Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 16/11/2022
Đường ống dẫn dầu Druzhba tạm dừng bơm dầu theo hướng Fenyeslitke của Hungary vì sự cố sụt áp. Ảnh minh họa: RBT |
IEA cảnh báo nguy cơ thị trường dầu biến động khó lường
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 15/11 đã cảnh báo việc Liên minh châu Âu (EU) ban hành lệnh cấm đối với xuất khẩu dầu khí của Nga qua đường hàng hải, cũng như việc áp giá trần khí đốt, sẽ khiến thị trường dầu càng trở nên khó đoán định.
Theo IEA, các lệnh cấm vận của EU đối với dầu thô và dầu mỏ của Nga, cũng như dịch vụ vận tải hàng hải, sẽ gia tăng sức ép đối với sự cân bằng dầu mỏ toàn cầu, đặc biệt gây áp lực cho các thị trường dầu diesel. Việc áp đặt một mức trần giá dầu có thể phần nào xoa dịu những căng thẳng thị trường, song không thể ngăn được các biến động khó lường trong khi còn tồn tại các thách thức về logistics. IEA cho rằng các yếu tố này sẽ càng thúc đẩy những bất ổn trong thị trường dầu thế giới.
IEA cho biết, khi các quốc gia tìm cách tự chủ khỏi nguồn cung của Nga vào năm tới, sản lượng dầu của quốc gia này sẽ giảm 1,4 triệu thùng/ngày (bpd). Trong khi đó, việc áp đặt lệnh cấm đồng nghĩa EU sẽ cần tìm nguồn cung thay thế 1 triệu bpd dầu thô và 1,1 triệu bpd các sản phẩm dầu, trong đó dầu diesel là sản phẩm đặc biệt khan hiếm và đắt đỏ.
Nguồn cung dầu Nga sang các nước châu Âu qua tuyến Druzhba bị ngắt
Tập đoàn dầu mỏ Transneft của Nga Igor Demin hôm 15/11 xác nhận, phía Ukraine đã thông báo cho Nga về việc tạm dừng hoạt động bơm dầu trên tuyến ống dẫn Druzhba theo hướng Fenyeslitke của Hungary vì sự cố sụt áp. Lý do được phía Ukraine đưa ra là cuộc không kích của Nga đã đánh trúng một trạm biến áp gần biên giới với Belarus - được sử dụng để cấp điện cho các trạm bơm thuộc đường ống dẫn dầu Druzhba.
Trong khi đó, tập đoàn năng lượng MOL của Hungary cũng xác nhận việc vận chuyển dầu thô tới Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia thông qua đường ống Druzhba đã “tạm thời bị dừng lại”. “Chúng tôi đang theo dõi các sự kiện và cố gắng phối hợp với phía Ukraine để sớm khởi động lại đường ống Druzhba”, tập đoàn dầu mỏ Hungary cho biết thêm.
Đường ống dẫn dầu Druzhba dài nhất thế giới, khoảng 4.000 km, bắt đầu từ tỉnh Samara của Nga, đi qua Bryansk và sau đó phân thành 2 nhánh: nhánh phía Bắc đi qua lãnh thổ Belarus, Ba Lan và Đức; nhánh phía Nam qua Ukraine, Czech, Slovakia và Hungary.
Anh kêu gọi Saudi Arabia nỗ lực bình ổn thị trường dầu mỏ
Trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu tăng cao, trong cuộc hội đàm với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 15/11 đã kêu gọi nỗ lực ổn định thị trường dầu mỏ.
Người phát ngôn của Phố Downing cho biết trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu tăng cao, Thủ tướng Sunak đã bày tỏ hy vọng Anh và Saudi Arabia có thể tiếp tục hợp tác để ổn định thị trường năng lượng. Ngoài ra, ông Sunak đã đề cập với Thái tử Mohammed về tầm quan trọng của việc thúc đẩy tiến bộ trong hoạt động cải cách xã hội.
Saudi Arabia là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và cũng là thành viên dẫn đầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Cuộc hội đàm trên diễn ra trong bối cảnh Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) quyết định cắt khai thác 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11.
Algeria cung cấp khí đốt cho Slovenia thông qua đường ống dẫn qua Italy
Ngày 15/11, tập đoàn dầu khí quốc gia Sonatrach của Algeria đã ký hợp đồng cung cấp khí đốt cho Slovenia trong 3 năm, kể từ tháng 1/2023, thông qua một đường ống dẫn qua Italy.
Sonatrach cho biết thỏa thuận "sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu khí đốt tự nhiên trên thị trường châu Âu, đồng thời củng cố vai trò của Algeria là nhà cung cấp lâu dài đáng tin cậy của thị trường châu Âu". Lượng khí đốt cụ thể không được đề cập, nhưng các phương tiện truyền thông ở Slovenia đưa tin Algeria sẽ cung cấp cho quốc gia châu Âu này khoảng 300 triệu m3 khí đốt mỗi năm.
Thỏa thuận trên được ký kết trong bối cảnh các nước châu Âu đang cạnh tranh tìm kiếm nguồn cung thay thế dầu khí của Nga. Đây là thỏa thuận mới nhất trong chuỗi các thỏa thuận tương tự giữa Algeria với các công ty châu Âu.
Israel cho phép 2 tập đoàn năng lượng thăm dò khí đốt ngoài khơi
Israel ngày 15/11 đã ký một thỏa thuận ban đầu với 2 tập đoàn năng lượng TotalEnergies (Pháp) và Eni (Italy) cho phép thăm dò khí đốt ngoài khơi. Theo đó cho phép 2 công ty này bắt đầu thăm dò khí đốt tự nhiên trong khuôn khổ thỏa thuận phân định lãnh hải với Liban.
Hồi tháng trước, Israel và Liban đã hoàn tất thỏa thuận phân định lãnh hải do Mỹ làm trung gian. Điểm mấu chốt của thỏa thuận là giải quyết tranh chấp liên quan tới mỏ khí đốt đầy triển vọng ở lô 9 ngoài khơi của Liban kéo dài vào vùng biển của Israel.
Theo thỏa thuận ban đầu, tập đoàn TotalEnergies là nhà vận hành lô 9 với 60% lợi tức trong khi tập đoàn Eni giữ 40% lợi tức. Theo Bộ Năng lượng Israel, Israel sẽ ký một thỏa thuận cuối cùng, chi tiết hơn với TotalEnergies và Eni nếu phát hiện khối lượng khí đốt phục vụ thương mại tại mỏ khí đốt này.
Các kho dự trữ khí đốt tại Đức được lấp đầy 100%
DW dẫn lời cơ quan quản lý năng lượng Đức Bundesnetzagentur hôm 15/11 cho biết, tổng mức dự trữ khí đốt ở Đức đang là 100% và việc tiếp tục dự trữ năng lượng sẽ tiếp tục được diễn ra bởi một số kho có khả năng chứa nhiều khí đốt tự nhiên hơn.
Theo Cơ quan Quản lý năng lượng Đức, các cơ sở lưu trữ khí đốt của họ đã hoàn toàn được lấp đầy và sẵn sàng cho một mùa đông "tập cai năng lượng Nga", nhờ vào thời tiết ấm áp bất thường trong thời gian gần đây. Ngoài ra, chính phủ nước này rất nỗ lực trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế, đặc biệt là thông qua nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các quốc gia như Na Uy hay Mỹ.
Được biết, một số kho tại Đức có khả năng chứa nhiều khí đốt tự nhiên hơn nên việc tích trữ vẫn tiếp tục diễn ra ngay cả khi tỷ lệ lấp đầy đã đạt 100%. Một cột mốc quan trọng khác của ngành năng lượng Đức cũng diễn ra cùng ngày 15/11 khi khu cảng LNG đầu tiên được khánh thành ở thành phố miền Bắc Wilhelmshaven. Dự kiến, cảng sẽ tiếp nhận các lô hàng đầu tiên trong tháng 12.
Lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm mạnh
Viện Dầu mỏ Mỹ (API) ngày 15/11 cho biết lượng dầu thô trong kho dự trữ của Mỹ trong tuần (kết thúc vào ngày 11/11) vừa qua đã giảm 5,835 tỷ thùng, sau khi tăng 5,618 tỷ thùng trong tuần trước đó. Giới phân tích dự đoán lượng dự trữ dầu thô của Mỹ có thể tiếp tục giảm 400.000 thùng trong tuần này.
Số liệu thống kê của API thể hiện lượng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ sẵn có trong kho dự trữ của Mỹ, cung cấp thông tin tổng quan về nhu cầu xăng dầu của Mỹ. Nếu dự trữ dầu thô tăng nhiều hơn dự kiến, điều đó có nghĩa nhu cầu yếu hơn và giá dầu thô giảm.
Trong báo cáo hằng tháng về thị trường dầu mỏ, công bố ngày 15/11, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã lưu ý "những cơn gió ngược" và thị trường dầu diesel đang trở nên đặc biệt khan hiếm hàng. Cơ quan giám sát năng lượng có trụ sở tại Paris (Pháp) này đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô cả năm trong năm 2022, song hạ ước tính nhu cầu dầu trên toàn cầu trong năm 2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/11/2022 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 15/11/2022 |
T.H
-
[PetroTimesTV] Điểm sự kiện Năng lượng - Dầu khí nổi bật tuần qua, từ ngày 3 - 20/10/2024
-
Đường ống Matterhorn Express tác động gì đến lưu vực Permian và thị trường năng lượng?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 29/7 - 3/8
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 2/8: Thị trường không bị ảnh hưởng bởi tình hình Trung Đông
-
Trung Quốc và bài toán chuyển dịch năng lượng (Kỳ VII)
-
Thiếu hụt khung pháp lý: Rào cản giảm tốc hình thành thị trường carbon
-
Online Friday 2024: Lan tỏa giá trị hàng Việt Nam trên nền tảng số
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 21/10 - 26/10
-
Giá vàng hôm nay (26/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Giá dầu hôm nay (26/10): Dầu thô tiếp đà tăng