Nga và Triều Tiên cần và muốn gì ở nhau?
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trao quà tặng là một thanh kiếm báu cho Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Vladivostok, Nga, ngày 25/4 |
Cuộc hội đàm kéo dài ba tiếng rưỡi, trong đó các nhà lãnh đạo đã nói chuyện gần hai tiếng đồng hồ. Kết thúc hội nghị, phụ tá cao cấp Điện Kremlin, ông Yuri Ushakov, nói với hãng thông tấn Interfax của Nga rằng cuộc họp thượng đỉnh không nhằm mục đích lớn lao và không có thỏa thuận chính thức hay thông cáo chung nào được đưa ra. Nhưng sau cuộc hội đàm, Nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết đã “bàn thảo và trao đổi sâu rộng với lãnh đạo Nga về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm”. Ông Kim cũng đã mời Tổng thống Putin tới thăm Triều Tiên "vào thời điểm thích hợp". Tổng thống Nga vui vẻ nhận lời.
Phát biểu sau cuộc gặp, ông Vladimir Putin nói rằng không có gì thay thế được giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ông Putin đảm bảo rằng, Nga sẵn sàng tiếp tục hợp tác để giảm căng thẳng trên bán đảo và tăng cường an ninh ở Đông Bắc Á nói chung. "Với sự tham gia tích cực của cộng đồng quốc tế và tất cả các quốc gia quan tâm, chúng ta chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu đảm bảo hòa bình vững chắc, ổn định và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên", ông Putin nói. Phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitry Peskov sau đó nói thêm rằng, hiện tại, cộng đồng quốc tế không có bất kỳ giải pháp hiệu quả nào đối với tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, rất nhiều nỗ lực đã được thực hiện bởi các nước khác, và mọi nỗ lực này đều đáng quý nếu thật sự hướng tới việc giải quyết bất đồng giữa 2 miền Triều Tiên.
Giới quan sát cho rằng, chuyến đi này của ông Kim Jong-un là nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ ngoại giao từ Nga, trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington đang trong thế bế tắc. Theo hãng tin KCNA, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho tháp tùng ông Kim khẳng định quan điểm của Bình Nhưỡng “không hề thay đổi” sau thượng đỉnh ở Hà Nội. Phát biểu trong cuộc gặp Tổng thống Putin, Nhà lãnh đạo Triều Tiên cho rằng hòa bình khu vực phụ thuộc vào thái độ của Mỹ, khẳng định Bình Nhưỡng sẽ chuẩn bị cho mọi tình huống.
Theo AFP, cho dù bán đảo Triều Tiên có vẻ giảm nhiệt từ sau cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch CHND Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6/2018, nhưng trong những tuần lễ gần đây xuất hiện nhiều dấu hiệu không cho phép lạc quan. Trước hết là thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội, hai bên đã không đi đến ký kết. Ông Kim Jong-un đòi Mỹ giảm nhẹ cấm vận để tỏ thiện chí, ông Trump lại muốn Triều Tiên giải trừ toàn bộ vũ khí chiến lược “vĩnh viễn và kiểm chứng được”. Tuần này, vòng thương thuyết mới tại Washington cũng kết thúc trong thất bại. Bình Nhưỡng thông báo thử vũ khí mới, lãnh đạo Kim tuyên bố sẽ đập tan hàng rào cấm vận, trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên đòi tẩy chay Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Moscow cũng đã bắn tiếng khi chỉ trích các yêu sách của Hoa Kỳ là “thiếu hiệu quả” bởi vì “có qua mà không có lại”. Mỹ tố lại Nga giúp Triều Tiên lách né lệnh cấm vận của Liên hiệp quốc (LHQ), điều mà Moscow phủ nhận. Trên thực tế, thiện chí của Điện Kremlin cũng có giới hạn. Moscow không có ảnh hưởng mạnh như Bắc Kinh, đồng minh và bạn hàng số một của Bình Nhưỡng. Trong thế trận này, Moscow sẽ lập nhóm tay ba, phối hợp với Bắc Kinh và Bình Nhưỡng thương lượng với Mỹ. Bởi lẽ, trọng tâm của ngoại giao Nga hiện nay không phải là Triều Tiên mà là Syria.
Ngoài vấn đề tìm kiếm thêm sự hỗ trợ ngoại giao của Nga, mục đích chính của chuyến thăm Nga lần này của Chủ tịch Kim là vấn đề kinh tế. AFP dẫn các số liệu chính thức của Nga, hơn 10.000 lao động Triều Tiên hiện vẫn đang làm việc ở Nga, chủ yếu trong lĩnh vực khai thác gỗ và mỏ hay xây dựng trong vùng Viễn Đông, và họ sẽ phải về nước vào cuối năm nay theo nghị quyết 2397 của LHQ tháng 12/2017 về cấm vận Triều Tiên. Nghị quyết LHQ gia hạn 2 năm để các lao động Triều Tiên làm việc ở nước ngoài phải về nước. Đội ngũ nhân công này - trước đây được thống kê vào khoảng 50.000 người - cung cấp cho Bình Nhưỡng một nguồn thu mà giới chức Mỹ ước tính lên đến hàng trăm triệu đô la. Đây là một khoản ngoại tệ không nhỏ cho Bình Nhưỡng.
