Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/12/2022
Trang trại điện gió tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Trungnamgroup |
Điện gió Việt Nam đã đạt mốc kỷ lục về vận hành với 3.386 MW
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết, gió Đông Bắc dù đến muộn nhưng đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến toàn bộ các khu vực tập trung điện gió như Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, khiến các nguồn điện gió trên cả nước đồng loạt phát cao, với công suất thường xuyên duy trì ở mức 1.500-2.500 MW và sản lượng điện bình quân đạt xấp xỉ 50 triệu kWh/ngày, cao hơn 140% so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, trong các ngày 17 và 18/12, hệ thống điện quốc gia ghi nhận mức tổng công suất phát của các nguồn điện gió thường duy trì trên 3.000 MW, đạt cao nhất 3.386 MW vào lúc 15h20 ngày 17/12. Kỷ lục vận hành gần nhất là 3.077 MW vào ngày 5/2/2022. Hiện hệ thống có 4.667 MW điện gió đang nối lưới vận hành.
Với mức công suất mới này, các nguồn điện gió Việt Nam đã phát đồng thời được đến 85% công suất lắp đặt. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, thách thức trong vận hành nguồn điện này, bởi khi gặp gió quá lớn (thường có tốc độ trên 21-22m/s), các turbine sẽ đạt tới giới hạn và phải ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn.
EVN kiến nghị sớm điều chỉnh giá điện
Ngày 21/12, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết, giá bán lẻ điện đã được giữ ổn định gần 4 năm qua trong khi giá nhiên liệu sản xuất điện, tỷ giá đều tăng mạnh khiến EVN khó cân đối tài chính và chịu lỗ nặng trong năm 2022.
Tập đoàn ước lỗ 31.360 tỉ đồng. EVN đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ ngành cho phép điều chỉnh giá điện trong năm 2022 để giảm bớt khó khăn và có thể cân đối tài chính của EVN trong những năm tới.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, EVN lỗ khách quan do thực hiện nhiệm vụ chính trị. Chi phí đầu vào tăng không ngừng, giá đầu ra không tăng, không đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh thì không ổn. Do đó, ông Nguyễn Hoàng Anh vừa đề nghị EVN tiết giảm chi phí hoạt động hơn nữa, vừa kiến nghị Chính phủ điều chỉnh giá điện.
Châu Âu vượt châu Á về nhập khẩu LNG của Nga
Báo Vedomosti trích dẫn báo cáo từ hãng tư vấn B1 cho biết khối lượng LNG của Nga xuất khẩu sang châu Âu (tính cả Anh và Thổ Nhĩ Kỳ) đã tăng 22% trong 11 tháng qua lên 20 tỷ m3. Lượng hàng giao đến Bỉ tăng 110% lên khoảng 5 tỷ m3, trong khi nguồn cung cho Pháp tăng hơn 50% lên 7,3 tỷ m3 và đến Tây Ban Nha tăng hơn 40% lên 4,5 tỷ m3.
Trong số các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu LNG của Nga thêm gần 30% lên 6,5 tỷ mét khối trong giai đoạn 11 tháng qua, trong khi Nhật Bản tăng nhập khẩu 1% lên 8,4 tỷ m3. Ở Trung Quốc, nguồn cung từ Nga đã tăng trong bối cảnh tổng lượng LNG nhập khẩu vào nước này giảm 20%, xuống còn khoảng 77 tỷ m3.
Nhà phân tích cấp cao Nikita Blokhin tại Alfa-Bank cho hay tình trạng gia tăng xuất khẩu LNG của Nga sang Liên minh châu Âu (EU) là do nguồn cung khí đốt qua đường ống đã giảm mạnh và được thay thế bằng khí hóa lỏng, theo các bước trong kế hoạch năng lượng toàn châu Âu.
Xuất khẩu dầu thô của Nga đã sụt giảm 54% trong tuần đầu bị trừng phạt
Các chuyến hàng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga đã sụt giảm 1,86 triệu thùng/ngày, tương đương với 54%, sau khi phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào nguồn doanh thu từ dầu mỏ của Moskva. Đây được cho là lời cảnh báo tiềm tàng dành cho các chính phủ khác trên khắp thế giới.
Cụ thể, trong tuần lễ kết thúc vào ngày 16/12 đánh dấu mốc tròn một tuần đầu tiên lệnh cấm có hiệu lực, tổng khối lượng từ Nga đã giảm 1,86 triệu thùng/ngày xuống còn khoảng 1,6 triệu thùng/ngày. Tỷ lệ trung bình trong bốn tuần cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục mới của năm 2022.
Theo báo cáo của Bloomberg, các tín hiệu trên thị trường cũng cho thấy tình trạng thiếu hụt các chủ tàu sẵn sàng vận chuyển dầu của Nga từ một cơ sở xuất khẩu ở châu Á. Cùng lúc đó, các tập đoàn năng lượng khổng lồ như Shell và Exxon Mobil đã dừng sử dụng các tàu từng chở hàng hóa của Nga trước đây.
Quan chức Saudi Arabia khẳng định OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu mỏ là đúng đắn
Ngày 20/12, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho hay, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đối tác (OPEC+) đã gạt yếu tố chính trị ra khỏi quá trình ra quyết định cũng như các báo cáo đánh giá và dự báo của tổ chức này. Hãng thông tấn SPA dẫn lời ông Salman cho biết thêm, quyết định của OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu mỏ đã chứng tỏ tính đúng đắn trong việc hỗ trợ ổn định thị trường và ngành dầu mỏ.
Theo ông Salman, "việc chơi đùa chính trị trong số liệu và dự báo, cũng như không duy trì tính khách quan thường gây hậu quả và làm mất uy tín. Trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất ổn, OPEC+ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc duy trì sự chủ động và đi trước một bước".
Trước đó, tại cuộc họp ngày 4/12, OPEC+ đã nhất trí duy trì chính sách dầu mỏ như hiện tại, tức là giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng dầu mỏ 2 triệu thùng/ngày, vốn được bắt đầu áp dụng từ tháng 11. Theo AFP, đây là đợt cắt giảm sản lượng lớn nhất của OPEC+ kể từ giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 vào năm 2020.
Nga coi việc áp trần giá khí đốt không phải vấn đề kinh tế
Ngày 20/12, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho hay, Moscow coi việc áp trần giá khí đốt ở châu Âu là một quyết định chính trị, không phải vấn đề kinh tế. Đồng thời, theo Nga, các biện pháp trên chỉ dẫn đến tình trạng thiếu khí đốt trong khu vực.
Cụ thể, ông Novak nói: “Đối với mức giá trần được đưa ra, chúng tôi tin rằng đây là một quyết định chính trị tiếp theo, hoàn toàn không phải kinh tế”. Phó Thủ tướng Nga cũng cho biết, nước này chưa quyết định đưa ra phản ứng đối với việc Liên minh châu Âu (EU) áp giá trần đối với khí đốt của Nga.
Cũng trong ngày 20/12, một đơn vị thành viên của tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom cho biết vẫn đang cung cấp đầy đủ khí đốt cho khách hàng thông qua các đường ống vận chuyển song song, sau khi xảy ra vụ nổ gây hư hại một phần đường ống Urengoi-Pomary-Uzhhorod.
Mỹ cho biết sẽ tiếp tục cứng rắn hơn nữa với giá trần dầu Nga
Ngày 20/12, trả lời phỏng vấn hãng Reuters, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Adewale Adeyemo cho biết, Washington sẽ thảo luận với các đối tác và đồng minh về việc giảm hơn nữa mức giá trần đối với dầu của Nga.
Theo ông Adeyemo, mặc dù doanh thu của Liên bang Nga từ việc bán năng lượng bắt đầu giảm, nhưng tốc độ khai thác dầu vẫn như cũ. Trong tương lai, các quốc gia ủng hộ sáng kiến áp giá trần sẽ thảo luận về các biện pháp cứng rắn hơn.
Thứ trưởng Tài chính Mỹ cũng lưu ý rằng, Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép kinh tế đối với Nga, đặc biệt nhằm mục đích làm suy yếu khả năng đầu tư cho lĩnh vực quốc phòng của nước này.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 19/12/2022 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/12/2022 |
T.H (t/h)
-
Đường ống Matterhorn Express tác động gì đến lưu vực Permian và thị trường năng lượng?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 29/7 - 3/8
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 2/8: Thị trường không bị ảnh hưởng bởi tình hình Trung Đông
-
Trung Quốc và bài toán chuyển dịch năng lượng (Kỳ VII)
-
Trung Quốc và bài toán chuyển dịch năng lượng (Kỳ VI)
-
Chân chạy VPI phá kỷ lục ở VPBank Hanoi International Marathon 2024
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%
-
Giá dầu hôm nay (18/10): Dầu thô tăng trở lại
-
Tăng trưởng tín dụng đạt 9%, kỳ vọng bứt phá những tháng cuối năm
-
Giá vàng hôm nay (18/10): Tiếp đà tăng mạnh