MYANMA(R) là gì?
Học giả An Chi: Đất nước Myanmar mang một cái tên thiêng liêng mà không kém phần thần bí, chỉ thay âm mà không đổi nghĩa trong suốt quá trình lịch sử lâu dài của nó.
Tên xa xưa của nó là Brahmadeśa trong tiếng Sanskrit, như các nhà sư người Sri Lanka đã ghi nhận sau khi từ đó trở về và như vẫn còn tồn tại trong một số phương ngữ ở Ấn Độ dưới hình thức Brahmadesh(a), là tên mà, hiện nay, một số cư dân nói các phương ngữ này vẫn còn dùng để gọi đất nước Myanma. Trong tiếng Sanskrit, deśa có nghĩa là vùng, địa phương, xứ sở, đất nước, vương quốc, v.v... mà lưu tích hiện hành là hình vị –desh, còn thấy trong nhiều địa danh ở Nam Á, đặc biệt là trong tên của Bangladesh. Còn Brahma là Thượng Đế, là Đấng Tối Cao; là người nhà trời, v.v... Vậy Brahmadeśa là xứ sở của Đấng Tối Cao. Theo lời kể lại của một giáo sĩ người Italia là Vincento Sangermano, từng hoạt động tại Ava và Amarapura (Myanmar) 23 năm (1783-1806) thì: “Nếu bạn hỏi người Myanma về nguồn gốc của họ, họ sẽ trả lời: Chỉ riêng tộc danh cũng đã cho thấy ngay lịch sử lâu đời và sự cao quý của dân tộc chúng tôi và nguồn gốc thiên quốc của chúng tôi. Trong thực tế thì trong ngôn ngữ của họ tên nước của họ không phải là Burma mà là Byanma”.
Chùa Vàng Shwedagon ở Myanmar
Byanma chính là hình thức khẩu ngữ của Brahma. Theo truyền thuyết thì người Myanma là con cháu của 4 vị Thần Trời, 4 Byanma từ Thiên đình xuống. Hai vị biến thành đàn bà còn hai vị kia thì thành đàn ông và sinh sống tại lưu vực sông Irrawadi. Vì tin tưởng vào truyền thuyết này nên trong khẩu ngữ, họ tự gọi là người Bama. Bama có thể xem như hình thức khẩu ngữ “bậc 2” và càng bình dân hơn nữa của Brahma: Brahma → Byanma → Bama. Có nhiều phần chắc chắn Bama chính là nguyên từ (etymon) của danh từ Burma trong tiếng Anh.
Cái tên Brahma có một biến thể ngữ âm là Mranma mà lưu tích đã được thấy dưới triều vua Kyanzittha, trên một tấm bia tiếng Môn năm 1102, dùng để chỉ tộc người Miến Điện và trên một tấm bia của Miến Điện, có niên đại 1190. Trên văn tự là Mranma nhưng ngày nay, người ta chỉ phát âm thành Myanma mà thôi. Còn chữ –r thêm vào sau Myanma (= Myanmar) chỉ là sản phẩm của dân Ăng Lê để thể hiện nguyên âm “a” dài (ar = à). Chính vì thế nên trong câu trả lời của mình, chúng tôi mới viết “Myanma” không có –r cuối. Thế là về diễn tiến ngữ âm của Brahma, ta có sơ đồ sau đây:
Brahma → Byanma → Bama
↓
Mranma → Myanma(r)
Ở đây, có hai điểm đáng chú ý: sự chuyển đổi giữa hai phụ âm [m] và [b] là hiện tượng có thể xảy ra trong một số từ Miến Điện và trong nhiều phương ngữ của Myanma thì [r] đã biến thành [y].
Chữ Miến 緬 trong Miến Điện 緬甸 chính là chữ dùng để phiên âm âm tiết thứ nhất (Myan-) trong Myanma. Nó đã được ghi nhận lần đầu tiên vào Nguyên sử (bộ sử đời nhà Nguyên) năm 1273. Nhưng tại sao lại là Miến Điện? Chữ Điện là kết quả của một sự nhầm lẫn. Số là ở Vân Nam (Trung Quốc) người ta gọi thung lũng hay lưu vực sông là điện 甸, rồi danh từ này được dùng để chỉ đơn vị hành chính từ lâu trước đời Minh, như Phẩm Điện, Bố Mang Điện, Tiểu Miếu Điện, v.v… Đến đời Minh, người ta tưởng Myanma cũng thuộc Vân Nam nên mới ghi nhận nó là… Miến Điện. Âu cũng là một sự nhầm lẫn đầy hơi hám xâm lược, bành trướng.
A.C
- Tử vi ngày 26/10/2024: Tuổi Mão ấn tượng tốt đẹp, tuổi Mùi tràn đầy năng lượng
- Tử vi ngày 25/10/2024: Tuổi Thìn phát huy tài lẻ, tuổi Thân tiến triển tích cực
- Tử vi ngày 24/10/2024: Tuổi Tý quý nhân che chở, tuổi Ngọ tài lộc rực rỡ
- Tử vi ngày 23/10/2024: Tuổi Dần phát huy tiềm năng, tuổi Dậu cơ hội phát triển
- Tử vi ngày 22/10/2024: Tuổi Tỵ cải thiện thu nhập, tuổi Tuất phát huy điểm mạnh
- Tử vi ngày 21/10/2024: Tuổi Sửu trải nghiệm mới mẻ, tuổi Hợi tinh thần lạc quan