Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 27/1/2023
Mức tiêu thụ điện trên cả nước trong dịp Tết Quý Mão 2023 giảm 30,3% so với ngày thường của tuần trước Tết. Ảnh: BD |
Sản lượng điện tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán 2023 giảm hơn 30%
Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023 từ ngày 20-26/1/2023 (tức từ 29/12/2022 - 5/1/2023 âm lịch), công suất tiêu thụ điện cao nhất của toàn hệ thống điện quốc gia bình quân ngày chỉ ở mức khoảng 24.300 MW, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày ở mức khoảng 440,6 triệu kWh/ngày.
Số liệu thống kê cho thấy, mức tiêu thụ điện trên cả nước trong dịp Tết Quý Mão 2023 giảm 30,3% so với ngày thường của tuần trước Tết. Đồng thời, mức tiêu thụ điện bình quân ngày trong dịp Tết Quý Mão 2023 cũng thấp hơn cùng kỳ dịp Tết Nhâm Dần 2022 khoảng 9,2%.
Như đã dự báo trước đó, nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc vào dịp Tết Nguyên đán đã giảm thấp đáng kể so với ngày thường. Theo số liệu thống kê thực tế, trong kỳ nghỉ Tết Quý Mão công suất tiêu thụ điện toàn quốc vào giờ thấp điểm trưa đã giảm ở mức còn khoảng 15.500 MW, giờ thấp điểm đêm chỉ còn khoảng 13.600 MW, tương ứng mức khoảng 60% so với ngày bình thường.
Nhiều công ty điện của Nhật Bản tìm cách tăng giá
Hầu hết các công ty điện lực lớn của Nhật Bản đã tìm cách tăng giá điện thêm khoảng 30% đến hơn 40% cho năm tài chính tiếp theo, trong một động thái có thể sẽ làm tăng thêm gánh nặng chi phí cho các hộ gia đình.
7 trong số 10 công ty điện lực lớn nhất Nhật Bản đã nộp đơn lên bộ ngành liên quan để tăng giá điện theo quy định cho các hộ gia đình, vốn cần có sự chấp thuận của chính phủ. Trong số 10 công ty, 9 công ty dự báo sẽ lỗ ròng trong năm tài chính hiện tại tính đến tháng 3/2023 do giá khí đốt và than cần thiết cho các nhà máy nhiệt điện tăng lên.
Trong bối cảnh đó, chính phủ sẽ bắt đầu trợ cấp cho các công ty điện lực để họ có thể giảm khoảng 20% hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình từ tháng 1/2023 đến hết mùa hè. Tuy nhiên, mức tăng giá mà các công ty yêu cầu có thể nhiều hơn mức trợ cấp, giáng một đòn khác vào người tiêu dùng.
Libya, Italy đạt thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực dầu khí
Tập đoàn Dầu khí quốc gia (NOC) Libya ngày 25/1 thông báo đã đạt được thỏa thuận trị giá 8 tỷ USD với Tập đoàn Năng lượng ENI của Italy để phát triển các cơ sở khai thác hydrocarbon ở ngoài khơi.
Theo người đứng đầu NOC, Farhat Bengdara, thỏa thuận trên nhằm phát triển lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, trong đó xây dựng 2 cơ sở ở ngoài khơi với công suất có thể đạt tổng cộng hơn 24 triệu m3 khí đốt mỗi ngày.
Trước đó, hồi tháng 12/2022, NOC đã kêu gọi các công ty nước ngoài trong lĩnh vực khai thác hydrocarbon nối lại hoạt động sau khi đánh giá tình hình an ninh và ghi nhận sự cải thiện lớn tại một số địa điểm mà vấn đề an ninh vốn gây khó khăn cho hoạt động sản xuất.
Hungary sẽ phủ quyết biện pháp trừng phạt hạt nhân Nga của EU
Phát biểu với Đài phát thanh nhà nước ngày 27/1, Thủ tướng Viktor Orban cho biết, Hungary sẽ phủ quyết bất kỳ biện pháp trừng phạt nào của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga liên quan đến năng lượng hạt nhân.
Trước đó, ngày 23/1, theo đài RT, tại một cuộc họp báo ở Brussels sau cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao EU, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho hay, hợp tác với Nga về năng lượng hạt nhân là điều cần thiết với Hungary và Budapest sẽ phản đối bất kỳ đề xuất nào đưa ra các biện pháp trừng phạt về mối quan hệ đối tác này.
Ông Peter Szijjarto nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận một quyết định nào nhằm hạn chế hợp tác hạt nhân với Nga, dù nhỏ đến đâu, vì nó sẽ gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng quốc gia của chúng tôi". Nhà ngoại giao hàng đầu Hungary cho biết thêm, một số quốc gia thành viên EU ủng hộ ý tưởng trừng phạt với lĩnh vực hạt nhân của Nga nhưng Hungary sẽ không chấp nhận.
Người đứng đầu Nord Stream khẳng định Nga không phá hoại đường ống dẫn khí đốt
Trong bài phỏng vấn của tờ báo Đức Die Zeit ngày 26/1, ông Matthias Warnig - người đứng đầu Nord Stream AG và Nord Stream 2 AG khẳng định Nga không có khả năng đứng sau vụ tấn công vào tháng 9 năm ngoái nhằm vào đường ống dẫn khí đốt Nord Stream.
Khi được hỏi liệu chính quyền Anh có thể đứng đằng sau vụ việc hay không, ông chủ Nord Stream gọi đó là "sự suy đoán" và đề nghị nhà báo "hãy suy nghĩ về điều đó" cẩn thận.
Khi 2 đường ống bị hư hại, các quan chức phương Tây đã nhanh chóng đổ lỗi cho Nga về vụ việc. Đáp lại, Moscow gọi vụ phá hoại đường ống Nord Stream là một "hành động khủng bố" và cáo buộc Mỹ đứng sau. Hiện chưa có kết quả điều tra chính thức và không có nghi phạm nào được xác minh.
Indonesia lên kế hoạch triển khai sàn giao dịch tín chỉ carbon để giảm phát thải
Ngày 24/1, quan chức Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản (ESDM) Mohamad Priharto Dwinugroho cho biết: “Hạn ngạch sẽ được ấn định chậm nhất vào ngày 31/1. Sau khi đạt được hạn ngạch, các doanh nghiệp được yêu cầu tiến hành giao dịch tín chỉ carbon”.
Theo ông Dadan Kusdiana, một quan chức cấp cao khác thuộc ESDM, giai đoạn đầu tiên của kế hoạch giao dịch tín chỉ carbon sẽ quy tụ các nhà máy điện than có công suất tối thiểu 100 MW được kết nối trực tiếp với lưới điện thuộc sở hữu của công ty quốc doanh Perusahaan Listrik Negara (PLN). Số liệu của ESDM cho thấy 99 nhà máy điện than với tổng công suất lắp đặt 33,6 GW có thể tham gia giao dịch tín chỉ carbon trong năm nay.
Các nhà máy điện thải ra lượng carbon nhỏ hơn mức hạn ngạch của mình có thể tiến hành giao dịch phần còn lại với các nhà máy có lượng khí thải vượt hạn ngạch. Các công ty không giao dịch tín chỉ carbon sẽ được cấp hạn ngạch phát thải thấp hơn vào năm tới.
T.H (t/h)
-
[PetroTimesTV] Điểm sự kiện Năng lượng - Dầu khí nổi bật tuần qua, từ ngày 3 - 20/10/2024
-
Đường ống Matterhorn Express tác động gì đến lưu vực Permian và thị trường năng lượng?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 29/7 - 3/8
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 2/8: Thị trường không bị ảnh hưởng bởi tình hình Trung Đông
-
Trung Quốc và bài toán chuyển dịch năng lượng (Kỳ VII)
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên