Nhiều cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam
PV: Ông cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn. Vậy cụ thể những cơ hội đó là gì?
TS Cấn Văn Lực: Dù vẫn còn ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế, chính trị của thế giới, tuy nhiên Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng khi có rất nhiều cơ hội đang chờ. Dự kiến trong tháng 3 này, sẽ có đoàn doanh nghiệp - doanh nhân cực kỳ lớn của Mỹ với khoảng 50 doanh nghiệp sang thăm và làm việc với Việt Nam. Không chỉ Mỹ, mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực |
Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự hội nghị rất quan trọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Cá nhân tôi theo dõi ngành chứng khoán từ năm 2000, khi chúng ta mới mở sàn với rất nhiều tâm huyết. Chắc chắn chúng tôi tiếp tục tư vấn Chính phủ, phấn đấu nâng hạng đúng tiến độ, ước tính có 5-7 tỉ đến 10 tỉ USD đổ vào Việt Nam qua kênh đầu tư này. Đấy là nguồn lực vốn trung - dài hạn cho doanh nghiệp. Việc trở thành thị trường mới nổi cũng sẽ là tác nhân rất tích cực cho việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế ở TP HCM. Đó là những cơ hội rất tốt cho nền kinh tế Việt Nam.
Mặc dù kinh tế thế giới năm 2024 về cơ bản không tốt bằng 2023 (dự báo mức độ tăng trưởng khoảng 2,4% so với mức 2,6% của năm 2023), nhưng tín hiệu tích cực là lạm phát tiếp tục giảm, các ngân hàng trung ương trên thế giới đang tính toán giảm lãi suất. Sức cầu ở các thị trường lớn, đặc biệt là Mỹ, châu Âu… đang phục hồi.
Việt Nam là ngân hàng trung ương đầu tiên của khu vực châu Á quyết định giảm lãi suất vào tháng 3-2023, lý do quý I/2023 kinh tế khó khăn. Qua 4 lần giảm lãi suất, mức lãi suất trung bình còn 4,5% là mức trung bình cao trong khu vực. Hiện nay, nhiều quốc gia như Thái Lan, Singapore và Trung Quốc cũng đang bắt đầu giảm lãi suất để kích cầu.
Qua theo dõi, sức chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam tương đối tốt, kinh tế phục hồi rõ nét ở hầu hết lĩnh vực. Sản xuất công nghiệp và dịch vụ phục hồi tốt hơn; xuất khẩu và tiêu dùng tiếp đà phục hồi; đầu tư công, đầu tư tư nhân và thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) được đẩy mạnh; cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu từ việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia.
Chứng khoán rất hứng khởi, chỉ số đã tăng gần 11%. Sự hứng khởi của nhà đầu tư, dòng tiền bắt đầu đổ vào chứng khoán. Đây là thời điểm rất tích cực. Quan trọng hơn giá chứng khoán từng ngành nghề, lĩnh vực tăng trưởng dương.
Cùng với đó, lạm phát được dự báo tăng nhưng trong tầm kiểm soát, lãi suất giảm, tỷ giá cơ bản sẽ ổn định, thị trường chứng khoán và bất động sản cũng đang có dấu hiệu phục hồi. Công nghiệp và dịch vụ tốt hơn nhiều so với năm 2023; xuất khẩu phục hồi tốt, tiêu dùng ở mức độ trung bình khá. Đặc biệt đầu tư công vẫn được Chính phủ, địa phương và TP HCM đẩy nhanh.
PV: Bên cạnh thuận lợi, kinh tế Việt Nam còn những thách thức nào, thưa ông?
TS Cấn Văn Lực: Bên cạnh nhiều cơ hội, kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với những thách thức từ nền kinh tế thế giới. Đầu tiên về mặt chính trị vẫn là rủi ro rất lớn, nhất là khủng hoảng ở Biển Đỏ chưa biết khi nào kết thúc đã tác động rất lớn đến thương mại quốc tế, chi phí logistics và thời gian giao hàng của các doanh nghiệp.
Không chỉ vấn đề về rủi ro chính trị, với thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu, sự đổ vỡ ngân hàng trong năm qua đã khiến hệ thống ngân hàng trở nên thận trọng hơn và đương nhiên sẽ có những quy định và giám sát chặt chẽ hơn, khiến tăng trưởng tín dụng toàn cầu ở mức độ thấp hơn. Đầu tư của thế giới cũng phục hồi nhưng còn chậm. Tiêu dùng, đặc biệt ở hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc, vẫn còn khá thận trọng.
Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với những thách thức như: giải ngân đầu tư công chưa có đột phá, nhiều rủi ro ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản cần thời gian mới có thể xử lý và lành mạnh hóa. Những thể chế cho các lĩnh vực mới (kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn…) còn chậm ban hành trong khi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, chậm thực thi công vụ vẫn còn diễn ra.
Bất động sản dần phục hồi nhưng chậm. Tại TP HCM, phân khúc liên quan đến nhà ở tầm trung vẫn có rất nhiều nhu cầu, nhưng thiếu nguồn cung. Lãi suất ngân hàng 9-10% rất hấp dẫn.
Doanh nghiệp Việt đang trên đà hồi phục |
PV: Ông dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng thế nào trong năm 2024?
TS Cấn Văn Lực: So với các quốc gia trong khu vực, mức tăng trưởng của Việt Nam không hề thua kém. Năm 2023 đạt mức tăng trưởng 5,05% là mức khá cao, đứng vị trí thứ 4, thứ 5 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm nay, Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam tăng trưởng 5,5%, năm 2025 là 6% nhưng chúng tôi dự báo cao hơn. Bởi chúng tôi nhìn thấy rất rõ lực cầu, động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi rất rõ nét, hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng là 6-6,5%.
Trong những tháng đầu năm 2024, thì tháng 2 vừa qua không tốt. Cả nước cũng như TP HCM nhiều chỉ số bị suy giảm, cả về xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều giảm so với tháng 1-2024. Nhưng đây là thời điểm Tết Nguyên đán. Nếu so sánh 2 tháng đầu năm 2024 với 2 tháng đầu năm 2023 thì có nhiều tín hiệu tích cực. Về xuất khẩu không còn âm, đã tăng trên 19%, đơn hàng với một số thị trường bắt đầu quay trở lại. Sản xuất công nghiệp tăng trở lại khoảng 5,74%; đầu tư công, đầu tư nước ngoài cũng tích cực. Riêng đầu tư tư nhân chưa sáng sủa lắm.
Lạm phát năm nay dự báo cao hơn 3-4%. Tuy mức lạm phát có tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát ở mức dưới 4%. Để điều hành tiền tệ, kiểm soát lạm phát ở mức thấp, Nhà nước đã làm chủ được 2 lĩnh vực lương thực thực phẩm (85%) và xăng dầu (75%). Những năm qua, lương thực thực phẩm và xăng dầu là 2 mặt hàng chiếm 70% lạm phát của nước ta. Bởi vậy, Nhà nước cần tiếp tục kiểm soát tốt 2 mặt hàng này. Bên cạnh đó, một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như điện, nước, giáo dục, y tế… hoàn toàn trong tầm kiểm soát của Nhà nước về tiến độ, thời điểm để có thể cho phép tăng giá. Vì vậy việc dự báo về con số lạm phát của năm 2024 trong tầm kiểm soát là có cơ sở.
Việt Nam có nhiều cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu. Một số nhà đầu tư nước ngoài đã và đang M&A (mua bán và sáp nhập) vào Việt Nam. Khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy khá tích cực, bình quân khoảng 73%, một số địa phương đạt 80%. Tín hiệu phục hồi từ tháng 6-2023 đến nay khá rõ nét.
Nhiều cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam |
PV: Thời gian gần đây, thị trường tiền tệ có nhiều biến động. Tỷ giá liên tục tăng, tín dụng ngân hàng giảm… Theo ông, nguyên nhân vì sao?
TS Cấn Văn Lực: Tỷ giá là vấn đề rất quan trọng, những năm trước có biến động nhưng khá êm. Cả năm 2023, VNĐ mất giá khoảng 2,6% so với đồng USD, riêng 2 tháng đầu năm 2024, VNĐ đã mất giá khoảng 1,55% so với USD. Điều này không bất thường bởi 3 lý do.
Thứ nhất, đồng USD tăng giá do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa giảm lãi suất. Đồng thời, năm vừa rồi kinh tế Mỹ số liệu công bố phục hồi khá tốt nên USD tăng giá khiến cho các đồng tiền khác mất giá tương ứng. Đây là lý do quan trọng nhất.
Thứ hai là yếu tố thời vụ, chu kỳ khi đầu năm là giai đoạn các doanh nghiệp nước ngoài thường chuyển lợi nhuận về nước gây áp lực lên tỷ giá.
Và thứ ba là hoạt động xuất nhập khẩu, nhu cầu ngoại tệ tăng trở lại. Nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay tăng khoảng 17-18% so với cùng kỳ đương nhiên cũng sẽ kéo theo nhu cầu về ngoại tệ. Dù quan hệ cung cầu vẫn tương đối tốt nhưng nhu cầu tăng lên khiến cho tỷ giá bị tác động.
Một lý do nữa là giá vàng tăng cao có thể phát sinh hoạt động nhập khẩu vàng nhẫn qua kênh không chính thống khiến tỷ giá căng thẳng cục bộ. Sắp tới chúng tôi sẽ tư vấn Chính phủ sửa Nghị định 24 để quản lý thị trường vàng tốt hơn, bớt chênh lệch giá vàng, bảo đảm thị trường ngoại tệ tốt hơn.
Dự báo năm 2024, khi Mỹ bắt đầu giảm lãi suất, đồng USD không tăng giá nữa, khi đó tỷ giá bớt áp lực rất nhiều.
Tín dụng tăng thấp trong những tháng đầu năm do nhiều nguyên nhân. Những tháng cuối năm 2023, tín dụng tăng rất mạnh. Điều đó chứng tỏ doanh nghiệp đã giải ngân thời điểm đó, nên quý này không cần thêm vốn nữa; tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn khó khăn, doanh nghiệp cũng mới thấy tín hiệu phục hồi về đơn hàng, sản xuất; một số doanh nghiệp vẫn đang mong chờ lãi suất giảm thêm.
Chúng ta không nên quá lo lắng khi tín dụng tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm vì đây là tính chu kỳ, thời vụ. Đà phục hồi kinh tế từ quý II trở đi sẽ tốt hơn.
PV: Lời khuyên của ông dành cho cộng đồng doanh nghiệp Việt?
TS Cấn Văn Lực: Doanh nghiệp cần tận dụng các cơ hội từ việc nâng cấp quan hệ Việt Nam với Mỹ, Nhật Bản, Australia… Cách xúc tiến thương mại đầu tư hiện nay cần phải khác hơn trước, không nên chỉ chăm chăm nói về cái mà chúng ta có mà cần phải thay đổi phù hợp với nhà đầu tư.
Hiện nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên; rủi ro tài khóa ở mức trung bình, dư địa chính sách vẫn còn; lạm phát tăng trong tầm kiểm soát; lãi suất giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, rủi ro nợ xấu gia tăng trong tầm kiểm soát; thị trường chứng khoán và bất động sản có dấu hiệu phục hồi.
Doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá, nợ đáo hạn… Đáng chú ý, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng đang rất được quan tâm. Đây cũng là một trong những vấn đề lớn TP HCM đang quan tâm, thậm chí đi đầu hiện nay.
Với các khó khăn hiện tại, doanh nghiệp cần kiên trì kiến nghị đúng, trúng các vấn đề. Nhưng về cơ bản, việc cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế thời gian qua đã được thúc đẩy, như hướng dẫn triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi; thực thi các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ…
PV: Xin cảm ơn ông!
Năm 2024, Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam tăng trưởng 5,5%, năm 2025 là 6% nhưng chúng tôi dự báo cao hơn. Bởi chúng tôi nhìn thấy rất rõ lực cầu, động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi rất rõ nét, hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng là 6-6,5%. |
Động lực mới cho tăng trưởng |
Nỗi lo kinh tế ASEAN, Việt Nam có ngoại lệ? |
Quyết liệt đổi mới để Việt Nam sớm “hóa rồng” |
Phương Vy
-
Bài 3: Vạch trần những âm mưu xuyên tạc tình hình kinh tế Việt Nam
-
Tin tức kinh tế ngày 7/9: Nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng tích cực
-
Một số điểm sáng kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2024
-
Không để giá vàng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế
-
Kinh tế Việt Nam 2024: Tỷ giá khó biến động, lãi vay cần giảm sâu
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Giải pháp của mô hình dịch vụ công ở các hội nghề nghiệp
-
Tăng cường hợp tác quốc tế và phổ biến kiến thức khoa học hướng tới tăng trưởng xanh
-
Cần cơ chế đặc thù cho các Tập đoàn chủ đạo trong nền kinh tế
-
Thẩm quyền giám sát vốn đầu tư Nhà nước tại doanh nghiệp còn chồng chéo