Nga cảnh báo châu Âu về thảm họa hạt nhân
Nhà máy điện hạt nhân Kursk (Ảnh: Wikimedia). |
"Châu Âu, láng giềng gần nhất của chúng ta, đang hành động theo Mỹ. Họ đang chơi đùa với một nhà máy điện hạt nhân, nằm trên lãnh thổ Nga, ở tỉnh Kursk. Nhưng trong khi Mỹ đang tìm cách chơi một số trò chơi với Nga bằng cách tấn công nhà máy điện hạt nhân ở thành phố Kurchatov, châu Âu phải hiểu rằng nếu bất kỳ thảm họa nào xảy ra tại cơ sở này, thảm họa đó sẽ ảnh hưởng đến các nước châu Âu. Châu Âu sẽ liên quan tới việc này", Thiếu tướng Apty Alaudinov, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quân sự - Chính trị của Lực lượng vũ trang Nga kiêm chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Akhmat, nói trong video được đăng trên kênh Telegram của ông.
Tướng Alaudinov cho biết ông không hiểu "tại sao châu Âu lại nhượng bộ trước các lợi ích toàn cầu của Mỹ và đang làm mọi cách có thể để Mỹ dàn dựng một thảm họa không chỉ ảnh hưởng đến Nga và Ukraine mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ châu Âu".
Trước đó, tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) hôm 5/9, Tổng thống Vladimir Putin được đề nghị bình luận về cáo buộc của Nga rằng Ukraine thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công vào các nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia và Kursk, cả hai đều nằm không xa tiền tuyến.
Tổng thống Putin cảnh báo rằng các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy điện hạt nhân của Nga có thể dẫn đến một thảm họa toàn cầu. Ông đề nghị Kiev suy nghĩ về hậu quả có thể xảy ra nếu Moscow đáp trả.
Những lo ngại về tình hình an ninh tại nhà máy điện hạt nhân Kursk đã phát sinh vào đầu tháng 8 khi Ukraine tiến hành cuộc xâm nhập xuyên biên giới lớn nhất từ trước đến nay vào lãnh thổ Nga.
Hồi tháng trước, Nga nói rằng, Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào nhà máy điện hạt nhân Kursk. Máy bay không người lái của Ukraine đã bị bắn hạ gần một cơ sở lưu trữ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Nhà máy điện hạt nhân Kursk cách biên giới Ukraine 90km, nơi diễn ra các cuộc giao tranh dữ dội trong những ngày gần đây. Nhà máy Kursk đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện cho một số khu vực lân cận.
Theo ông Putin, Kiev đã cố gắng tiến hành một cuộc tấn công vào nhà máy Kursk, được cho là có sự tham gia của máy bay không người lái. Phó đặc phái viên của Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky đã cảnh báo rằng sự miễn cưỡng của phương Tây trong việc kiềm chế Kiev có thể gây ra "một sự cố hạt nhân với hậu quả thảm khốc cho toàn bộ châu Âu".
Người đứng đầu Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (Rosatom) Alexey Likhachev lo ngại rằng, nhà máy điện hạt nhân Kursk đối mặt nguy cơ rủi ro rất cao. Ông cũng nói thêm, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi "rất quan ngại" về tình hình trong khu vực.
Ông cho hay, dù cho đến nay chưa có cuộc tấn công nào vào các tòa nhà chứa tổ hợp máy, nhưng một số lượng lớn tên lửa bị bắn hạ khi đến gần. "Một lượng lớn thiết bị bay không người lái bị vô hiệu hóa bên ngoài các tổ hợp máy. Do đó, rủi ro là rất cao", ông Likhachev cảnh báo.
Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào nhằm tạo ra "thảm họa do con người gây ra ở phần châu Âu của lục địa" sẽ phải đối mặt với "các biện pháp đối phó quân sự và kỹ thuật quân sự cứng rắn".
"Nếu Kiev triển khai các kế hoạch tội phạm nhằm tạo ra thảm họa tại phần lục địa châu Âu này, gây ra ô nhiễm phóng xạ trên các vùng lãnh thổ rộng lớn, Nga sẽ đáp trả cứng rắn ngay lập tức", Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.
Theo Dân trí
-
Trung Quốc củng cố an ninh năng lượng như thế nào?
-
Những phát hiện dầu lớn của Guyana và Suriname thúc đẩy hợp tác năng lượng tại khu vực
-
Hoạt động M&A thượng nguồn của Mỹ trong quý 3 có gì mới?
-
Chiến tranh toàn diện ở Trung Đông có làm tắc nghẽn dòng chảy dầu toàn cầu?
-
Thăm dò dầu khí của Petronas ở Biển Đông: Những thách thức về địa chính trị và năng lượng