Người Việt đang tự biến mình thành “mồi ngon” cho thương lái Trung Quốc
Có không ít hàng dệt may gắn mác tiếng Trung bày bán tại các chợ đầu mối Việt Nam được chính các doanh nghiệp Việt gia công, sản xuất. |
Thời gian gần đây, thị trường dệt may Việt Nam chứng kiến một hiện tượng lạ đó là thương lái Trung Quốc mang vải sang Việt Nam, đặt làm gia công rồi mang thành phẩm về nước, gắn mác tiếng Trung và bán ở thị trường nội địa.
Theo phản ánh của một chủ xưởng chuyên may sơ mi ở Gia Lâm – cơ sở nhận được khá nhiều đơn hàng từ khách Trung Quốc – với báo chí thì, thương lái Trung Quốc mang vải từ Trung Quốc sang, đặt xưởng may của anh gia công, sau đó gắn nhãn mác tiếng Trung, đóng gói như hàng sản xuất tại Trung Quốc rồi xuất ngược trở lại Trung Quốc. Những sản phẩm này sau khi được thương lái Trung Quốc đưa vào thị trường nội địa Trung Quốc sẽ được bán với giá cao hơn rất nhiều so với giá được sản xuất tại Việt Nam.
Theo luận giải của dân trong nghề, trước đây, có không ít doanh nghiệp Trung Quốc, theo tinh thần bành trướng, mở rộng thị trường ra nước ngoài đã gần như bỏ qua thị trường nội địa. Họ chỉ tập trung sản xuất các mặt hàng cao cấp, có giá thành đắt đỏ để xuất khẩu vào những thị trường mà người dân có mức sống cao mà gần như bỏ quên thị trường nội địa rộng lớn. Nhưng khi chiến tranh thương mại bùng nổ, các nền kinh tế cũng dần thắt chặt, dựng lên các hàng rào thuế quan, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm cao cấp bị bó hẹp… thì quy mô thị trường xuất khẩu của hàng hóa Trung Quốc cũng giảm sút. Trong xu hướng đó, nhiều do đã thay đổi chiến lược để tìm kiếm sự cân bằng trong hoạt động kinh doanh và cũng là để giảm bớt những tác động tiêu cực từ những xung đột thương mại giữa Trung Quốc với các nền kinh tế khác.
Tuy nhiên, cũng như cái cách tiếp cận thị trường ban đầu, vì chủ yếu hướng đến các thị trường lớn, có mức tiêu dùng cao, sản phẩm của những doanh nghiệp này cung cấp ra thị trường có giá thành cao, không phù hợp với một bộ phận lớn người dân Trung Quốc. Để giải quyết bài toán này, họ đã sang Việt Nam để tìm kiếm đối tác gia công sản phẩm với chi phí gia công thấp hơn rất nhiều so với trong nước mà chất lượng thì không hề kém cạnh.
Chuyện như vậy rõ là chẳng có gì để nói, thậm chí là thông tin đáng mừng vì như thế sẽ có không ít doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là những cơ sở chuyên gia nhận gia công hàng hóa, có thêm việc làm, tăng doanh thu, lợi nhuận, tích lũy vốn đề phát triển nếu như không có chuyện những sản phẩm này, sau khi được nhập về Trung Quốc lại được chính lái buôn người Việt nhập về bán lại với giá cao ngất ngưởng.
Thông tin được phản ánh cho thấy, một chiếc áo sơ mi được sản xuất ở Việt Nam có giá khoảng 110.000 – 120.000 đồng/cái, loại đẹp thì từ 140.000 – 160.000 đồng/cái, sau khi thương lái Trung Quốc mang về thị trường nội địa, gắn mác tiếng Trung và bán ở các chợ đầu mối, trên các trang thương mại điện tử lại được thương lái người Việt, người tiêu dùng Việt mua với giá gấp 2, gấp 3 lần. Như thế rõ ràng chúng ta không thể vui được, thậm chí là có cảm giác bị lừa, bị lợi dụng.
Đây một lần nữa là sự cảnh báo đối với thói quen tiêu dùng của người Việt, thói quen sinh ngoại, nhưng đồng thời cũng là sự cảnh báo đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may trong nước. Khi mà các cuộc chiến tranh thương mại nổ ra ngày càng nhiều, sức ép cạnh tranh giữa các nền kinh tế ngày càng gay gắt, đặc biệt là giữa Trung Quốc với các nền kinh tế trên thế giới, Việt Nam sẽ là thị trường được các thương lái Trung Quốc hướng đến để giảm tải áp lực cạnh tranh cũng như duy trì hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh đó, nếu doanh nghiệp dệt may Việt Nam không có sự điều chỉnh trong cách tiếp cận thị trường thì rất có thể sẽ mất thị trường trong nước và người tiêu dùng Việt Nam vẫn sẽ là “miếng mồi” cho thương lái Trung Quốc.
Hà Lê