Tuần trước, một số quan chức Bình Nhưỡng đã lên tiếng đề nghị Moscow tiếp tục sử dụng nhân công Triều Tiên hiện làm việc ở Nga sau hạn chót lệnh trừng phạt của LHQ. Nga vốn thường xuyên ủng hộ nới lỏng trừng phạt kinh tế Triều Tiên, hơn nữa đây là nguồn nhân lực rẻ tiền. Nhà nghiên cứu Ahn Chan Il tại Hàn Quốc nhận định: “Moscow có thể có những mục tiêu dài hạn. Quan trọng trước mắt là tiếp cận nguồn nhân lực Triều Tiên rẻ tiền trước, tiếp đến là các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thậm chí các dự án lớn, nếu một khi lệnh trừng phạt được gỡ bỏ”.
Trên bán đảo Triều Tiên, miền Bắc là nơi tập trung nhiều khoáng sản tài nguyên hơn miền Nam. Hiện tại trao đổi với Trung Quốc chiếm tới 90% quan hệ buôn bán quốc tế của Triều Tiên. Nga chưa có được dấu ấn lớn, tỷ trọng quan hệ buôn bán với láng giềng Triều Tiên vẫn chỉ ở mức vài chục triệu đô la. Nhưng trái lại, trước khi có lệnh cấm của LHQ, Nga là nguồn nhập khẩu năng lượng quan trọng của Triều Tiên. Moscow từ lâu đã muốn mượn bán đảo Triều Tiên để chuyển khí đốt sang Nhật Bản, Hàn Quốc hay thậm chí cả tới Đài Loan. Năm 2011, cha của lãnh đạo Triều Tiên hiện nay, Kim Jong Il đã tới Siberi gặp tổng thống Nga lúc bấy giờ là Dmitry Medvedev thảo luận về một dự án ống dẫn khí và đường dây tải điện xuyên quốc gia. Nhưng ông Kim Jong Il đã qua đời sau đó 3 tháng và các dự án đó bị bỏ rơi.
Trung Quốc dù là đồng minh cận kề lâu năm, nhưng đang bị chi phối bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ. Bình Nhưỡng không khỏi lo lắng khi bị phụ thuộc vào nước láng giềng lớn này. Mục tiêu hòa giải, hợp tác làm ăn liên Triều, hướng tới một tương lai thống nhất 2 miền thì vấp phải quan hệ liên minh quân sự Mỹ-Hàn. Seoul sẽ không bao giờ dám vượt qua lệnh cấm vận miền Bắc nếu chưa có đèn xanh của Mỹ. Chọn hướng nước Nga lúc này có thể là một giải pháp một lần nữa giúp Bình Nhưỡng thoát thế cô lập và nếu thành công thì có khi đó lại là một áp lực trở lại với nước Mỹ của Tổng thống Trump trong các cuộc đàm phán hạt nhân tương lai.
Còn mục đích của Moscow qua thượng đỉnh này là nhắc nhở các cường quốc khác rằng nước Nga có một tiềm năng kinh tế và trọng lượng chính trị trong khu vực. Chuyên gia Nga Andrei Lankov, đại học Kookmin ở Seoul cho rằng Nga phải lấy lại ít nhiều chủ động tại bán đảo Triều Tiên, bởi vì từ hơn một năm nay chỉ có Washington và Bình Nhưỡng chiếm trung tâm thời cuộc.
Về phía Hàn Quốc, cuộc gặp thượng đỉnh Kim-Putin được đánh giá tích cực. Seoul cũng mong muốn một phần trừng phạt được bãi bỏ để có thể thúc đẩy hợp tác kinh tế với miền Bắc. Seoul rất muốn được nhập khí đốt và than của Nga qua ngả Triều Tiên.
Mỹ theo dõi rất sát sao những diễn biến của cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều và cũng đã rào trước đón sau. Hôm 18/4, đặc phái viên Mỹ về hồ sơ Triều Tiên Stephen Biegun đã đến Moscow gặp Thứ trưởng ngoại giao Nga Igor Morgulov. Trong cuộc thảo luận được mô tả là “xây dựng”, hai bên Nga-Mỹ cùng xem xét các biện pháp “phi hạt nhân hóa vĩnh viễn và kiểm chứng được tại Triều Tiên”. Khi ông Kim Jong-un tới Nga, từ Washington, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 24/4 nhận định rằng tiến trình thương thuyết với Bình Nhưỡng về giải trừ hạt nhân Triều Tiên sẽ khá “gập ghềnh”, nhưng ông cũng hy vọng đạt được bước ngoặt đàm phán. Trả lời kênh truyền hình Mỹ CBS, ông Pompeo cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội có nhiều “sắc thái” hơn là những gì đã được công khai nêu lên. Các cuộc đàm phán với Triều Tiên sẽ “đầy thách thức”, nhưng ông hy vọng sẽ có nhiều cơ may hơn để có những trao đổi nghiêm túc về cách thức thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa.
Th.Long (Theo AFP)
Bí mật chương trình nghị sự thượng đỉnh Nga-Triều Tiên |
Thượng đỉnh Vladivostok - bước ngoặt trong quan hệ Nga-Triều |
Ông Kim Jong-un lên tàu bọc thép tới Nga họp thượng đỉnh với ông Putin |
-
Đức ký kết hợp đồng mua khí đốt tự nhiên của Mỹ trong 10 năm
-
Chính quyền Mỹ chạy đua chi tiền cho năng lượng sạch trước thềm cuộc bầu cử
-
Mỹ quan tâm tới các dự án cảng biển, logistic và y tế tại Bà Rịa - Vũng Tàu
-
Nga đòi bồi thường hơn 1 tỷ đô la từ gã khổng lồ dầu mỏ Anh
-
Cái giá phải trả cho châu Âu và Nga nếu chấm dứt vận chuyển khí đốt qua Ukraine?
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Thủ tướng đề nghị 4 tập đoàn hàng đầu của UAE đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của Việt Nam
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam