Myanmar mời đấu thầu 23 lô dầu khí ngoài khơi
Myanmar được đánh giá là nước có nguồn dầu mỏ khá dồi dào và nguồn tài nguyên |
Theo thông tin không được tiết lộ trước đó, Myanmar đang mời gọi các công ty năng lượng nước ngoài tham gia đấu thầu thăm dò, khai thác 17 lô nước sâu, 6 lô nước nông ở ngoài khơi khu vực Rakhine, Mottama và Tanintharyi trong vịnh Bengal và biển Andaman.
Các lô ngoài khơi, trước đó vốn không có “suất” cho các công ty dầu mỏ đa quốc gia, sẽ được trao giấy phép thăm dò, khai thác thông qua “đàm phán trực tiếp”. Công ty Dầu khí Quốc gia Myanmar (MOGE) sẽ nắm từ 15 – 25% cổ phần trong mỗi dự án.
Các chi tiết về cuộc đấu thầu đã được tiết lộ trong phần thuyết trình của ông U Aung Kyaw Htoo, một quan chức cấp cao của Bộ Năng lượng Myanmar, tại một hội nghị về đầu tư vào Myanmar được tổ chức ở Singapore tuần này.
Theo đó, nếu trúng thầu, thời gian thăm dò của mỗi công ty sẽ được cho phép kéo dài tới 6 năm, được miễn thuế trong 3 năm kể từ sau khi bắt đầu khai thác. Sau đó, nhà thầu sẽ phải đóng thuế thu nhập với thuế suất là 30%, thuế khai thác mỏ với thuế suất là 12,5%.
Sau đợt mở thầu được tổ chức vào năm ngoái, đến tháng 6/2011, chính phủ Myanmar cho biết đã ký tổng số 9 thỏa thuận với các công ty nước ngoài trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, cho phép Petronas (Malaysia), PTT (Thái Lan) và Jubilant (Ấn Độ) thăm dò khai thác các lô dầu khí trên bờ của Myanmar. Đồng thời, Myanmar cũng lên kế hoạch mở thầu khai thác các mỏ dầu khí trên bờ mới vào tháng tới.
Myanmar được đánh giá là nước có nguồn dầu mỏ khá dồi dào và nguồn tài nguyên và từ lâu đã thu hút đầu tư lớn của Trung Quốc và Ấn Độ. Dự trữ dầu mỏ và khí đốt được chứng minh của Myanmar theo công bố của Bộ Năng lượng nước này hồi tháng 4/2011 lần lượt là 2,1 tỷ thùng dầu và 25 nghìn tỷ feet khối khí. Ngoài ra, quốc gia Đông Nam Á này còn sở hữu trữ lượng lớn dầu đá phiến sét với 3,3 triệu thùng.
Myanmar hiện có 17 mỏ dầu và khí đốt trên bờ đang trong quá trình khai thác. Hai dự án phát triển các mỏ khí đốt ngoài khơi là Shwe (của Daewoo International) và Zawtika (của PTT) đang có những tiến triển tốt và dự kiến sẽ đi vào khai thác vào năm 2013.
Với sự nới lỏng cấm vận của Mỹ và cải cách chính trị, kinh tế ngày càng quyết liệt ở Myanmar, dự kiến, đợt mở thầu mới này cũng như ngành công nghiệp dầu khí của Myanmar chắc chắn sẽ thu hút được nhiều công ty năng lượng đa quốc gia tham gia với dòng vốn đầu tư khổng lồ.
Linh Phương
Theo Fox News
-
Kỳ I: A. Yakovlev - “Kiến trúc sư trưởng” công cuộc cải tổ nhằm xóa sổ Liên Xô khỏi bản đồ thế giới
-
Bài học Cách mạng Tháng Mười Nga trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Kỳ cuối: Ứng dụng thực tiễn của động cơ lượng tử
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines