Cuộc chiến ở Ukraine: Cú hích khiến các nước vùng Vịnh thoát khỏi Mỹ
Hai nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), vốn ủng hộ Washington trong nhiều thập kỷ, đã kiềm chế, không ủng hộ chính quyền của Tổng thống Joe Biden trong nỗ lực bóp nghẹt Moscow, từ năng lượng đến ngoại giao.
Abdulkhaleq Abdullah, giáo sư khoa học chính trị tại UAE, nói với CNN hôm 3/3 rằng: “UAE không còn bị coi là con rối của Hoa Kỳ nữa. Chúng ta phải hành động theo (...) ưu tiên của mình".
Đối với các nhà phân tích, lập trường mới này của các nước vùng Vịnh, xuất hiện sau nhiều tranh chấp trong những năm gần đây - bao gồm cả vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018 - là một bước ngoặt trong quan hệ với Washington. Lâu nay Mỹ được coi là "người bảo vệ" của các quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt là trước Iran.
"Đây chắc chắn là một giai đoạn quan trọng trong quan hệ giữa vùng Vịnh và Hoa Kỳ", Anne Gadel, cộng tác viên thường xuyên của Viện Montaigne về các nước vùng Vịnh, nói với AFP.
Theo bà, các nước vùng Vịnh "nhận thức được rằng họ phải chuẩn bị cho một Trung Đông khác, và cán cân quyền lực nói chung đang thay đổi" ở cấp độ toàn cầu.
UAE, hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đã từ chối bỏ phiếu vào tháng 2 ủng hộ dự thảo nghị quyết của Mỹ - Albania lên án cuộc chiến Ukraine.
Xung đột đang làm tăng giá năng lượng nhưng các nước vùng Vịnh hiện đang chống lại sức ép của phương Tây nhằm tăng sản lượng dầu để hạ giá.
Ả Rập Xê-út đã nhấn mạnh cam kết của họ với liên minh dầu mỏ OPEC+, do Moscow và Riyadh dẫn đầu. Và ngày 10/3, UAE đã tái khẳng định sự tôn trọng của họ đối với các cam kết được đưa ra tại OPEC+, một ngày sau khi đại sứ của họ tại Washington tuyên bố ủng hộ việc tăng sản lượng.
Tổng thống Mỹ và Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman đã không nói chuyện kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức.
Hình thành từ năm 1945, liên minh Hoa Kỳ - Ả Rập Xê-út, sau đó với các chế độ quân chủ vùng Vịnh khác, dựa trên một thỏa thuận "dùng dầu để đổi lấy sự bảo vệ của Mỹ".
Trong khu vực, các quốc gia vùng Vịnh, nơi có quân đội và căn cứ của Mỹ và nước ngoài, từ lâu đã bị coi là con rối của người Mỹ.
Tình hình này bắt đầu thay đổi vào năm 2011, khi phong trào Mùa xuân Ả Rập loại bỏ các cường quốc Ả Rập truyền thống như Ai Cập và Syria, cho phép các quốc gia vùng Vịnh, được coi là ổn định và thịnh vượng, đóng một vai trò lớn hơn trong bối cảnh khu vực.
Ả Rập Xê-út và UAE hiện đang chiến đấu với phiến quân Houthis do Iran hậu thuẫn ở Yemen và đã củng cố mối quan hệ với Nga và Trung Quốc. UAE cũng đã bình thường hóa quan hệ của họ với Israel.
Nhiều sự thất vọng đã làm căng thẳng quan hệ với Washington, đặc biệt là việc ông Biden cởi mở với Iran hay việc Mỹ từ chối coi Houthis là "khủng bố".
Tuy nhiên, an ninh là trung tâm của vấn đề khi không có phản ứng mạnh mẽ của Mỹ sau cuộc tấn công vào các cơ sở khai thác dầu của Ả Rập Xê-út vào năm 2019 và Washington đã tuyên bố mong muốn giảm quy mô các cam kết quân sự ở Trung Đông.
"Các nước vùng Vịnh (...) không còn sẵn sàng dựa vào Hoa Kỳ với tư cách là người bảo vệ cuối cùng cho an ninh khu vực", Hussein Ibish thuộc Viện Các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh ở Washington cho biết.
Ngay cả khi "nếu Hoa Kỳ vẫn là một đối tác chiến lược hàng đầu", các quốc gia này muốn "đa dạng hóa các lựa chọn ngoại giao của họ".
Nh.Thạch
AFP
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề nghị giữ quy định áp thuế GTGT 5% với phân bón
-
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện
-
Việt Nam và UAE ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA)