc; điều chỉnh theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia để giảm số lượng hưởng BHXH một lần; thiết kế lại các tham số BHXH để đạt mục tiêu bền vững tài chính của các quỹ BHXH thành phần; rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu.
Việc rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH (hiện tối thiểu là 20 năm) để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho người có thời gian ngắn bảo lưu, người ở độ tuổi trung niên (45-50 tuổi) mới tham gia BHXH có thể hưởng chế độ hưu trí, không phụ thuộc và ngân sách Nhà nước.
Với lộ trình dự kiến bắt đầu cải cách BHXH vào năm 2021, Ban soạn thảo đề án cho rằng, không thể chậm trễ hơn vì quỹ thời gian cần thiết để thể chế hóa và chuẩn bị các điều kiện cần thiết không còn nhiều.
Thời gian tới, công thức tính lương hưu sẽ chú trọng tới sự chia sẻ: Chia sẻ giữa nam và nữ (hiện nam cao hơn nữ); chia sẻ giữa người tham gia dài và người tham gia thời gian ngắn; người có mức đóng cao do được đào tạo tốt hơn thì chia sẻ với người có mức lương hưu thấp. |
Nguyễn Anh
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường