Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

“Mỗi bộ phim là một Cường Ngô khác!”

06:57 | 13/11/2014

1,640 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đạo diễn Cường Ngô chia sẻ, thông qua làm phim anh học được rất nhiều điều quý giá. Chẳng hạn như, khi hoàn thành dự án “Hương Ga”, Cường Ngô càng thấm thía hơn, có những cái chết trong cuộc đời thật vô nghĩa, nên khi bắt đầu cuộc sống, lựa chọn con đường mình sẽ đi là vô cùng quan trọng. Đạo diễn của bộ phim đang làm mưa, làm gió trên các rạp chiếu toàn quốc thời gian này đã dành cho Năng lượng Mới một cuộc trò chuyện.

Năng lượng Mới số 373

Tôi chấp nhận bị “cắt”

PV: Bộ phim mới nhất của anh được khen có dàn diễn viên đẹp, câu chuyện hay, nhưng có vẻ như vẫn còn những điều đáng tiếc. Là đạo diễn, anh thấy mình hài lòng ở mức độ nào với “Hương Ga”?

ĐD Cường Ngô: Bộ phim dài 90 phút là quá ngắn để khắc họa hết cuộc đời của cô Hương Ga (chân dung trùm giang hồ đất Cảng theo nguyên mẫu Dung Hà), từ lúc nhỏ đến khi cô ấy lớn lên, một người phải trải qua quá nhiều biến cố cuộc đời. Tuy vậy, bộ phim đến thời điểm này tôi tự tin rằng nó thành công về mặt giải trí.

Cá nhân tôi, với tư cách một đạo diễn, tôi vẫn muốn có thêm sự lắng đọng cho từng nhân vật, đặc biệt với riêng Hương Ga. Nếu có thời gian nhiều hơn, phim có thể làm dài hơn, tôi muốn đi sâu vào một số chi tiết có tính bước ngoặt cuộc đời của nhân vật. Chưa kể, có rất nhiều cảnh trong phim khi qua kiểm duyệt đã bị cắt - đa số đó là những cảnh bạo lực và ứng xử rất đời của các nhân vật trong giới giang hồ.

Tôi cũng phải chia sẻ rằng, nếu so sánh phim “Hương Ga” với những phim có yếu tố hành động hay các phim làm về các băng đảng xã hội đen của Hongkong hay Mỹ thì sẽ khập khiễng. Bởi hoàn cảnh xã hội của Việt Nam khác với nước ngoài. Theo đó, băng đảng xã hội đen tỉnh lẻ của Việt Nam chưa đạt đến trình độ như các nước. Nên phim của tôi, lấy yếu tố chân thực này để dựng các cảnh và tôi muốn đảm bảo tính chân thực ấy.

PV: Điều anh nghĩ mình đã đạt được khi làm bộ phim dài hơi đầu tay lần này là gì?

ĐD Cường Ngô: Tôi đầu tư nhiều công sức, mồ hôi, nước mắt và tình yêu của mình vào tác phẩm này. Dù đây là tác phẩm thứ hai được giới thiệu ở Việt Nam, nhưng nếu “Ngọc Viễn Đông” là dự án của các phim ngắn thì “Hương Ga” là tác phẩm dài hơi đầu tiên của tôi, kết hợp giữa nghệ thuật và thương mại. Tôi muốn làm một bộ phim có sự hài hòa giữa hai yếu tố đó, để khi khán giả xem phim sẽ được nâng tầm thưởng thức về điện ảnh. Đó là lý do tôi rất trau chuốt từng khung hình. Nhưng một bộ phim không chỉ thành công nếu có một mình đạo diễn tâm huyết. Tôi rất may mắn khi được kết hợp cùng với những người yêu điện ảnh và có chung mong muốn về nghề nghiệp như Trương Ngọc Ánh, NSND Như Quỳnh, Kim Lý… Hơn cả, họ đã tin vào một đạo diễn trẻ như tôi và chúng tôi cùng hướng đến một mục đích chung.

PV: Bạo lực và cảnh nóng là những phân cảnh diễn viên phải đổ nhiều công sức nhất trên trường quay, nhưng bị cắt. Anh có nghĩ rằng điều này cản trở sáng tạo?

ĐD Cường Ngô: Cảnh nóng đầu tiên trong “Hương Ga” là cảnh cô bé Diệu (do Chi Pu thủ vai) bị cưỡng dâm trên chuyến tàu vượt biên cùng gia đình. Vì đây là phóng tác nên không quay đặc tả. Cảnh nóng thứ hai là màn ân ái trong ngôi nhà hoang của Hương Ga (Trương Ngọc Ánh) và tên giang hồ Hưng Mã (vai diễn của Hiếu Nguyễn) với những góc máy rất táo bạo và cận cảnh. Tiếp đến là cảnh quay Hưng Mã “bán” vợ sắp cưới của mình cho Tuấn Chợ (Quang Hòa) đã bị cắt gần như sạch sẽ. Chỉ còn giữ lại cảnh nóng cuối cùng giữa Hương Ga và chồng là Tùng Hero (Kim Lý thủ vai) trong nhà riêng sau khi cả hai đã nên vợ nên chồng. Tôi rất trân trọng công sức của nghệ sĩ trên phim trường và cũng muốn lột tả mọi cảm giác đau đớn, tủi nhục và hạnh phúc của một người đàn bà qua những cảnh quay đó. Tuy nhiên, bộ phận kiểm duyệt phim họ đã làm theo chức năng của mình. Nhiệm vụ của người làm sáng tạo là trong mọi hoàn cảnh đều phải làm ra sản phẩm tốt nhất. Tôi hơi tiếc nhưng hiểu rõ nhiệm vụ của các bên nên tôi và ê-kíp làm phim đều chấp nhận điều đó trong hoàn cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam.

PV: Anh đã bắt đầu từ điểm nhìn nào để phác họa lại cuộc đời một người phụ nữ “khác thường” trong bộ phim lần này?

ĐD Cường Ngô: Thứ nhất, “Hương Ga” nhân vật chính là nữ, nên khi làm phim tôi đặt mình vào vai góc nhìn của một người phụ nữ để nhìn thế giới. Đó cũng là cách tôi chọn để kể chuyện. Tôi nghĩ mình là một người đàn ông, ít nhiều sẽ có cái nhìn áp đặt và nếu thế câu chuyện có thể sẽ xoay qua hướng khác. Vì vậy, tôi đã chọn nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc chắp bút cho phần kịch bản của tác phẩm, đạo diễn Việt Linh, nhà văn Nguyễn Thị Như Khanh làm cố vấn. Tôi nghĩ, chính họ đã giúp góc nhìn của tôi được khách quan và chính xác hơn về nhân vật. Tôi hiểu được rất nhiều điều khi thực hiện bộ phim của mình.

Có ý kiến mong muốn các nhân vật của phim cần có nhiều sự mưu trí hơn. Nhưng điều đó tôi sẽ dành khi làm dựng về một câu chuyện khác, chẳng hạn chuyện của nhóm giang hồ chuyện đi cướp nhà băng.

PV: Trong phim của anh, có nhiều khuôn hình đẹp. Anh có quan niệm thế nào về việc mang cái đẹp Việt vào phim của mình?

ĐD Cường Ngô: Tôi là người duy mỹ, tôi luôn muốn những bộ phim của mình trước hết phải đẹp. Câu chuyện tiếp theo tôi nghĩ đến đó chính là khi những bộ phim của mình truyền đạt được ít nhiều hồn cốt của những mảnh đất mình lấy làm bối cảnh, “chất” của những con người sinh ra ở đó. Chẳng hạn với Hương Ga, phải làm thế nào để khán giả nhận ra một cái gì đó “chất cảng” trong cô ấy.

Còn một phim tình cảm lãng mạn tôi làm với Ngô Thanh Vân, kể về câu chuyện của một cô gái Sài Gòn về Hội An lấy chất liệu viết một bài báo, cô gặp một chàng trai ở đây và hai người yêu nhau trong tâm tưởng. Đây là một bộ phim lãng mạn, nhưng tôi nghĩ nó vẫn thể hiện được phần nào sự khác biệt về văn hóa giữa các vùng miền.

Tôi nghĩ mỗi vùng miền có một đặc trưng riêng về lối sống, cách suy nghĩ và qua ẩm thực. Trong đó, phim ảnh làm được một việc lớn hơn, mà không phải bộ môn nghệ thuật nào cũng có thể tái hiện được, đó là bối cảnh, khung cảnh sống.

Đam mê sẽ đưa tôi về đích

PV: Anh tham gia lĩnh vực phim ảnh từ sớm, nhưng chỉ thực sự được biết đến ở Việt Nam khi “Ngọc Viễn Đông” khởi chiếu năm 2012. Anh đã đến và duy trì sự say mê điện ảnh thế nào để có thể kiên trì như vậy?

ĐD Cường Ngô: Tôi học xong cấp 3 là thi vào Đại học Sân khấu Điện ảnh. Nhưng từ trước đó, khi còn rất nhỏ tôi đã được tiếp xúc với phim ảnh. Ba là người thường hay dắt tôi đến các rạp chiếu phim để hai cha con cùng xem phim mỗi dịp cuối tuần. Sau này ba mất, cậu bé 8 tuổi là tôi gần như bị shock và khi ấy phim ảnh, sách truyện đã là người bạn chỉ đường cho những giấc mơ trong tôi.

Một cảnh trong phim “Hương Ga”

PV: Các phim của anh, từ phim ngắn tới phim dài và nghe đâu cả dự án tiếp theo cũng đều được chuyển thể từ một tác phẩm văn học. Anh bị ám ảnh với văn học, hay anh không tự tin viết một kịch bản riêng cho mình?

ĐD Cường Ngô: Có thể do ngày nhỏ, sau khi các chị gái của tôi sang Mỹ, tôi sống ở Việt Nam với mẹ. Khi mẹ bận bịu với cuộc mưu sinh, để yên tâm, mẹ thường “giữ chân” tôi ở các thư viện. Tôi nghĩ, một cách thụ động và bị động văn học đã ngấm vào tôi từng ngày. Tôi không biết tại sao mình luôn có cảm hứng rất mạnh với các tác phẩm văn học. Rồi tự nhiên, những mối quan hệ trong công việc của tôi cũng luôn là những nhà văn. Họ đôi khi giúp tôi tiếp cận đến một tác phẩm mới, có khi là người chuyển thể kịch bản cho những bộ phim của tôi. Tôi cũng luôn nghĩ, một bộ phim hay phải có một câu chuyện hay, mà người tạo ra những câu chuyện tuyệt vời có lẽ không ai làm tốt hơn các nhà văn cả.

Nhiều đạo diễn Mỹ, Canada đều cố gắng khai thác những tác phẩm văn học hay của Nhật, của Trung Quốc và các nước châu Á khác và họ đã thành công với nhiều tác phẩm chuyển thể như vậy. Tôi cũng muốn học hỏi cách đi đó của các đạo diễn Mỹ, Canada.

PV: Anh học được gì từ hai môi trường phim ảnh lớn là Mỹ và Canada?

ĐD Cường Ngô: Tôi tham gia một số hoạt động phim ảnh bên Mỹ, hiện tôi đang làm việc với một số nhà sản xuất phim đó để tìm kiếm các cơ hội làm phim mới. Tôi vẫn ấp ủ dự định muốn kể một câu chuyện của đất nước mình thông qua sự chuyển thể của một tác phẩm văn học Việt Nam cho người trẻ có nguồn gốc Việt ở Mỹ. Phim có thể làm bằng tiếng Anh, nhưng sẽ kể lại một câu chuyện của người Việt. Bởi hình dung của người Mỹ gốc Việt về đất nước bây giờ có nhiều thứ không còn chính xác nữa.

Tiếp xúc và làm việc cùng họ tôi học được tinh thần giao tiếp giữa những người làm phim ở hai đất nước này. Ở Việt Nam hay Mỹ cũng luôn song song tồn tại hai dòng phim: độc lập và giải trí. Tất cả họ vẫn cặm cụi tìm kiếm chất liệu cho những bộ phim của mình. Và họ dạy tôi rằng, chỉ có đam mê và sự hết mình mới có thể đưa con người ta đến đích.

PV: Có những đạo diễn khắc kỷ và cực đoan trên trường quay. Còn anh tự đánh giá thì thấy mình là một đạo diễn thế nào?

