Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/1/2023
Ngày 27/1, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật hạn chế quyền của tổng thống trong việc mở kho dầu dự trữ khẩn cấp quốc gia. Ảnh: PBS |
Nga vẫn là nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất của EU
Bất chấp lệnh cấm các sản phẩm dầu tinh chế của Nga sắp có hiệu lực, Moscow vẫn là nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) với hơn 600.000 thùng mỗi ngày. Theo công ty theo dõi dữ liệu thời gian thực Vortexa, trong tháng 1/2023, tổng xuất khẩu dầu diesel của Nga sang EU, Na Uy, Thụy Sỹ và Vương quốc Anh ước tính ở mức 615.873 thùng/ngày.
Theo dữ liệu do Anadolu tổng hợp, khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu diesel, nhiên liệu máy bay và các sản phẩm dầu khác của Nga có hiệu lực (ngày 5/2 tới), khối này cần định tuyến lại các thùng dầu diesel, vì hiện đang nhập nhiều hơn từ Saudi Arabia và Mỹ, đồng thời, hàng của Nga có thể sẽ tìm thấy bến đỗ mới tại châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh.
David Wech, nhà kinh tế trưởng của Vortexa, nói: "Trung bình, tổng nhập khẩu dầu diesel của châu Âu trong 4 tháng qua ở mức khoảng 600.000 thùng/ngày, cao hơn nhiều so với mức khoảng 400.000 thùng/ngày ở giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 1 của hai năm trước. Do đó, có thể nói rằng, trong 4 tháng qua, châu Âu đã mua nhiều hơn 1/3 so với nhu cầu thường lệ”.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật thay đổi cách sử dụng kho dự trữ dầu
Ngày 27/1, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật hạn chế quyền của tổng thống trong việc mở kho dầu dự trữ khẩn cấp quốc gia, động thái được cho là có liên quan đến cách thức xử lý cuộc khủng hoảng xăng dầu hồi cuối năm ngoái của Tổng thống Joe Biden.
Với 221 phiếu thuận và 205 phiếu chống, dự luật yêu cầu chính phủ phải xây dựng kế hoạch tăng tỷ lệ cho thuê đất liên bang để khai thác dầu và khí đốt nếu muốn rút một phần dầu khỏi Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR). Dự luật chỉ cho phép lấy dầu ra khỏi SPR trong trường hợp xảy ra “gián đoạn cung cấp năng lượng nghiêm trọng”.
Trước khi dự luật được Hạ viện thông qua, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cảnh báo dự luật sẽ khiến việc sử dụng SPR trong những tình huống khó khăn trở nên khó khăn hơn và dẫn đến tình trạng giá xăng tăng cao hơn. Giới quan sát tại Mỹ nhận định dự luật khó có thể vượt qua được "ải" Thượng viện do đảng Dân chủ lãnh đạo và chính quyền Tổng thống Biden cũng đã tuyên bố sẽ phủ quyết dự luật này.
Trung Mỹ và Caribe muốn hợp tác với Nga về lĩnh vực công nghệ hạt nhân
Ngày 27/1, Tập đoàn năng lượng nhà nước Rosatom của Nga cho biết một số quốc gia Trung Mỹ và Caribe bày tỏ quan tâm đến việc thành lập trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân, tương tự như dự án trung tâm hạt nhân mà tập đoàn này đang triển khai ở Bolivia.
Theo Giám đốc Rosatom tại Mỹ Latinh Ivan Dybov cho hay mỗi quốc gia có những ưu tiên riêng, do đó Rosatom sẽ cung cấp một cách tiếp cận linh hoạt và điều chỉnh các dự án tùy theo nhu cầu của từng khách hàng cụ thể. Quan chức này nhấn mạnh trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân tại Bolivia là một trong những dự án hợp tác thành công của Rosatom tại Mỹ Latinh.
Vào năm 2016, Bộ Dầu khí và Năng lượng Bolivia đã ký thỏa thuận hợp tác với Rosatom nhằm xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Hạt nhân tại thành phố El Alto. Theo thỏa thuận, Chính phủ Bolivia lên kế hoạch đầu tư khoảng 300 triệu USD cho công trình này, với tham vọng đây sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu công nghệ hạt nhân lớn nhất Nam Mỹ.
Indonesia điều chỉnh kế hoạch đầu tư hóa dầu do chuyển đổi năng lượng
Công ty con chuyên hoạt động trong lĩnh vực hóa dầu thuộc tập đoàn năng lượng nhà nước Pertamina của Indonesia đang điều chỉnh các kế hoạch mở rộng nhà máy lọc dầu của mình, phù hợp với yêu cầu thay đổi từ quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Giám đốc điều hành công ty PT Kilang Pertamina Internasional (KPI), ông Taufik Adityawarman cho biết, theo kế hoạch phát triển nhà máy lọc dầu năm 2015, KPI đặt mục tiêu nâng cấp 4 nhà máy lọc dầu lớn nhất của mình và xây dựng 2 nhà máy mới, giúp tăng gần gấp đôi công suất xử lý lên hơn 1,5 triệu thùng mỗi ngày.
Theo một bài thuyết trình năm 2021 của Pertamina, việc nâng cấp các nhà máy lọc dầu Dumai, Plaju và Cilacap sẽ cần tổng cộng 6,2 tỷ USD và dự kiến hoàn tất vào năm 2027.
Mỹ, Trung Đông tăng bán diesel cho châu Âu
Khi các nước châu Âu, vốn nhập khẩu khoảng 2,5 triệu thùng dầu diesel mỗi ngày, cần lấp đầy khoảng trống nguồn cung của Nga, Mỹ và các nước Trung Đông đang nổi lên như những nhà cung cấp tiềm năng. Dữ liệu của Vortexa cho thấy, Saudi Arabia đứng ở vị trí thứ hai về xuất khẩu dầu diesel sang các nước châu Âu với 267.000 thùng mỗi ngày vào tháng 1/2023.
Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại công ty phân tích dữ liệu Kpler nói: "Saudi Arabia đang sản xuất khoảng 1,3-1,4 triệu thùng dầu diesel mỗi ngày nhưng khoảng 600.000 thùng trong số đó dành thị trường nội địa và cần phải cân bằng các cam kết châu Âu và châu Á, do đó, khả năng tăng giá bị hạn chế".
Cũng theo ông Katona, Kuwait đang tìm cách đưa vào vận hành nhà máy lọc dầu Al Zour với công suất sản xuất 615.000 thùng mỗi ngày, dự kiến tập trung vào dầu diesel, nhưng cho đến nay, chỉ có tổ máy chưng cất đầu tiên hoạt động đầy đủ, các tổ máy số 2 và 3 bị trì hoãn sang năm 2023 này.
T.H (t/h)
-
[PetroTimesTV] Điểm sự kiện Năng lượng - Dầu khí nổi bật tuần qua, từ ngày 3 - 20/10/2024
-
Đường ống Matterhorn Express tác động gì đến lưu vực Permian và thị trường năng lượng?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 29/7 - 3/8
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 2/8: Thị trường không bị ảnh hưởng bởi tình hình Trung Đông
-
Trung Quốc và bài toán chuyển dịch năng lượng (Kỳ VII)
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên