Lùi thời hạn áp dụng giá FIT điện gió, bao lâu là hợp lý?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây đã công bố thông tin về việc ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với 144 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất là 8.144,88MW; trong đó hiện đã có có 13 nhà máy điện gió với tổng công suất là 611,33 MW đã vào vận hành thương mại; 106 nhà máy điện gió dự kiến đi vào vận hành thương mại trước 31/10/2021. Đáng chú ý, có 25 nhà máy điện gió với tổng công suất là 1.912,05 MW không thể vận hành thương mại trước 31/10/2021.
Một trong những nguyên nhân khiến các dự án điện gió không thể vận hành thương mại đúng tiến độ trước ngày 31/10 là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các công đoạn vận chuyển, thi công, lắp đặt không thể tiến hành.
Một dự án điện gió. |
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất thiết bị điện gió trên thế giới cũng bị gián đoạn sản xuất, dẫn đến nguồn cung thiết bị của các dự án không về kịp theo đúng tiến độ. Đó là chưa kể đến việc các chuyên gia nước ngoài không thể đến Việt Nam đúng thời hạn. Trong nước, nguồn lao động đang thi công trên các công trường bị thiếu hụt rất trầm trọng, vì nhiều tỉnh thành đang thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16...
Trước thực trạng này, một số tỉnh thành trên cả nước đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng gia hạn thời hạn áp dụng giá FIT với các dự án điện gió để hưởng mức giá ưu đãi 9,8 UScent/kWh theo Quyết định 39.
Tuy nhiên, thời hạn lùi áp dụng giá FIT mỗi tỉnh lại đề xuất khác nhau.
UBND tỉnh Trà Vinh kiến nghị gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá ưu đãi với các dự án điện gió trên địa bàn tới hết tháng 4/2022.
Trong khi đó, tại tỉnh Sóc Trăng, hiện có 20 dự án điện gió với tổng công suất 1.435 MW được duyệt vào quy hoạch phát triển điện gió của địa phương, cũng như Quy hoạch điện VII kiến nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng gia hạn thời gian thực hiện cơ chế giá ưu đãi đến hết 31/3/2022.
UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị mốc lùi thời hạn đến hết 31/12/2021.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lại kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn thời gian áp dụng giá mua điện gió theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 1/11/2022.
UBND tỉnh Cà Mau vừa có kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương xem xét, kéo dài thời gian áp dụng giá mua điện cố định tại Quyết định 39 năm 2018 của Thủ tướng đến hết 31/12/2022.
PGS.TS Đặng Đình Thống |
Trao đổi với PV về vấn đề này, PGS.TS Đặng Đình Thống - chuyên gia năng lượng cho rằng, việc lùi thời gian áp dụng giá FIT đối với các dự án điện gió trong bối cảnh hiện tại là cần thiết bởi các doanh nghiệp gặp phải các khó khăn khách quan. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lên tiếng chính thức, có văn bản gửi các cơ quan chức năng, bộ, ngành để nói về các khó khăn cũng như xin gia hạn thời gian áp dụng giá FIT.
"Tôi nghĩ với hoàn cảnh hiện tại thì việc xin gia hạn áp dụng giá FIT với các doanh nghiệp điện năng lượng tái tạo là có thể được" - ông Thống nhận định.
Nói về thời gian lùi áp dụng cơ chế giá FIT điện gió, vị chuyên gia này nhận định, trước diễn biến của dịch Covid-19 như hiện nay, chưa chắc đã có thể kết thúc, vì vậy, nếu xin lùi thời hạn thì nên lùi trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm để các doanh nghiệp điện gió hoàn thành dự án và vận hành thương mại. Nếu chỉ xin lùi một vài tháng e rằng dự án không thể hoàn thành.
Xuân Hinh
-
Bài 2: Cần xây dựng khung pháp lý mạnh mẽ, rõ ràng và vững chắc cho phát triển điện gió ngoài khơi
-
Bài 1: Việt Nam có thể trở thành trung tâm chuỗi cung ứng cho điện gió ngoài khơi tại châu Á - Thái Bình Dương
-
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành năng lượng Việt Nam
-
Emirates sử dụng 37% năng lượng sạch để vận hành trung tâm kỹ thuật
-
Tạo cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi