Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nhập siêu vì phụ thuộc nguyên liệu

06:01 | 23/04/2013

1,736 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong nhiều năm qua, ngành xuất khẩu của Việt Nam luôn đóng góp tỷ trọng lớn vào tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, trong những năm khủng hoảng, xuất khẩu luôn được xem là điểm sáng của kinh tế đất nước. Tuy nhiên, điều đáng buồn là đến nay mặc dù mục tiêu giảm nhập siêu và tiến tới cân bằng cán cân thương mại luôn được Chính phủ đặt lên hàng đầu nhưng chẳng những không đạt mà còn ngày càng trầm trọng hơn.

Mở rộng thị trường nhập siêu

Thị trường nhập siêu của Việt Nam đang ngày càng được mở rộng. Đặc biệt, đối với các quốc gia thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nước ta luôn là nước có mức nhập siêu lớn. Từ năm 1991 đến 2000, Việt Nam luôn xuất siêu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, từ năm 2001 đến nay, Việt Nam liên tục nhập siêu từ Trung Quốc với giá trị tuyệt đối và tỷ lệ trên kim ngạch xuất khẩu luôn tăng ở mức cao.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê về thị trường hàng hóa nhập khẩu quý I/2013, Trung Quốc vẫn là đối tác lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 7,6 tỉ USD, tăng 31% so cùng kỳ 2012. Thực tế này được giải thích là do Trung Quốc là “đại công xưởng của thế giới” đồng thời là “nhà thầu lớn” của Việt Nam. Mặt khác, do cơ cấu hàng xuất khẩu của nước ta chưa đa dạng, đại bộ phận tương đồng với hàng Trung Quốc, trong khi chất lượng lại kém hơn mà giá cả lại cao hơn.

Nhập khẩu nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp trong nước

Đài Loan là một vùng lãnh thổ có vốn đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Mặt khác, các doanh nghiệp Đài Loan có xu hướng đầu tư tại Việt Nam để sản xuất hàng xuất khẩu đi các nước khác hoặc để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công Thương, hằng năm, Việt Nam nhập siêu từ thị trường này với tốc độ chóng mặt (từ năm 2001 đến 2012, nhập siêu tăng với tốc độ trung bình là 20%/năm). Đây quả thực sự là con số đáng báo động. Hiện trên thị trường hàng hóa của Việt Nam, sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan chiếm một số lượng “khủng”, cạnh tranh mạnh mẽ với sản phẩm nội.

Cùng với Đài Loan thì Hàn Quốc cũng là một trong những nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Các doanh nghiệp Hàn Quốc khi tiến hành đầu tư tại Việt Nam nhìn chung cũng có xu hướng sản xuất ra các sản phẩm để xuất đi nước thứ ba hoặc để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Vì thế, trong nhiều năm qua mức độ nhập siêu của nước từ thị trường này ngày càng tăng về giá trị tuyệt đối. Tuy nhiên, tỷ lệ nhập siêu trên kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm dần. Trong khi đó, tại Thái Lan, nhập siêu của Việt Nam có xu hướng tăng cả về số tuyệt đối cũng như về tỷ lệ so với kim ngạch xuất khẩu: 470 triệu USD ~ 146% tổng kim ngạch xuất khẩu (2001) lên đến 4,4 tỉ USD ~ 374% kim ngạch xuất khẩu (2010), đến năm (2012) đạt 2,9 tỉ USD ~ 105% kim ngạch xuất khẩu. Còn đối với thị trường Singapore các năm gần đây cả xuất và nhập khẩu của nước ta đều chững lại và có xu hướng giảm, trong đó nhập khẩu giảm mạnh hơn, khiến nhập siêu từ thị trường này giảm bớt (mặc dù trước năm 2009, Singapore luôn là thị trường Việt Nam nhập siêu lớn nhất từ Đông Nam Á).

Nếu so sánh với Thái Lan và Singapore thì mức độ nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Malaysia không lớn (năm 2001 đến năm 2011, nhập siêu Malaysia tăng với tốc độ trung bình là 40% mỗi năm; riêng năm 2012 Việt Nam xuất siêu với kim ngạch 1,08 tỉ USD). Còn tại thị trường Nhật Bản, cán cân thương mại từ năm 2001 đến 2008 khá cân bằng. Từ năm 2009 đến nay: Nhập siêu từ Nhật Bản chỉ tăng mạnh vào năm 2012 (gần 9,9 tỉ USD, tương đương với 17,6% kim ngạch xuất khẩu). New Zealand là đối tác quan trọng của ngành công nghiệp chế biến sữa của Việt Nam.

Đối với các sản phẩm khác của New Zealand, Việt Nam cũng có nhu cầu nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất trong nước. Ngoại trừ năm 2001 nhập khẩu biến động bất thường, từ 2002 đến nay trao đổi thương mại với New Zealand có xu hướng phát triển ổn định, giai đoạn 2001-2012, nhập siêu từ New Zealand tăng với tốc độ trung bình là 30% mỗi năm.

Giải pháp xuất khẩu bền vững

Nhập siêu luôn là vấn đề nóng là do nhiều nguyên nhân khách quan: Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng, tiến trình mở cửa thị trường theo các cam kết hội nhập khiến cho hàng hóa nước ngoài dễ dàng xâm nhập vào nước ta hơn. Tuy nhiên, một lý do khác quan trọng là ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển tương xứng để đáp ứng được nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất và xuất khẩu. Tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất các ngành như dệt may, giày dép, linh kiện điện tử... thể hiện tính gia công trong hoạt động xuất khẩu còn lớn. Hơn nữa, việc phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở nước ngoài làm cho nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương thì tình trạng nhập siêu trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 có xu hướng giảm. Tuy nhiên, một vấn đề bất cập là hầu hết các ngành hàng xuất khẩu nước ta đang phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Điều này không chỉ gây áp lực cho công tác quản lý nhập siêu mà còn ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao giá trị xuất khẩu. Nếu không chủ động được nguyên phụ liệu, thì việc tăng xuất khẩu sẽ luôn đi kèm với tình trạng nhập siêu, gây áp lực lớn đến cán cân vĩ mô nền kinh tế.

Để giải bài toán nhập siêu, theo các chuyên gia thương mại, cần có chính sách đủ mạnh để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; tăng cường phát triển các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án lớn xây dựng các cơ sở sản xuất mang tầm khu vực tại Việt Nam. Hiện nay, mặc dù các tập đoàn đa quốc gia có mặt ở Việt Nam có mức tăng trưởng xuất khẩu khá cao nhưng họ vẫn đang nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các cơ sở sản xuất của họ đặt tại các nước khác để làm hàng xuất khẩu ở Việt Nam.

Còn theo ông Đỗ Thắng Hải - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương thì giải quyết vấn đề nhập siêu luôn phải xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay. “Phát triển xuất khẩu bền vững đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp căn cơ về phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, có chính sách đúng đắn, hợp lý để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, gắn kết giữa phát triển vùng nguyên liệu với sản xuất, chế biến và xuất khẩu, chú trọng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các giải pháp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại mà trọng tâm là đàm phán các hiệp định thương mại tự do vào các thị trường, khu vực thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng cũng đóng vai trò chiến lược, đảm bảo đầu ra ổn định cho hàng hóa xuất khẩu” - ông Hải nhấn mạnh.

Đức Minh