Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nhớ nhà báo Hữu Thọ - “Người hay cãi”

17:02 | 13/08/2015

2,968 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhà báo lão thành Hữu Thọ (tên thật là Nguyễn Hữu Thọ) đã về với “thế giới người hiền” sáng 13/8, hưởng thọ 83 tuổi. Ông để lại niềm tiếc thương cho nhiều thế hệ bạn đọc và người làm báo nước ta.

Nhà báo Hữu Thọ qua đời

Nhà báo Hữu Thọ qua đời

Nguồn tin của PetroTimes, Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng, Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân đã từ trần sáng 13/8 tại Hà Nội.

Nhà báo Hữu Thọ sinh năm 1932 tại Hà Nội. Ông bước vào nghề làm báo ở tuổi 25 (năm 1957) với các bút danh Hữu Thọ, Nhân Nghĩa, Nhân Chính... Bạn đồng nghiệp thường gọi ông là “người hay cãi” (chính là tên cuốn tiểu phẩm đầu tiên của ông xuất bản 1991), đồng thời cũng giống tính cách ngoài đời và phong cách báo chí của ông.

Nhớ nhà báo Hữu Thọ - “Người hay cãi”

Ông nguyên là Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ nhiệm Khoa báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng các khoá VII, VIII, Uỷ viên Uỷ ban đối ngoại Quốc Hội các khoá IX, X, nguyên Trưởng ban Tư tưởng, văn hóa Trung ương (1995-2001); nguyên Trợ lý Tổng Bí thư (2001-2006). Ông vẫn muốn được mọi người gọi mình là “Nhà báo” kể cả khi đang giữ các trọng trách khác.

Mặc dù nghỉ hưu ở tuổi 75 (tháng 1/2007) nhưng ông là nhà báo lão thành ở Việt Nam vẫn tiếp tục viết báo, trao đổi ý kiến, giữ chuyên mục "Chuyện làm ăn", "Bàn góp sự đời" trên báo Nhân Dân cuối tuần với bút danh Nhân Nghĩa và mục "Chuyện đời" trên tạp chí Thế giới mới.

Say nghề báo nên mặc dù tuổi cao sức yếu, ông vẫn sẵn sàng nhận lời đến giảng dạy cho các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, các cuộc hội thảo về báo chí; đồng thời tham gia Ban giám khảo nhiều cuộc thi báo chí lớn. Ông luôn luôn mong muốn truyền ngọn lửa tình yêu nghề nghiệp cho các thế hệ phóng viên trẻ hôm nay.

Trong lời đề từ cuốn sách “Người hay cãi” của mình, ông viết: "Tôi không biết viết thế nào để thành công vì mỗi bài báo là một sự thử thách, nhưng tôi chắc chắn bài báo sẽ thất bại nếu làm vừa lòng mọi người”.

Trả lời phỏng vấn báo điện tử Vietnamnet, ông nói: "Khi trong lòng còn hồ nghi thì ngòi bút nên do dự"

Cuốn sách "Mắt sáng, lòng trong, bút sắc" ông cũng viết: "Làm báo trung thực, công bằng, đúng mực thì sẽ được tin cậy; sự tin cậy của xã hội là phần thưởng cao quý nhất đối với người làm báo".

Ngày 10/6/2015, tại Hà Nội, Khoa Báo chí & Truyền thông - Đại học Khoa học xã hội và nhân văn phối hợp với Quỹ Konrad Aderiauer Stiftung (KAS) tổ chức Hội thảo khoa học "Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số", ông có bài tham luận rất tâm huyết. Trong đó có đoạn ông buồn rầu chia sẻ: "Là nhà báo 50 năm cầm bút, tôi phải đau lòng nói rằng chưa bao giờ uy tín báo chí giảm sút như hiện nay. Có người giờ không dám nhận là nhà báo vì báo chí sai sự thật quá nhiều. Có những cái sai không ngờ. Ví dụ, có nhà báo nghe vợ đi chợ về nói là có tin đồn bố chồng dan díu với con dâu, về cũng làm tin đăng, phát trên đài Quốc gia. Về nguyên nhân sai sót của báo chí, các ý kiến đã tổng kết rằng có tới 6 nguyên nhân. Nhưng theo tôi thì chỉ có 2 nguyên nhân. Một là nhiều tờ báo in rất khó khăn về tài chính nên số phụ và trang điện tử ra quá nhiều, cái sai chủ yếu ở đó. Hai là con người làm báo, trong đó, nhiều phóng viên, nhà báo còn thiếu trách nhiệm rèn luyện đạo đức người làm báo, nhiều chủ quản thì lơ mơ, và trong sự giám sát không nghiêm túc thì có trách nhiệm của tổng biên tập.

Người ta hay nói về “quyền lực thứ tư” của báo chí. Tôi không thích thú với khái niệm này vì tôi nghĩ là không chính xác, đồng thời dễ gây ảo tưởng với những người làm báo, vì báo chí dù là tờ báo quan trọng nhất của tổ chức quan trọng nhất cũng không thể có quyền ra lệnh cho ai, bắt xã hội phải theo như các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhưng báo chí là một thế lực quan trọng vì nó có khả năng tạo ra dư luận mầm mống của những hành vi “đám đông”, có cả mặt lợi và hại đối với ổn định để phát triển của một quốc gia.

Có nhà khoa học xã hội nước ngoài nói đại ý rằng, có ba thế lực đang chi phối hoạt động xã hội: Đó là thế lực chính trị, thế lực tài chính và thế lực truyền thông. Vì là một thế lực quan trọng cho nên các thế lực khác đang tìm cách lợi dụng.

Làm báo hiện nay cũng có rất nhiều cạm bẫy. Chúng ta đang sống trong thời kỳ của báo mạng - một sự phát triển của văn minh nhân loại. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có rất nhiều thông tin trên mạng thiếu kiểm chứng, nó ẩn danh một cách tự do, vô trách nhiệm khiến ai không có bản lĩnh sẽ bị chìm trong “đống rác” thông tin. Bởi vậy, chính điều này đặt ra yêu cầu phải nâng cao bản lĩnh và phẩm chất của người làm báo.

Theo thống kê của một cơ quan có thẩm quyền, có 60% phóng viên sử dụng thông tin trên mạng, coi đó là một phần tư liệu trong bài viết của mình. Nhưng hãy nhớ rằng, thông tin trên mạng không đủ phẩm chất để trở thành tư liệu cho một bài báo”.

Kể lại những ngày đầu mới về làm phóng viên ở báo Nhân Dân, ông có những bài viết khô khan, tẻ nhạt, bị các anh lãnh đạo chê, ông rất buồn và nghĩ rằng mình đã chọn sai nghề. Nhưng ông được nhà báo Thép Mới chỉ bảo rất chân tình. Có lần bài “bị đá”, ông rất hoang mang nhưng Thép Mới động viên: “Cậu chưa chi đã nản. Làm việc gì cho giỏi mà chẳng khó. Còn cứ làng nhàng thì khó quái gì. Phải đi vào ngóc ngách đời sống. Phải tạo cho mình
một lối nghĩ riêng, phải có suy nghĩ thật mới thì người ta mới đọc. Nên bắt đầu từ những hiểu biết sâu sắc của mình”.

Đấy chính là những bài học đầu tiên của Hữu Thọ về nghề báo. Sự hiểu biết sâu sắc thấu đáo của ông lúc bấy giờ chủ yếu là cuộc kháng chiến chống Pháp, là đời sống nông dân ở vùng quê lúa Thái Bình của ông. Thế là ông trở lại quê hương Thái Bình, viết về sự biến đổi của đời sống nông dân trong thời kỳ mới. Bài viết “Những con đường kháng chiến quê tôi” của ông khá dài, Thép Mới cho đăng ngay, không phải chữa một chữ nào khiến ông yên tâm ở lại với nghề báo.

Rồi Hữu Thọ đi chiến trường, làm phóng viên mặt trận ở Vĩnh Linh, Khe Sanh (Quảng Trị) cùng với những bài viết nóng hổi hơi thở của mặt trận.

Những năm chiến tranh chống Mỹ, bạn đọc cả nước đều biết đến tên tuổi nhà báo Hữu Thọ - phóng viên chuyên theo dõi nông nghiệp, nông thôn. Đọc bài của ông, người ta có cảm giác như Hữu Thọ là một người nông dân thực thụ bởi sự hiểu biết đến chi tiết con người, công việc nhà nông. Đặc biệt, những bài báo phân tích sâu sắc về tình hình sản xuất nông nghiệp, cơ cấu vật nuôi cây trồng và cung cách làm ăn mới ở nông thôn của ông đã góp phần quan trọng để Đảng và Nhà nước đề ra chính sách mới cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp là vấn đề được nhà báo Hữu Thọ nói đến nhiều lần trong những năm vừa qua: “Chúng ta phải có bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp. Nghề nào cũng có đạo đức nhưng những nghề ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội, đòi hỏi đạo đức rất cao, trong đó có nghề làm báo. Chúng ta viết hay nhưng phải trung thực”.

Trong cuộc đời làm báo của mình, nhà báo Hữu Thọ đã gặt hái được những thành tựu xuất sắc: Tám lần giành Giải Nhất hoặc A của Hội Nhà báo Việt Nam và Giải báo chí Quốc gia 2009. Ông còn nhận Giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất (8-1970) cho kịch bản phim “Lúa trên đất lửa” (đồng tác giả với Phan Trọng Quỳ).

Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) đã trao tặng ông Bằng Danh dự và Huy Chương Vàng.

Ông được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất và hạng Ba; Huân chương kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng nhất; Huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương Tự Do (CHDCND Lào)…

Nhớ về nhà báo Hữu Thọ, chúng ta sẽ mãi mãi nhớ đến một nhà báo bậc thầy, có tâm và có tầm trong quãng thời gian gần 60 năm qua!

Đức Toàn

Năng lượng Mới