Trẻ em - Nạn nhân của những thông tin xấu độc
Thông tin xấu, độc trên mạng Internet là mảnh đất gieo trồng sự lệch lạc về suy nghĩ và tâm lý của trẻ em. (Ảnh minh họa). |
Trong cái chợ thông tin khổng lồ ấy, ở Việt Nam chúng ta, thông tin giả về tình hình trong nước và quốc tế cũng cùng lúc xuất hiện, gây nhiễu thông tin, gây bất an trong xã hội. Không hề cường điệu khi nói rằng, đang có một trận chiến trên mặt trận thông tin khi người sử dụng mạng xã hội phải từng phút, từng giờ đương đầu với thông tin giả về cuộc xung đột ở Trung Đông.
Trước hết, đáng chú ý là sự ồn ào không đáng có ở trong nước - tin bịa đặt về sách giáo khoa cho học sinh cấp tiểu học. Theo thông báo chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), những ngày gần đây, trên một số mạng xã hội có nhiều người sử dụng, lan truyền thông tin giả về một số nội dung được cho là “ngữ liệu trong sách giáo khoa” như: Giã gạo thổi cơm, Bắn tung tóe, Bạn An dũng cảm, Bé xách đỡ mẹ, Vẽ gì khó... Nguồn tin Fake trên đây trở thành miếng mồi ngon cho những “anh hùng bàn phím”. Đã xuất hiện nhiều bình luận tiêu cực về sách giáo khoa, về người biên soạn sách và ngành Giáo dục. Đối tượng hoang mang nhất lại chính là phụ huynh và các em học sinh.
Bộ GD&ĐT khẳng định, các nội dung nêu trên hoàn toàn bịa đặt, không có trong bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào đang được sử dụng tại các nhà trường.
Đó là thông tin nóng nhất trong số rất nhiều tin tức bịa đặt khác ở trong nước.
Còn về thông tin quốc tế, cụ thể là tin về cuộc chiến giữa lực lượng Hamas và Israel, đang có nguy cơ lan rộng ở Trung Đông, cũng thật kinh hãi. Thông báo từ TikTok, mạng xã hội này đã phải xóa hơn 500 triệu video và 8.000 livestream về xung đột ở Dải Gaza. Những con số đã tự nói lên sự thật đáng sợ này.
Những hình ảnh về cuộc chiến lan rộng như đám cháy khổng lồ. Từ những video bạo lực, chết chóc, đến hình ảnh con tin bị bắt giữ... được tung lên các nền tảng mạng xã hội vốn rất phổ biến với trẻ em và thanh thiếu niên. Có những đoạn video lan tràn chóng mặt, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Đó là hình ảnh rùng rợn do phía Israel tạo ra những video giả về việc Hamas “sát hại trẻ em” (!).
Những kẻ làm video giả đã lấy cảnh hậu trường trong bộ phim ngắn Empty Place được phát hành trên Youtube hồi năm 2022, để cắt xén, lắp ghép. Mặc dù phía dưới video có một số bình luận: “Đây là tin giả”, nhưng không phải ai cũng tỉnh táo khi đọc và kiểm chứng sự việc, số đông đã vội chia sẻ những thông tin giật gân nguy hại này. Một video khác có hình ảnh bé gái người Arab được quay ở thành phố Hebron, Bờ Tây sông Jordan, đăng tải trên Instagram vào tháng 9/2023. Kẻ tạo tin giả đã phù phép biến thành “một bé gái Do Thái bị bắt cóc ở bên cạnh tay súng Hamas”.
Hai ví dụ nêu trên chỉ là hạt cát trong bãi cát khổng lồ. Trước tình hình đáng báo động này, mới đây, Liên minh châu Âu đã yêu cầu các mạng xã hội Facebook, TikTok và X (Twitter trước đây) phải gỡ bỏ thông tin sai lệch và xử phạt nghiêm minh. Sau đó, TikTok và X thông báo, đã gỡ bỏ, hoặc gắn nhãn cảnh báo hàng chục nghìn nội dung, xóa hàng trăm tài khoản truyền bá thông tin giả, sai lệch.
Trong mấy thập niên vừa qua, sự phát triển nhanh chóng của Internet mang lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, thế nhưng hậu quả cũng thật là ghê gớm. Hẳn bạn đọc còn nhớ, vào năm 2011, chính quyền của cựu Tổng thống Ai Cập Mubarak đã sụp đổ chỉ sau 18 ngày kể từ khi tin giả đầu tiên được phát đi trên Facebook.
Thời nay các công dân trong xã hội số đang phải đối mặt với những rủi ro lớn chưa từng thấy khi mà mạng Internet, mạng xã hội và công nghệ AI phát triển như vũ bão. Các nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ), đã nghiên cứu và công bố kết quả một cuộc khảo sát: Để lan truyền đến 1.500 người, tin thật phải mất một lượng thời gian nhiều gấp 6 lần so với tin giả. Người dùng mạng xã hội, nhất là các em học sinh đã và đang gặp nhiều rủi ro về bảo mật thông tin, về danh tính. Không chỉ có vậy, các em còn bị tác động bởi thông tin xấu độc, thông tin giả, thông tin chưa được kiểm chứng. Thông tin "bẩn" là mảnh đất gieo trồng sự lệch lạc về suy nghĩ và tâm lý, tác động xấu đến quá trình phát triển, hình thành nhân cách con người.
Làm thế nào để ngăn chặn những thông tin sai lệch vô cùng nguy hiểm này? Đó là vấn đề hệ trọng, là câu chuyện lâu dài. Nhiều bậc cha mẹ có con đang học các cấp từ tiểu học đến THPT đã trao đổi những kinh nghiệm bước đầu. Trước hết là nhắc nhau không chia sẻ hình ảnh con em trên mạng xã hội, dù rằng bé “đẹp như thiên thần” và “đáng yêu nhất thế giới này”. Sử dụng tối đa các công cụ kiểm soát ở các ứng dụng dành cho trẻ em. Nên dành thời gian nói chuyện thân mật về những hoạt động trên mạng, những suy nghĩ của con em mình.
Các bậc phụ huynh cần giải thích cặn kẽ cho con hiểu về ứng dụng, về các quy định và những gì mà con có thể và không thể chia sẻ, đồng thời đưa ra nguyên tắc sử dụng mạng xã hội hợp lý. Hiện nay, hầu hết các em học sinh THCS, THPT, nhất là ở thành phố, đã có điện thoại thông minh.
Vấn đề đặt ra là, thay vì “tịch thu” điện thoại, cấm sử dụng, hãy tìm cách trang bị kiến thức, kỹ năng, chọn lọc những nội dung phù hợp và xóa bỏ những nội dung không phù hợp. Và bản thân các bậc cha mẹ cần làm gương để các con noi theo. Hãy dành thời gian cho các em tham gia vào các hoạt động xã hội, ra ngoại thành, về nông thôn, đắm mình trong khung cảnh đồng lúa, con đê, cây đa, giếng nước, sân đình...
Từ câu chuyện nóng bỏng trong cuộc chiến ở Trung Đông đến những thực trạng tin giả trong nước, gợi lên biết bao vấn đề đáng bàn và bắt tay ngay vào cuộc.
Facebook bị điều tra vì "dung túng" cho tin giả và nội dung độc hại Một nhóm gồm tổng chưởng lý của 14 bang tại Mỹ đang điều tra để tìm hiểu xem liệu có phải Facebook đang "dung túng" cho những tin tức giả mạo và nội dung độc hại trên nền tảng của mình hay không. |
Hải Đường