Ngành mía đường: Giảm trung gian phân phối
Gắn kết sản xuất với người tiêu dùng là một trong những biện pháp giải quyết lượng đường tồn kho cao |
Giá đường từ nhà máy đến tay người tiêu dùng có sự chênh lệch cao là nghịch lý diễn ra từ nhiều năm nay, song bài toán này vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Lãnh đạo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết: Hiện, giá đường bán buôn (đường RE) tại các nhà máy dao động khoảng từ 13.000 - 14.000 đồng/kg, nhưng khi đến tay người tiêu dùng thấp nhất cũng phải từ 21.000 - 22.000 đồng/kg, tăng khoảng 40%. Thiệt hại trước tiên người tiêu dùng gánh chịu, nhà nước không thu được gì, lợi nhuận cao trung gian thương mại hưởng.
Nguyên nhân, hầu hết các nhà máy đường ngoài cung cấp sản phẩm cho một số khách hàng lớn là nhà sản xuất sử dụng đường, còn lại chỉ thực hiện đóng bao 50kg để bán buôn, phó mặc sản phẩm trên thị trường cho các thương nhân phân phối qua nhiều tầng nấc trung gian (đại lý cấp I, II, III). Điều này khiến đường khi đến tay người tiêu dùng giá đã bị đẩy lên quá cao. Một số cơ sở sản xuất, gia công đường được cấp phép không tổ chức sản xuất đúng nghĩa, chỉ thu gom và sang chiết bao đường rồi bán ra thị trường; thậm chí sử dụng trái phép tên thương hiệu, nhái nhãn mác của một số nhà máy để tiêu thụ đường lậu.
Trong số 38 nhà máy đường đang hoạt động trên cả nước hiện nay, ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch VSSA - khẳng định: Mới chỉ có khoảng 3 - 4 nhà máy quan tâm đến khâu bán lẻ, đóng gói đường dạng túi nhỏ 1kg (có nhãn mác, thông tin về thương hiệu, xuất xứ, chất lượng… theo quy định) để trực tiếp đưa sản phẩm ra thị trường. Trong khi đó, đây lại là khâu mang lại giá trị gia tăng cao, không chỉ tăng thêm lợi nhuận cho nhà máy mà còn giảm được chi phí lưu thông, giá đường trên thị trường sẽ giảm. Ngay cả việc thiết lập mối quan hệ với các khách hàng lớn là nhà sản xuất sử dụng đường (sản xuất bánh kẹo, nước ngọt, cà phê, sữa…) theo hướng liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, nhiều nhà máy cũng chưa quan tâm, thiếu chính sách chăm sóc khách hàng, thiếu nghiêm túc trong thực hiện các cam kết về giá, thời hạn giao hàng… theo hợp đồng, nhất là khi giá đường trên thị trường có biến động.
Theo lộ trình tái cơ cấu lại ngành mía đường, để hỗ trợ DN cải thiện khâu phân phối, ông Phạm Quốc Doanh cho biết, VSSA mới trao đổi với lãnh đạo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác gắn kết sản xuất với người tiêu dùng. Trong đó, thúc đẩy DN đường liên kết với DN bán lẻ đưa thẳng sản phẩm đến các trung tâm thương mại, siêu thị bán nhằm giảm chi phí trung gian, hạ giá thành sản phẩm.
Trong một nỗ lực khác, vừa qua, VSSA và Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (Coca-Cola) - một trong những nhà sản xuất sử dụng đường làm nguyên liệu đầu vào khá lớn - đã ký kết thỏa thuận ghi nhớ hợp tác tiêu thụ đường cho các nhà máy. Theo đó, Coca-Cola đã cam kết lộ trình từ 2018 - 2020, sẽ sử dụng 100% nguồn nguyên liệu đầu vào là đường sản xuất từ các nhà máy ở trong nước, không sử dụng đường nhập khẩu. Trong bối cảnh khó khăn đầu ra như hiện nay, hướng đi này là một thành công của VSSA trong việc góp phần giúp giải quyết bài toán đường tồn kho cao cho DN.
Sản lượng đường của Việt Nam trong vài năm trở lại đây ước tính đạt khoảng trên 1,2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, đến ngày 15/3, lượng đường tồn kho tại các nhà máy rất cao, ở mức 530.000 tấn. |
Báo Công Thương
-
Tin tức kinh tế ngày 16/11: Thu ngân sách gần “về đích”
-
Châu Âu diễn tập đối phó sự kết thúc của thỏa thuận vận chuyển khí đốt giữa Ukraine và Nga
-
Những bất ổn mới cho giá dầu thế giới?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 11/11 - 16/11
-
Hoa Kỳ sẽ không thực hiện các hợp đồng LNG trị giá hàng chục tỷ đô la cho châu Âu