Mỹ cảnh báo "nỗi đau kinh tế nhiều hơn" nếu Nga tịch thu tài sản
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cảnh báo rằng bất kỳ một động thái nào như vậy sẽ khiến "nỗi đau kinh tế nhiều hơn" (Ảnh: Getty). |
Viết trên Twitter, bà Jen Psaki - Thư ký báo chí Nhà Trắng - cho rằng quyết định tịch thu tài sản của các công ty nước ngoài của Nga sẽ "dẫn đến thông điệp rõ ràng cho cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu rằng Nga không phải là nơi an toàn để đầu tư và kinh doanh".
Bà cảnh báo rằng bất kỳ một động thái nào như vậy sẽ khiến "nỗi đau kinh tế nhiều hơn".
Trước tình trạng ngày càng có nhiều công ty tạm ngừng hoạt động, Moscow đã cảnh báo có thể sẽ quốc hữu hóa các nhà máy sản xuất hoặc các công ty đã đình chỉ hoạt động.
Phát biểu trong cuộc họp với các thành viên chính phủ hôm 10/3, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Điện Kremlin có thể tìm "các giải pháp về mặt pháp lý" để tịch thu tài sản của các công ty nước ngoài dừng hoạt động tại Nga.
"Chúng ta cần hành động quyết đoán đối với những công ty dừng hoạt động sản xuất của họ (tại Nga)", ông Putin nói.
Tổng thống Putin cho biết chính phủ Nga sẽ tìm cách "đưa quản lý từ bên ngoài vào" và "chuyển giao các doanh nghiệp này cho những người thực sự muốn làm việc". "Có đủ công cụ pháp lý và thị trường để làm việc này", ông Putin nói.
Nói với BBC, các tập đoàn toàn cầu đang cắt quan hệ kinh doanh hoặc tạm dừng hoạt động tại Nga cho biết họ không có ý định thay đổi kế hoạch.
"Chúng tôi không có thông báo nào từ các nhà chức trách Nga rằng họ có ý định quốc hữu hóa tài sản của chúng tôi", người phát ngôn của Coca-Cola nói với BBC.
Tương tự, BP - hãng dầu lửa của Anh đã thông báo sẽ bán bớt cổ phần tại tập đoàn dầu khí nhà nước Nga Rosneft - cũng cho biết: "Lập trường không thay đổi".
"Chúng tôi đã quyết định rút cổ phần của mình ở Rosneft và các hoạt động kinh doanh với Rosneft ở Nga và đang thực hiện điều đó. Không có gì thay đổi hay cập nhật nào về điều này", người phát ngôn của BP nói.
Bình luận của Thư ký báo chí Nhà Trắng đưa ra trong bối cảnh Quốc hội Mỹ vừa thông qua dự luật chi tiêu bao gồm gần 14 tỷ USD viện trợ khẩn cấp của Ukraine. Dự kiến trong hôm nay, dự luật này sẽ được Tổng thống Mỹ Biden ký thành luật.
Cũng trong hôm nay, Mỹ cùng với nhóm G7 và Liên minh châu Âu dự kiến công bố xóa bỏ quy chế thương mại "tối huệ quốc" của Nga. Việc thu hồi quy chế thương mại ưu đãi này có nghĩa Mỹ và các đồng minh có thể áp đặt thuế quan đối với hàng hóa Nga.
Các nước trong nhóm G7 gồm Mỹ, Anh, Nhật Bản, Đức, Pháp, Italia và Canada.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 24/11: Việt Nam tăng nhập khẩu hàng điện tử Trung Quốc
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11