ĐD Cường Ngô: Tôi luôn lắng nghe. Chưa kể, khi chọn một người làm việc chung, điều đầu tiên tôi nghĩ giữa mình và họ có nhiều quan điểm chung, cộng thêm sự lắng nghe thì tôi tin việc gì cũng có thể giải quyết.

Tôi có sự bình tĩnh và không sân si. Điều này tôi học được từ Phật Pháp. Tôi hiểu không việc gì là không có cách giải quyết, nhưng trên đời cũng không có việc gì là mãi mãi hay toàn vẹn. Hiểu được như thế, tôi cũng không cảm thấy đau khổ khi bộ phim của mình làm ra có người thích, người không thích. Quy luật cuộc sống luôn như vậy, quan trọng nhất vẫn là điều mình đang làm có thật như suy nghĩ, mong muốn và đích mình muốn hướng tới không. Cái đích luôn là điều quan trọng nhất và làm gì cũng đừng làm trái với lương tâm của mình.

Và vẫn “khởi hành” khi có thể

PV: Luôn bình tĩnh, vậy sự phá phách đáng kể nhất của anh là gì?

ĐD Cường Ngô: Thực ra những sự lựa chọn của tôi đều khiến ba mẹ đau đầu. Mẹ tôi bảo con đã chọn một nghề “khó nhất thế giới”. Làm phim, đúng là kể câu chuyện của tâm hồn. Mẹ cũng bảo, tôi đã chọn một nghề để tự biến mình thành người vô gia cư vậy. Vì lúc nào cũng ở trạng thái xách balô lên và đi. Lúc nào mẹ cũng hỏi khi nào mới có vợ, có con, có gia đình như các bạn.

PV: Có vẻ như anh là người có cơ hội thỏa sức với đam mê mà không quá lo đến cơm áo gạo tiền. Vai trò là người đàn ông duy nhất trong nhà hóa ra không trở thành gánh nặng, mà ngược lại trở thành đối tượng được bao bọc? Sự không lo lắng có khiến anh thiếu sự “tận cùng” hơn người khác?

ĐD Cường Ngô: Thật ra từ bé tôi không phải sống trong bầu không khí đua chen. Bố tôi làm phi công, mẹ là cán bộ không lưu ở sân bay. Sau này bố mất, mẹ tôi chuyển làm kinh doanh trang sức. Sang Mỹ mẹ tôi kinh doanh nhà hàng. Tôi không bị bận tâm thái quá về vấn đề kinh tế của gia đình, nhưng nói rằng tôi được bảo bọc thì cũng không hẳn.

Khi bé tôi hay chơi với những người lớn tuổi. Nhà gần rạp chiếu phim nên bạn của tôi là mấy anh trong rạp chiếu, đa số đều lớn tuổi hơn nên tôi được chiều chuộng lắm. Tôi cứ sống như vậy một cách tự nhiên chứ cũng không hẳn là gặp ngáng trở thì không biết đấu tranh. Tôi nghĩ ở bản thân mình có một sự kiên trì rất lớn với con đường mà tôi đã theo đuổi là điện ảnh. Thành công là thứ ai cũng thấy, nhưng những ngày chưa thành công thì không phải ai cũng có thể thấu cảm và chia sẻ.

Đạo diễn Cường Ngô cùng dàn diễn viên đóng phim “Hương Ga”

PV: Nếu tự phác thảo chân dung mình thì đâu là điểm nhấn?

ĐD Cường Ngô: Khi làm nghệ thuật đồng nghĩa mình chấp nhận sự cô đơn. Nếu sợ cô đơn tôi nghĩ không nên theo con đường này. Con đường của chúng tôi là đi, sống một đời du mục càng tốt. Phải đi và chỉ có đi mới có thể tìm ra chất liệu để tiếp tục vẽ lên bản thân mình.

Con người vốn rất sợ thoát ra khỏi sự thoải mái của mình. Thức dậy thì muốn ngủ nướng tiếp, không muốn chui ra khỏi chiếc chăn ấm của mình cũng không phải là hiện tượng tâm lý bất bình thường. Nhưng chỉ khi chui ra được khỏi nó mình mới thấy cuộc sống phong phú ra sao. Tôi may mắn đã đi được nhiều nơi trên thế giới và mỗi nơi tôi thấy một cuộc sống khác nhau.

Bạn bè hay nói tôi giống thầy tu. Họ cũng nói những người trẻ như tôi, nếu không có chỗ nào chơi thì vô quán bar, vũ trường. Nhưng tôi có thời gian rảnh thì thích vô chùa và đọc sách Phật pháp.

PV: Nghe cứ như thể anh từng trải qua biến cố nào đó rất lớn, như… từng bị thất tình chẳng hạn.

ĐD Cường Ngô: Tôi yêu ai thì rất mãnh liệt, sống chết đấy. Hiện bạn gái của tôi làm trong lĩnh vực kiểm toán. Do đi phim nhiều nên tôi cũng không có thời gian chăm sóc cô ấy.

PV: Sau khi “ngụp lặn” trong thế giới của “Hương Ga”, anh thấy điều gì đọng lại ở trong mình?

ĐD Cường Ngô: Cuộc đời rất hay, người hùng thường chết bởi người hèn vì những phát đạn bắn từ phía sau. Và trong cuộc  sống con người cũng vậy, có thể chúng ta không bị bắn chết bằng một phát đạn thật nào đó nhưng có thể tinh thần sẽ bị làm phiền bởi những kẻ chẳng ra gì. Nhưng dù sao thì vẫn cứ sống đàng hoàng khi có thể, bởi. Tôi cũng hiểu rõ và tin rằng, dù cái ác tồn tại ở khắp nơi đấy nhưng cuộc sống luôn có nhân quả.

Những cái chết của giang hồ luôn là vô nghĩa. Vì vậy, khi bắt đầu cuộc sống là phải lựa chọn cách sống và cách đi con đường của mình.

PV: Lúc này, anh tiết lộ về dự án tiếp sau của “Hương Ga” được rồi chứ?

ĐD Cường Ngô: Sắp tới tôi sẽ làm một bộ phim hành động hài, một bộ phim thuần giải trí mang tên “Ngày nảy ngày nay”. Phim này, phần hành động tập trung vào Ngô Thanh Vân, phần hài tập trung vào Lê Khánh. Trong phim này, hành động sẽ rất dứt khoát, rất đẹp mắt. “Ngày nảy ngày nay” là một câu chuyện tưởng tượng của Ngô Thanh Vân. Vân là một đả nữ đấy, nhưng ngoài đời sống Vân rất hài và bộ phim sẽ là minh chứng cho một Ngô Thanh Vân như thế.

Tôi cũng muốn thông qua bộ phim mới để khán giả hiểu rằng, mỗi bộ phim tôi sẽ vẽ về một Cường Ngô khác. Sau “Ngày nảy ngày nay” tôi sẽ làm một phim tâm lý xã hội khác, chuyển thể từ tác phẩm “Hát” của Trần Nhã Thụy.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Sinh năm 1978 tại Sài Gòn, Cường Ngô (tên thật Ngô Quốc Cường) từng theo học tại Khoa Diễn viên - Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh, TP HCM. Anh từng tham gia công việc trợ lý đoàn phim “Người Mỹ trầm lặng”, đây cũng là cơ hội đưa Cường Ngô sang Canada theo học ngành biên kịch, đạo diễn tại Đại học York.

Tại Canada, Cường Ngô làm một số phim ngắn như “Kẻ nhờ đường” (The Hitchhiker Project), “Cây trâm vàng” (The golden pin). Trong đó, “Cây trâm vàng” đã đoạt giải phim hay nhất tại Liên hoan phim Toronto 2009 về chủ đề đồng tính và giải Nhì cho phim châu Á hay nhất của Cục Điện ảnh Canada. “Cây trâm vàng” còn chu du ở 30 liên hoan phim trên thế giới.

Năm 2012, Cường Ngô ra mắt Việt Nam với series phim ngắn “Ngọc viễn đông”. Tháng 10-2014 vừa qua, anh giới thiệu bộ phim dài hơi đầu tiên “Hương Ga”. Phim đang công chiếu tại các cụm rạp trên cả nước.

Thanh Huyền - Thái Dương (thực hiện)