Tiềm năng lớn, Hà Tĩnh muốn chuyển đổi rừng tự nhiên làm năng lượng tái tạo
UBND tỉnh Hà Tĩnh mới đây đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT về việc rà soát hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang thực hiện dự án Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh.
Theo đó, Dự án được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 9/2020 với công suất thiết kế 120MW, gồm 25 turbine gió. Chủ đầu tư là Công ty CP điện phong HBRE Hà Tĩnh.
Theo công văn của UBND tỉnh Hà Tĩnh, dự án có diện tích nghiên cứu, khảo sát 845 ha tại khu vực dãy Hoành Sơn, thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh; trong đó diện tích rừng tự nhiên bị ảnh hưởng là 19,05ha, là rừng tự nhiên nghèo, thuộc đối tượng quy hoạch rừng phòng hộ, chủ yếu cây bụi và cây gỗ tái sinh nhỏ, không có giá trị về kinh tế, mật độ cây binh quân khoảng 217 cây/ha, trữ lượng 10,2m3/ha, tổ thành loài là các loại cây gồm: Ba bét, Dung, Trâm, Bời lời, Bai bái…
Một dự án điện gió (ảnh minh họa) |
UBND tỉnh Hà Tĩnh đánh giá việc triển khai dự án Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh sẽ đem lại nhiều lợi ích. Đây cũng là dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, với tác động tích cực đối với nền kinh tế địa phương. Tổng thu ngân sách từ thuế VAT và thuế TNDN của dự án là 2.639 tỷ đồng, chưa kể các nguồn thu khác.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án.
Trả lời trên báo chí, ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HBRE cho biết, đến thời điểm này, Tập đoàn HBRE đã hoàn thành các hồ sơ thủ tục cần thiết để triển khai dự án, tuy nhiên do điều kiện dịch bệnh COVID-19 nên hiện đang phải lùi lại.
Theo ông Hồ Tá Tín, Tập đoàn HBRE lựa chọn Hà Tĩnh để đầu tư không chỉ do đây là địa phương có tiềm năng về năng lượng gió, năng lượng mặt trời, mà còn có cơ chế chính sách, môi trường đầu tư nhiều thuận lợi.
Trên thực tế, Hà Tĩnh có 137 km bờ biển và nhiều diện tích hoang hóa chạy dọc bờ biển từ Nghi Xuân vào đến Kỳ Anh. Theo các chuyên gia, đây là yếu tố thu hút các nhà đầu tư, thi công, xây dựng các nhà máy điện gió, điện mặt trời.
Tiềm năng lớn thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời của Hà Tĩnh (ảnh Google maps) |
Ngoài dự án kể trên, Hà Tĩnh cũng đã đồng ý cho khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, lập dự án đó là dự án Nhà máy điện gió Kỳ Nam do Công ty Đầu tư năng lượng Thiên Long làm chủ đầu tư. Dự án đề xuất xây dựng tại địa bàn xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh với công suất dự kiến 300MW, được chia làm 2 giai đoạn (nhà máy Điện gió Kỳ Nam 1-30MW và Nhà máy Điện gió Kỳ Nam 2 – 270MW).
Gần đây nhất, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Thắng – một doanh nghiệp của Hà Tĩnh đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh đầu tư cụm dự án điện gió tại Hà Tĩnh, với tổng mức đầu tư 13.893 tỷ đồng. Theo đó, dự án cụm nhà máy điện gió Kỳ Anh có công suất 148,5MW được đầu tư tại huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh. Diện tích nghiên cứu khảo sát dự án là 3.937ha, dự kiến xây dựng 33 turbine gió. Sản lượng điện sản xuất khoảng 481.229MWh/năm, doanh thu dự kiến 949 tỷ đồng/năm.
Chưa hết, cụm nhà máy điện gió trên biển Kỳ Ninh có công suất dự kiến 200MW được đầu tư xây dựng tại khu vực biển xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh với tổng mức đầu tư 8.687 tỷ đồng. Diện tích nghiên cứu khảo sát dự án khoảng 4.416ha, xây dựng 40 turbine gió trên biển với sản lượng điện sản xuất 563.054MWh/năm, doanh thu dự kiến 1.280 tỷ đồng/năm.
Dự án Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh tại TX Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh, có công suất thiết kế 120MW (25 tua bin gió), tổng mức đầu tư hơn 4.687 tỷ đồng. Sản lượng điện thương phẩm hàng năm ước tính 350,357 GWh/năm. Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm, kể từ ngày ban hành quyết định chủ trương đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án 18 tháng sau khi ban hành quyết định chủ trương đầu tư. Ngày 25/9/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng đã ký Quyết định số 3260/QĐ-UBND về chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh tại thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. |
X.Hinh (tổng hợp)
-
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành năng lượng Việt Nam
-
Emirates sử dụng 37% năng lượng sạch để vận hành trung tâm kỹ thuật
-
Tạo cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi
-
Bản tin Năng lượng xanh: EU thay đổi quy tắc đấu giá dự án hydrogen để hạn chế sự hiện diện của công ty Trung Quốc
-
Bản tin Năng lượng xanh: Báo cáo của IRENA cho thấy tăng trưởng kỷ lục của năng lượng tái tạo thúc đẩy sự cạnh tranh về chi phí