Liên danh Zarubezhneft và DEME sẵn sàng triển khai Dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong
Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về điện gió tại Việt Nam, tháng 4/2021, Liên danh hai nhà đầu tư Zarubezhneft JSC (Liên bang Nga) và DEME Concessions Wind NV (Bỉ) cùng các công ty thành viên của mình là Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và Công ty DEME Offshore đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển Dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong tại tỉnh Bình Thuận.
Dự án Điện gió Ngoài khơi Vĩnh Phong có quy mô 1.000 MW được chia thành 2 giai đoạn. Các đối tác đặt mục tiêu hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại giai đoạn 1 có công suất 600 MW vào năm 2026 và 400 MW còn lại (giai đoạn 2) dự kiến sẽ đưa vào vận hành thương mại vào năm 2030.
Liên danh Zarubezhneft và DEME sẵn sàng triển khai dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong (ảnh minh họa) |
Dự án có tổng mức đầu tư 72.900 tỷ đồng, dự kiến khi đi vào hoạt động, dự án không chỉ cung cấp hàng tỷ kWh điện cho hệ thống điện quốc gia mà còn đóng góp nguồn thu cho ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng. Đồng thời tạo ra khoảng 2.500 việc làm trong suốt quá trình xây dựng, trong đó có 2000 việc làm cho giai đoạn vận hành và 500 việc làm cho giai đoạn kết thúc và di dời dự án.
Hiện Dự án đã được tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương cho phép Liên danh thực hiện các thủ tục cần thiết báo cáo Bộ Công Thương trình Chính phủ để đưa dự án vào Quy hoạch điện VIII.
Điện gió ngoài khơi là ngành công nghiệp toàn cầu non trẻ đang có nhiều đóng góp cho tăng trưởng xanh tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Với lợi thế đường biển dài hơn 3.000 km, mực nước biển thấp và tốc độ gió thổi thường xuyên cao, đặc biệt vùng phía Nam tốc độ gió trung bình ở độ cao 100m đạt hơn 7-10m trên giây... Việt Nam nổi lên là trung tâm điện gió ngoài khơi tại khu vực Đông Nam Á.
Theo các chuyên gia, việc thực hiện thành công các dự án điện gió ngoài khơi có quy mô lớn như dự án Vĩnh Phong, là vấn đề còn mới mẻ đối với Việt Nam, đòi hỏi các nhà đầu tư và các nhà phát triển phải tuân thủ nhiều tiêu chí nghiêm ngặt, và đặc biệt phải là những doanh nghiệp có kinh nghiệm chuyên môn và năng lực tài chính. Đặc biệt, họ đã có hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nhiều thập kỷ. Ở Dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong, tiêu chí này được đánh giá rất cao khi Liên danh các đối tác đầu tư Dự án đều là những doanh nghiệp có kinh nghiệm chuyên môn, năng lực tài chính và có hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nhiều thập kỷ.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Zarubezhneft là một doanh nghiệp nhà nước của Nga, đã và đang thực hiện thành công nhiều dự án ngoài khơi trong lĩnh vực dầu khí trên thế giới bao gồm cả Việt Nam từ năm 1981. Với bề dày kinh nghiệm cùng với việc đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh của mình, Công ty hiện đang tham gia vào việc phát triển năng lượng tái tạo, và trọng tâm là các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Đơn vị sản xuất chính của Công ty tại Việt Nam là Liên doanh Vietsovpetro, trong đó Zarubezhneft sở hữu 49% cổ phần của Liên danh và Petrovietnam sở hữu phần còn lại. Hiện tại, Liên doanh sở hữu một trong những cơ sở hạ tầng ven biển tốt nhất ở Đông Nam Á để xây dựng và lắp đặt các giàn khoan ngoài khơi. Với cơ sở sản xuất như vậy, cộng với đội tàu chuyên dụng đẳng cấp thế giới của Công ty DEME Offshore và kinh nghiệm dày dặn trong việc lắp đặt và xây dựng các trang trại gió ngoài khơi chính là các yếu tố thuận lợi để Dự án của Liên danh Vĩnh Phong hoàn toàn khả thi, được nhấn mạnh bằng Biên bản Ghi nhớ được ký kết gần đây giữa các bên.
Trong khi đó, Tập đoàn DEME của Bỉ có hơn 140 năm kinh nghiệm trong ngành kỹ thuật hàng hải và dịch vụ ngoài khơi, là nhà thầu thi công hàng đầu các trang điện gió trên thế giới. Công ty DEME Concessions Wind NV thành lập vào năm 2014 là một công ty con của Tập đoàn DEME và được biết đến là đơn vị đã có nhiều kết nối các nhóm đầu tư trong phát triển điện gió ngoài khơi. Hiện DEME Concessions Wind đang là một cổ đông tham gia đầu tư tại nhiều dự án ngoài khơi ở châu Âu với công suất hơn 1,5 GW, bao gồm cả các dự án đang trong giai đoạn phát triển đến các dự án giai đoạn vận hành. Trong khi đó, Công ty DEME Offshore, đơn vị thành viên của DEME Concessions, đã có bề dày kinh nghiệm với việc lắp đặt hơn 75 trang trại điện gió ngoài khơi, chiếm 30% tổng số móng ngoài khơi và 40% tổng số tuabin gió trên toàn thế giới.
Ông Alain Bernard – Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty DEME Concessions Wind NV cho biết: “Các thành viên của Liên danh Dự án Vĩnh Phong cùng với đông đảo các chuyên gia Việt Nam và quốc tế tin tưởng sâu sắc rằng Dự án Điện gió Ngoài khơi Vĩnh Phong nên được xem xét là dự án trang trại điện gió ưu tiên trong Quy hoạch điện VIII và đây có thể là dự án điện gió ngoài khơi được hoàn thành đầu tiên ở Việt Nam”.
Tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong hồi tháng 4 vừa qua, ông S.I. Kudryashov – Tổng giám đốc Công ty CP Zarubezhneft khẳng định: “Sự hỗ trợ từ Chính phủ Liên bang Nga, cùng với kinh nghiệm của Công ty CP Zarubezhneft tại Việt Nam, khả năng tham gia độc quyền của Liên doanh Vietsovpetro và DEME Offshore, cũng như kinh nghiệm, năng lực kỹ thuật và đội tàu tiên tiến của DEME, chắc chắn sẽ mang lại cho Dự án Điện gió Ngoài khơi Vĩnh Phong những triển vọng tốt nhất để thực hiện thành công và hiệu quả”.
Đại diện Liên danh cũng bày tỏ tin tưởng, với sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, năng lực của chủ đầu tư cùng sự tham gia của các nhà thầu có nền tảng vững chắc trong lĩnh vực ngoài khơi Vietsovpetro và nhà thầu điện gió ngoài khơi hàng đầu DEME Offshore, đảm bảo rằng Vĩnh Phong không chỉ là một dự án khả thi, mà sẽ đóng vai trò là đầu tàu cho sự khởi đầu mạnh mẽ của toàn bộ ngành năng lượng ngoài khơi mới ở Việt Nam.
Trong một bài viết gần đây, ông Trần Văn, đại biểu Quốc hội khoá XII, XIII đã nhấn mạnh rằng việc phát triển điện gió ngoài khơi sẽ kéo theo hoạt động nghiên cứu và phát triển; chuyển giao, sáng tạo công nghệ năng lượng xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng. Các dự án điện gió ngoài khơi sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân cho phát triển cơ sở hạ tầng, cầu cảng, phương tiện đường biển, cũng như tạo công ăn việc làm, trong tổng thể phát triển kinh tế biển Việt Nam. Ngoài khả năng cung ứng dịch vụ khảo sát thăm dò biển và môi trường biển trong giai đoạn tiền dự án từ kinh nghiệm của ngành dầu khí, các doanh nghiệp ngành xây lắp, cơ khí chế tạo công nghệ cao, tự động hóa, số hóa, thiết kế và sản xuất trạm biến áp ngoài khơi, sản xuất thép, đóng tàu và dàn khoan trong nước khi được nhận chuyển giao công nghệ, hoàn toàn có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành một trong những nhà cung ứng thiết bị điện gió ngoài khơi lớn của khu vực.
PV
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Thúc đẩy tiến độ các dự án lưới điện cho Nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4
-
Chân chạy VPI phá kỷ lục ở VPBank Hanoi International Marathon 2024
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%