Lâu đài, nhà hàng của Khaisilk chuyển quyền tiếp quản: “Choáng” với tiềm lực “khủng” của chủ mới
Chủ mới là "ông trùm" bất động sản
Sau khi xảy ra vụ “bê bối” bán lụa Trung Quốc gắn mác Việt Nam năm 2017 thì mới đây, Tập đoàn Khaisilk đã trao lại quyền tiếp quản tòa lâu đài Tajmasago và nhà hàng Cham Charm cho Công ty TNHH Chloe Hospitality để doanh nghiệp này tiếp tục phát triển kinh doanh.
Đại diện Chloe Hospitality cho biết, đây không phải là thương vụ mua bán, chuyển nhượng dự án bất động sản giữa Chloe Hospitality và Khaisilk. Công ty Chloe Hospitality chỉ tiếp nhận quyền thuê, khai thác và không phải mua đứt bán đoạn.
“Chúng tôi chỉ muốn khai thác tòa lâu đài và nhà hàng hiệu quả hơn. Chúng tôi sẽ sửa sang, cải tạo lại vì tòa lâu đài và nhà hàng mang nặng kiến trúc cung đình tráng lệ, không còn phù hợp với nhu cầu hiện nay”, đại diện Chloe Hospitality nói.
Lâu đài Tajmasago tráng lệ và sang trọng. |
Giá trị thương vụ nói trên vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất các thủ tục thì lâu đài và nhà hàng do Khaisilk quản lý trước đây sẽ có tên mới là Chloe Gallery.
Chloe Gallery sẽ cung cấp nhiều loại hình dịch vụ như ẩm thực cho những sự kiện của giới kinh doanh, hội nghị, chiêu đãi, yến tiệc, du thuyền trên sông, trình diễn sản phẩm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tòa lâu đài Tajmasago và nhà hàng Cham Charm cũng chỉ là hai dự án mà Khaisilk thuê lại và khai thác từ Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Khaisilk không phải là chủ sở hữu của hai dự án này. Sau những “bê bối” bán lụa “dỏm” năm 2017, Khaisilk ngay lập tức bị “sa lầy” trong kinh doanh vì người tiêu dùng quay lưng.
Chloe Chloe Hospitality dù là đơn vị mới thành lập, thế nhưng đứng đằng sau doanh nghiệp “non trẻ” này là những nhân tố có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành kinh doanh bất động sản hạng sang.
Theo thông tin từ Cổng đăng kí doanh nghiệp quốc gia, Công ty TNHH Chloe Hospitality thành lập ngày 6/9/2018, có vốn điều lệ 36 tỷ đồng. Trụ sở tại số 6 Phan Văn Chương (phường Tân Phú, quận 7). Đây cũng chính là địa chỉ của tòa lâu đài TajmaSago.
Nhà hàng Cham Charm đẳng cấp, điểm đến của những bữa tiệc xa hoa |
Ban đầu, người đại diện theo pháp luật của Chloe Hospitality là bà Bùi Thị Vân Anh (SN 1970) với chức vụ Tổng giám đốc. Đến ngày 13/12, Chloe Hospitality công bố thay đổi thông tin và người đại diện mới theo pháp luật là Tổng giám đốc Đào Ngọc Bảo Phương (SN 1994).
Công ty đăng kí 41 ngành nghề kinh doanh, trong đó kinh doanh bất động sản là ngành kinh doanh “mũi nhọn”, song song đó là kinh doanh đồ uống, buôn bán, bảo dưỡng ô tô, xe máy, thiết bị linh kiện viễn thông, chiếu phim…
Một điều thú vị và gây bất ngờ cho nhiều người là chủ sở hữu của Chloe Hospitality chính là Công ty Cổ phần đầu tư Địa ốc Bến Thành do ông Nguyễn Cao Trí (SN 1970) làm Chủ tịch HĐQT. Ông Trí cũng chính là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Capella Holdings với chức năng kinh doanh chính là phát triển hệ thống ẩm thực và giải trí (F&B Hospitality).
Hiện Capella Holdings đang sở hữu các thương hiệu nổi tiếng gồm: Chill Sky Bar, Air 360 Sky Bar; Trung tâm Hội nghị Tiệc cưới Riverside Palace, Claris Palace, Capella Park View, Capella Gallery Hall; hệ thống nhà hàng San Fo Lou (món Hoa), Sorae (món Nhật), Dì Mai (món Việt).
Ngoài phát triển hệ thống F&B, Capella Holdings còn tham gia mở rộng kinh doanh trong ngành bất động sản với cao ốc The One Saigon, ngành bán lẻ tiêu dùng, y tế, giáo dục, nông nghiệp kỹ thuật cao và nhiều lĩnh vực khác để trở thành một tập đoàn phát triển đa ngành.
Không gian bên trong nhà hàng Cham Charm. |
"Một thời đã xa" của Khaisilk
Lâu đài TajmaSago và Nhà hàng Cham Charm trước đây thuộc quyền khai thác của Khaisilk, đứng đầu là doanh nhân Hoàng Khải. Ông Hoàng Khải còn là chủ một số nhà hàng cao cấp tại TPHCM như Au Menoir de Khai, Ming Dynasty, Nam Phan; Cham Charm, Trois Pommes; London Steak House, Khai’s Brothers và That’s Café, trung tâm thương mại cao cấp có tên Saigon Paragon....
Tajmasago là tòa lâu đài trắng được xây dựng mô phỏng theo lối kiến trúc của vùng Marrakech với màu sắc chủ đạo là trắng - đen nằm tại bờ Hồ Bán Nguyệt của Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Sau hai năm xây dựng với hơn 1.000 công nhân làm việc, tòa nhà này bắt đầu đi vào hoạt động cuối tháng 5/2012. Tòa nhà có tổng vốn đầu tư tới 15 triệu USD với 19 phòng trong đó có một phòng President Suite diện tích tới 260m2. Điểm đặc biệt của tòa lâu đài này là trong khuôn viên vườn chỉ trồng một loài cây duy nhất là huyết dụ.
Doanh nhân Hoàng Khải, ông chủ của Tập đoàn Khaisilk bị “sa lầy” trong kinh doanh vì bê bối bán lụa “dỏm”. |
Ông Hoàng Khải là người đã gây dựng nên "đế chế" Khaisilk, khởi nguồn là một cửa hàng thêu gia đình cuối thập niên 80.
Đầu những năm 2.000, ông Hoàng Khải Nam tiến, đầu tư sang lĩnh vực nhà hàng và khách sạn hạng sang với nhiều thương hiệu cao cấp như Au Menoir de Khai, Hội An Riverside, Sài Gòn Paragon....
Cuối tháng 10/2017, Khaisilk đối mặt với khủng hoảng nặng nề, khi một khách hàng phản ánh mua khăn lụa không đúng xuất xứ trên nhãn mác. Ông Hoàng Khải cũng thừa nhận với truyền thông có bán lụa Trung Quốc và gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng.
Ngay sau đó, Bộ Công Thương tổ chức kiểm tra, kết luận những sai phạm của Khaisilk và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Các địa điểm kinh doanh của Khaisilk cũng đồng loạt dừng hoạt động sau đó một thời gian.
Theo Dân trí
-
Bài 3: Để phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi một cách hợp lý
-
Tin tức kinh tế ngày 25/10: Thu ngân sách cả năm 2024 ước tăng trên 10%
-
[Infographic] Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm
-
Lo ngại bị đối xử thiếu bình đẳng trong dự thảo quy định hoàn thuế GTGT
-
Giá vàng hôm nay (25/10): Tăng trở lại