Nga cảnh báo dừng cấp dầu nếu phương Tây áp giá trần
Đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc ở Đức (Ảnh: EPA). |
Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở Vlapostok hôm nay 7/9, Tổng thống Putin cho rằng việc châu Âu kêu gọi áp giá trần với dầu của Nga là hành động "ngớ ngẩn", đồng thời tuyên bố Nga sẽ từ bỏ các hợp đồng cung cấp dầu nếu phương Tây áp đặt giá trần đối với hàng hóa xuất khẩu của Nga.
Tổng thống Putin cũng bác bỏ cáo buộc của phương Tây rằng Nga đang sử dụng dầu khí như một loại vũ khí để trả đũa việc các nước phản đối chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.
Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom ngày 2/9 thông báo đóng vô thời hạn đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đưa khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic.
Theo kế hoạch ban đầu, đường ống trên dự kiến sẽ được mở lại vào ngày 3/9 sau 3 ngày Nga tiến hành bảo trì tua-bin khí đốt duy nhất còn hoạt động. Tuy nhiên, Gazprom nói rằng, họ nhận được cảnh báo từ cơ quan quản lý công nghiệp của Nga Rostekhnadzor về sự cố kỹ thuật liên quan tới tua-bin.
Các vấn đề được phát hiện trong quá trình bảo trì đường ống dẫn tới việc nó sẽ không thể vận hành trở lại nếu không được sửa chữa, theo Gazprom. Công ty Nga cho biết đã thông báo cho nhà sản xuất Đức Siemens về vấn đề kỹ thuật liên quan tới tua-bin.
Tổng thống Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt của Đức và phương Tây là nguyên nhân dẫn đến việc đường ống dẫn khí đốt của Nga dừng hoạt động và Ukraine và Ba Lan đã tự quyết định cắt các tuyến đường khí đốt khác vào châu Âu. Ông Putin kêu gọi Đức trả lại một tua-bin cho trạm máy nén Portovaya để cho phép Nga tiếp tục vận hành đường ống.
Kể từ tháng 7, Nga liên tục giảm bớt dòng khí đốt chảy qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 xuống còn 20% lưu lượng tối đa, viện dẫn lý do kỹ thuật liên quan tới tua-bin. Nga cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây vì Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine là lý do dẫn tới vấn đề này. Giám đốc điều hành Gazprom Alexey Miller cũng cảnh báo các lệnh trừng phạt có thể cản trở Siemens Energy thực hiện việc bảo trì thường xuyên các thiết bị của đường ống.
Giữa lúc căng thẳng khí đốt leo thang, các Bộ trưởng Tài chính của Nhóm G7 ngày 2/9 nhất trí áp mức giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu có xuất xứ từ Nga. Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner tuyên bố, mục đích của việc áp giá trần là để "ngăn chặn nguồn tài chính quan trọng cho chiến dịch của Nga tại Ukraine, đồng thời ngăn chặn sự gia tăng giá năng lượng toàn cầu".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo việc G7 áp giá trần đối với dầu của Nga sẽ gây bất ổn "đáng kể" cho thị trường năng lượng, đồng thời buộc người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu phải chi trả.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 1/9 tuyên bố, Moscow sẽ cấm vận các quốc gia ủng hộ kế hoạch áp giá trần dầu Nga do Washington đề xuất.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 24/11: Việt Nam tăng nhập khẩu hàng điện tử Trung Quốc
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11