Người Đức chịu ảnh hưởng nặng nề do các lệnh trừng phạt áp lên Nga
Người dân Đức đang chịu ảnh hưởng nặng nề sau khi Nga siết chặt nguồn cung khí đốt (Ảnh: Getty). |
Tass đưa tin, người đứng đầu Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức Klaus Mueller thừa nhận các kho dự trữ của nước này hiện không có đủ khí đốt để trụ qua mùa đông tới nếu không có thêm nguồn cung đến từ Nga.
"Lượng khí đốt trong các kho dự trữ của chúng tôi hiện chỉ đạt 65% công suất. Con số này là tốt hơn những tuần trước nhưng vẫn không đủ để giúp Đức vượt qua mùa đông sắp tới mà không cần sử dụng đến khí đốt nhập khẩu từ Nga", ông Mueller nói.
Tình hình còn có thể tồi tệ hơn khi Đức tạm dừng sử dụng đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc) để tiến hành bảo dưỡng định kỳ. Mặc dù thời gian bảo trì chỉ kéo dài khoảng 10 ngày, nhưng nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ đường ống năng lượng này bị "vũ khí hóa", khiến Đức và các nước châu Âu rơi vào tình trạng chao đảo do thiếu nhiên liệu.
"Mọi việc sẽ phụ thuộc vào lượng khí đốt được vận chuyển qua đường ống Nord Stream 1 sau khi bảo trì", người đứng đầu Cơ quan Mạng lưới của chính phủ Đức khẳng định.
Việc thiếu hụt khí đốt do hậu quả của các đòn trừng phạt nhằm vào Nga đang gây nên những tác động nặng nề đối với người dân Đức.
Các đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 1 ở Lubmin, Đức (Ảnh: Reuters). |
Trong một cuộc thăm dò dư luận được tổ chức vào ngày 15/7 bởi hãng tư vấn INSA, 47% trong tổng số hơn 1,000 người Đức được hỏi cho biết họ tin rằng các đòn trừng phạt nhằm vào Nga gây tổn hại tới Berlin nhiều hơn là với Moscow. Bên cạnh đó, 36% số người được hỏi nói các lệnh trừng phạt đang để lại những hậu quả nặng nề cho cả 2 nước.
Trước đó, vào ngày 21/6, Hiệp hội các ngành công nghiệp Đức (BDI) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2022 xuống còn 1,5% so với mức 3,5% được dự đoán trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Hiệp hội này cho biết việc Nga ngừng cung cấp khí đốt sẽ khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu khó tránh khỏi suy thoái.
Với việc nhập khẩu tới 55% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga, việc Moscow giảm nguồn cung khiến cho giá khí đốt ở Đức đang ở mức cao kỷ lục, kéo theo nguy cơ về lạm phát tăng vọt.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã cáo buộc việc cắt giảm nguồn cung này là một cuộc tấn công về mặt kinh tế và là một phần trong kế hoạch nhằm khuấy đảo nỗi sợ hãi của Nga. Để đối phó, chính phủ Đức cũng đã công bố một khoảng hỗ trợ trị giá 15 tỷ USD để trợ giá khí đốt cho nền kinh tế.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 16/11: Thu ngân sách gần “về đích”
-
Châu Âu diễn tập đối phó sự kết thúc của thỏa thuận vận chuyển khí đốt giữa Ukraine và Nga
-
Những bất ổn mới cho giá dầu thế giới?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 11/11 - 16/11
-
Hoa Kỳ sẽ không thực hiện các hợp đồng LNG trị giá hàng chục tỷ đô la cho châu Âu