Nghề khoan địa chất
Nhọc nhằn với những lỗ khoan
Lâu nay, nói đến ngành than - khoáng sản, người ta thường nghĩ đến thợ lò, những người làm ra thật nhiều vàng đen cho Tổ quốc. Tuy nhiên, ở một mảng khác, người thợ địa chất cũng không kém phần nặng nhọc, vất vả, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Đối với anh thợ khoan, khi đã bắt đầu chiến dịch là họ làm không ngừng nghỉ, thay nhau 24/24 giờ, hết ngày này qua ngày khác, tháng này sang tháng khác. Bởi đặc thù, đang thi công khoan mà dừng lại, lỗ khoan sẽ xảy ra sự cố, phổ biến là kẹt cần, vì địa tầng trong lòng đất không tĩnh, luôn chuyển động gây bó, mút chặt cần khoan. Bao giờ hoàn thành lỗ khoan, nghiệm thu xong họ mới “xuống núi”. Mỗi mũi khoan có khi kéo dài hàng tháng trời. Về nhà nghỉ ít bữa để chuẩn bị lại “lên núi” thực thi một lỗ khoan mới.
Công nhân tổ khoan Xí nghiệp Địa chất Đông Triều
Như năm ngoái, anh em Tổ khoan 2, Xí nghiệp Địa chất Đông Triều (Công ty TNHH MTV Địa chất mỏ - Vinacomin) ở khu vực Bắc Vàng Danh, thuộc khai trường của mỏ Hà Tu bị sự cố kẹt cần lỗ khoan BB117 phải tìm cách khắc phục hàng tuần. Anh Quất, tổ trưởng tổ khoan cho biết: “Lỗ khoan này, theo yêu cầu, phải khoan sâu 580m. Khi khoan đến độ sâu 558m, tức chỉ còn 22m thì hoàn thành, thì nó lại bị kẹt cần, ở độ sâu 548m. Muốn khắc phục sự cố này, không như lần kẹt trước, chúng tôi sử dụng bộ cứu kẹt, xuống chụp và ren trái đầu cần chỗ kẹt, may, khắc phục được ngay, tuy vậy cũng mất hơn 3 ngày. Lần kẹt này, chúng tôi không làm ngay được như thế, mà phải doa (mở rộng) lại lỗ khoan từ độ sâu 402m xuống, sau đó mới đưa được bộ cứu kẹt xuống. Doa lại lỗ khoan đang bước sang ngày thứ năm, mới đến độ sâu 541m, còn 8m nữa mới tới. Chỉ còn bấy nhiêu mét mà phải doa lại, không thể biết có suôn sẻ không?! Nếu suôn sẻ, tới được rồi, đưa bộ cứu kẹt xuống, cứu được hay không cứu được cũng không thể nói chắc chắn trước được”. Lỗ khoan BB117 trước đó cũng đã bị kẹt cần một lần rồi. Đó là thời điểm bị kẹt ở độ sâu 540m phải khắc phục mất hơn 3 ngày. Kẹt cần, gãy cần... là các sự cố hay gặp trong công tác khoan.
Anh em trong tổ cũng cho biết thêm, một lần khoan tại Dự án Khe Chàm II-IV, đến độ sâu 408m thì bị địa tầng dịch chuyển, nó đẩy cong lỗ khoan đi, bóp bẹp ống chống. Bị như thế, không khoan được nữa, phải dừng. Công nghệ khoan đang áp dụng phải bơm dung dịch song hành xuống đầu mũi khoan khi khoan. Dung dịch có tác dụng làm mát mũi khoan, giúp đẩy phoi khoan lên mặt đất, trám thành lỗ khoan cho thành được chắc chắn hơn, chống bị sụt lở v.v... Khi khoan qua địa tầng bãi thải hay qua hệ thống các đường lò đã khai thác than, thì bị mất nước (mất dịch). Khoan “chay”, không có dịch, mũi khoan rất dễ bị cháy. Vị trí khoan lại gần bãi thải, địa tầng tơi, bở rất dễ làm tụt lở lỗ khoan, qua các khoảng của đường lò cũng vậy. Do đó, vừa khoan vừa phải làm công tác chống ống lỗ khoan, tốn kém, mất nhiều thời gian.
Một mũi khoan địa chất rất đắt, vậy mà công ty có những lỗ khoan phải xuyên qua hàng mấy trăm mét bãi thải, hay qua 4-5 tầng lò. Địa tầng bãi thải vốn không ổn định, có thể dịch chuyển bất kỳ. Địa tầng dịch chuyển, là mất lỗ khoan. Lại nữa, bây giờ khai thác lộ thiên, xe vận tải cỡ lớn, gàu xúc cỡ lớn, nên những hòn đá cỡ lớn, hàng chục khối cũng có thể xúc, tải đổ đi được. Không may, khoan đúng vào khối đá đó, lấy mẫu, mẫu này sẽ làm sai lạc báo cáo địa chất. Mục đích của khoan thăm dò khai thác là để lấy mẫu để làm cơ sở thiết kế khai thác nếu ẩu không trung thực, tất nhiên, không có được báo cáo chính xác.
Ăn núi ngủ rừng, phụ cấp thấp
Mỗi lần bị sự cố, dĩ nhiên anh em thợ khoan địa chất buồn và mệt. Buồn là không có tiền lương. Còn mệt, không phải chỉ mệt - vất vả khi khắc phục sự cố, mà còn mệt về tinh thần. Lâu nay tiền lương được khoán gọn cho mỗi lỗ khoan. Một lỗ khoan có tổng tiền giao khoán khoảng 450 triệu đồng, dự kiến cho một chiến dịch 30-40 ngày. Trong đó được chia ra, 125 triệu là tiền lương và 275 triệu là tiền vật tư. Nếu khoan suôn sẻ, tức không gặp sự cố, địa tầng không phức tạp, hoàn thành đúng tiến độ đề ra thì anh em thợ được hưởng số lương đó. Song nếu không suôn sẻ, gặp địa tầng phức tạp, dính sự cố, thì tiền chi phí cho vật tư tăng; chẳng hạn, mất thêm 25 triệu tiền cho vật tư, mỗi tổ thợ chỉ còn 100 triệu tiền lương; đó còn là lỗ khoan phải khoan kéo dài thời gian hơn dự kiến, vì phải chống thêm ống, doa lại lỗ khoan, hay xoay xở để cứu sự cố v.v… thành thử, tính theo ngày công, chẳng được bao nhiêu (cách chia lương thợ khoan, thành 4 bậc, từ cao xuống thấp: tổ trưởng - kíp trưởng - thợ cả - thợ phụ).
Địa chất là một nghề đặc thù, sản phẩm họ làm ra là đặc biệt quan trọng, nên phải có chế độ đãi ngộ riêng, kể cả về vật chất lẫn tinh thần thì họ mới trụ vững được với nghề, trung thực với nghề, nhất là thời buổi kinh tế thị trường hiện nay. Nhiều thợ khoan tâm sự, với công việc như hiện tại, mức lương bây giờ ít nhất phải khoảng 10 triệu đồng trở lên; thợ phụ - bậc thấp nhất cũng phải 4-5 triệu một tháng thì mới tạm ổn. Đó là không kể cấp trên còn phải có biện pháp, hình thức như thế nào đó kích thích đời sống tinh thần sao cho những người như chúng tôi luôn sống nơi đồi cao, khe sâu, núi thẳm, nay đây mai đó cảm thấy yêu nghề, luôn vui vẻ với công việc. Trên thực tế, đời sống tinh thần của thợ địa chất đang nghèo nàn, đơn điệu trong rừng sâu lắm.
Hải Hà