Lần đầu trong lịch sử: Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng vượt 10 tỷ USD
Mốc quan trọng 1.000 điểm đang ngày một gần khi chỉ số VN-Index tăng điểm phiên thứ 7 liên tiếp trong ngày giao dịch ngày 22/8. Chỉ số tăng nhẹ 2,88 điểm tương đương lên 0,29% lên 997,26 điểm. Còn HNX-Index cũng tăng 0,49 điểm tương ứng 0,47% lên 103,5 điểm.
Tuy vậy, trên quy mô thị trường, số liệu thống kê vẫn cho thấy số lượng mã giảm giá có phần nhỉnh hơn so với mã tăng: Có 316 mã giảm, 40 mã giảm sàn so với 306 mã tăng và 38 mã tăng trần. Nói cách khác, thị trường tăng trong trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng”, chủ yếu dựa vào lực kéo của các mã vốn hoá lớn.
Tại sàn HSX, chỉ riêng cổ phiếu VIC của Vingroup đã đóng góp tới 3,65 điểm cho VN-Index. Mức đóng góp của VIC thậm chí còn lớn hơn cả biên độ tăng của chỉ số.
Quy mô vốn hoá của VIC đã vượt xa phần còn lại của thị trường |
Thêm vào đó, MSN, VJC, BVH, ROS, VNM cũng tăng giá đã giúp bù đắp được thiệt hại từ tình trạng giảm diễn ra tại MWG, SAB, GAS, BID, CTG, PNJ…
Tại sàn HNX cũng tương tự, chỉ riêng ACB đã mang lại cho HNX-Index tới 0,65 điểm, mức đóng góp lớn hơn cả mức tăng của chỉ số.
Thanh khoản sụt giảm so với phiên trước, đạt 152,99 triệu cổ phiếu tương ứng 3.807,56 tỷ đồng trên HSX và 19,84 triệu cổ phiếu tương ứng 321,34 tỷ đồng trên HNX.
Trong phiên hôm qua, với mức 3.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng 3,02% lên 126.100 đồng, cổ phiếu VIC không chỉ đóng góp mạnh mẽ cho đà tăng VN-Index như đề cập ở trên mà còn thiết lập mức đỉnh mới của cổ phiếu này trong lịch sử kể từ khi VIC được niêm yết trên sàn (tính theo giá điều chỉnh).
Tại mức thị giá hiện nay của VIC, giá trị vốn hoá Vingroup trên sàn đã lên tới gần 422.000 tỷ đồng, bỏ xa hoàn toàn so với phần còn lại của thị trường.
Đây cũng là lý do mà biến động giá của VIC tác động rất đáng kể đến VN-Index. Trong khi nhiều cổ phiếu giảm và không ít nhà đầu tư thua lỗ thì với diễn biến tích cực của VIC, chỉ số VN-Index vẫn đang không ngừng nối tiếp mạch tăng của mình.
Ông Phạm Nhật Vượng |
Và với mức giá của VIC như hiện nay, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup trên sàn chứng khoán (bao gồm cả lượng nắm giữ trực tiếp và gián tiếp) đã lên tới 235.200 tỷ đồng (khoảng 10,1 tỷ USD), đánh dấu lần đầu tiên vượt ngưỡng 10 tỷ USD.
Thậm chí, giá trị tài sản của ông Vượng còn vượt qua cả giá trị vốn hoá nhiều công ty lớn trên sàn như Vinamilk (vốn hoá 215.931 tỷ đồng); PV GAS (200.199 tỷ đồng); ACV (176.995 tỷ đồng); Sabeco (176.994 tỷ đồng)…
Theo nhận định của BVSC, VN-Index dự báo sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận vùng kháng cự 998-1000 điểm trong phiên kế tiếp. Tại đây, thị trường có thể sẽ vấp phải áp lực điều chỉnh về vùng 986-990 điểm trong những phiên tiếp theo.
Trong kịch bản tích cực, chỉ số tiếp tục vượt qua ngưỡng 1.000 điểm, xu hướng đi lên của thị trường sẽ được củng cố với vùng giá mục tiêu tiếp theo nằm tại 1.014-1.020 điểm trong ngắn hạn.
Diễn biến phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra theo từng dòng cổ phiếu, thậm chí sự phân hóa còn xảy ra trong cả các nhóm ngành cụ thể. Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 45-50% cổ phiếu trong giai đoạn này. Có thể xem xét bán chốt lời một phần các vị thế ngắn hạn khi thị trường tiếp cận vùng kháng cự 1.000-1.005 điểm.
Hoạt động mua lại các vị thế đã bán hoặc mở vị thế mua mới chỉ nên thực hiện trong các phiên thị trường điều chỉnh và tại các vùng hỗ trợ cụ thể của từng cổ phiếu.
Theo Dân trí
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Thúc đẩy tiến độ các dự án lưới điện cho Nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4
-
Chân chạy VPI phá kỷ lục ở VPBank Hanoi International Marathon 2024