Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Loạn tin giả trên mạng xã hội - S.O.S!

06:46 | 28/03/2020

263 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mặc dù đã cảnh báo nhiều và không ít người bị xử lý trong thời gian qua nhưng việc tung tin giả, thất thiệt, gây hoang mang cho xã hội vẫn diễn ra trong giai đoạn cao điểm bùng phát dịch Covid-19. Công an khuyến cáo người dân cảnh giác với các thông tin thất thiệt trên mạng xã hội.

Theo báo cáo nhanh của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cả hệ thống chính trị cùng người dân đã nỗ lực với quyết tâm cao nhất đẩy lùi dịch bệnh.

Tuy nhiên, lợi dụng tình hình dịch bệnh, các thế lực thù địch, các đối tượng bất mãn chính trị trong nước và ngoài nước đã phát tán trên không gian mạng, thư điện tử (email) nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, clip liên quan đến dịch Covid-19 đăng trên mạng xã hội.

loan tin gia tren mang xa hoi sos
Cơ quan Công an xử lý một trường hợp tung tin thất thiệt trên mạng xã hội về dịch bệnh Covid-19

Ngày 19/3, trên mạng xã hội xuất hiện tin “Hà Nội sắp thất thủ”, “Khu cách ly thành phố Hà Nội vỡ trận”... khiến không ít người hoang mang, lo lắng. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp khẳng định, tất cả thông tin đó đều là bịa đặt, không có cơ sở, dịch Covid-19 vẫn trong tầm kiểm soát. Minh chứng là Hà Nội vẫn duy trì số ca mắc ở mức thấp; khu cách ly dù chưa quá tải nhưng Hà Nội đã chuẩn bị kế hoạch, lập các cơ sở cách ly có thể lên đến hàng chục nghìn người như khu nhà ở sinh viên tại Tứ Hiệp (Hoàng Mai), một số trường dạy nghề ở Phú Xuyên, Chương Mỹ, Sơn Tây, Bệnh viện Đa khoa Mê Linh, khu tái định cư Thượng Thanh...

Ngày 21/3, sau khi có thông báo của Bộ Y tế về 2 nữ điều dưỡng mắc Covid-19, lập tức trên mạng xã hội xuất hiện thông tin “Bệnh viện Bạch Mai bị phong tỏa”. Ngay sau đó, ngày 22/3, Bệnh viện Bạch Mai phải phát đi thông báo khẩn khẳng định không có chuyện phong tỏa bệnh viện, công tác khám, chữa bệnh và cấp cứu vẫn triển khai bình thường.

Thậm chí nhằm gây rối an ninh mạng, có những hacker đã phát tán mã độc dưới hình thức sử dụng tên lãnh đạo Nhà nước gắn với tập tin đính kèm rồi gửi qua thư điện tử. Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết: Tập tin có dạng shortcut với phần mở rộng là “.lnk” được ngụy trang dưới biểu tượng tập tin văn bản nhằm đánh lừa người dùng. Nếu người dùng tải tập tin đính kèm về và mở trên máy tính (mã độc này chỉ hoạt động trên hệ điều hành Windows), mã độc sẽ được kích hoạt, cài đặt vào máy tính, kết nối đến máy chủ điều khiển để tải các đoạn mã độc khác và nhận lệnh điều khiển của tin tặc. Khi đó, tin tặc có thể thực hiện nhiều lệnh thực thi khác nhau, như đánh cắp dữ liệu, thông tin máy tính, tiếp tục phát tán mã độc sang máy tính khác...

Theo báo cáo của Bộ Công an, đến nay đã xác minh, làm việc với 654 trường hợp đưa tin sai sự thật; xử phạt vi phạm hành chính 146 người. Bộ Công an khuyến cáo người sử dụng Internet nâng cao cảnh giác, không truy cập vào những liên kết lạ, không tải và mở về các tập tin không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, người dùng cần cài đặt các phần mềm diệt virus có bản quyền và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu, bản vá bảo mật cho hệ điều hành và các phần mềm ứng dụng. Trong trường hợp đã mở tệp tin đính kèm, cần ngắt kết nối Internet và liên hệ với bộ phận quản trị để khắc phục, xử lý.

Việc sử dụng các trang cá nhân (chỉ tính riêng Facebook đã có hơn 60 triệu người sử dụng, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông) là quyền của mỗi người. Nhưng sử dụng như thế nào thì phải đúng luật. Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) trao đổi với báo giới, nếu sử dụng mạng xã hội như một phương tiện tung tin giả, tin sai sự thật, gây nguy hại cho xã hội là vi phạm pháp luật.

“Luật An ninh mạng quy định hành vi bị nghiêm cấm như thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, tùy theo mức độ có thể bị phạt hành chính 20-30 triệu đồng, thậm chí người phạm tội vu khống có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm theo Bộ luật Hình sự”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và trên hết là ý thức, trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, mỗi người dân thay vì làm hoang mang, hoảng loạn bằng những thông tin thiếu trung thực, hãy hòa đồng, cùng cả nước chống lại dịch Covid-19 với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. Có như vậy, dịch bệnh mới bị đẩy lùi. Còn nếu cứ tung tin giả, tin thất thiệt, không những làm ảnh hưởng xấu đến xã hội, cộng đồng mà đến ngay cả bản thân cũng gánh chịu hậu quả trực tiếp, bị xử lý theo pháp luật.

P.V