Lần đầu tiên sản xuất công nghiệp giảm mạnh trong 4 năm trở lại đây
Sản xuất công nghiệp tháng 11: Tốc độ tăng thấp nhất tính từ đầu năm |
Ngành công nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 4 năm trở lại đây |
Cấp bách tiết giảm năng lượng trong sản xuất công nghiệp |
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 4/2020 đã giảm tới 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm khá mạnh và thậm chí còn là mức giảm duy nhất của tháng 4 trong giai đoạn 2016-2020 do tác động của dịch bệnh.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 các năm từ 2016-2020 lần lượt tăng 7,3%; 10,9%; 5,3%; 9% và âm 10,5%. Nhìn vào dãy số liệu này, có thể thấy, tác động khủng khiếp của Covid-19 tới nền kinh tế như thế nào, đặc biệt vào thời điểm Việt Nam thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 giảm mạnh, song nếu tính chung 4 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp vẫn tăng so với cùng kỳ. Chỉ có điều, mức tăng này chỉ là 1,8%, thấp nhất trong nhiều năm qua.
Sản xuất công nghiệp giảm mạnh do cắt giảm lao động trong mùa dịch Covid-19 |
Phân tích sâu hơn, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4/2020 ước tính giảm 13,3% so với tháng trước và giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 10,7%; ngành chế biến, chế tạo giảm 11,3%; sản xuất và phân phối điện giảm 6,9%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2%.
Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 3%, đóng góp 2,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,9%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,6%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,8%, làm giảm 1,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Theo Tổng cục Thống kê, trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, tình trạng thiếu nguyên liệu nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất đã gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp.
Chính vì vậy, trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước.
Chẳng hạn, sản xuất xe có động cơ giảm 14,2%; sản xuất đồ uống giảm 13,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,8%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 9,3%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 8,8%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 8,2%; sản xuất trang phục giảm 6,3%; sản xuất thiết bị điện giảm 3,6%...
Nhưng ngược lại, một số ngành lại có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khá. Ví dụ, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 25,9%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 16,9% (sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 18%); khai thác quặng kim loại tăng 16,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,7%...
Cũng không nằm ngoài dự đoán, nhiều ngành công nghiệp chủ lực đã giảm mạnh sản xuất. Ngành bia giảm tới 24,1%, ngành ô tô giảm 23,8%, xe máy giảm 16,6%...
Sản xuất công nghiệp giảm mạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và tác động tới việc làm, thu nhập của người dân.
Tổng cục Thống kê nhận định, sản xuất công nghiệp tháng 4/2020 sụt giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19 đã làm cho phần lớn các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động.
Cụ thể, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/4/2020 giảm 1,1% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,6% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2019 tăng 2,3%).
Số lượng lao động mất việc làm càng lớn, hệ lụy tới xã hội càng cao. Và đây là điều rất đáng lưu tâm.
Nguyễn Hưng
-
Giá vàng hôm nay (24/10): Thị trường thế giới giảm trước áp lực chốt lời
-
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Tạo cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
-
Giá vàng hôm nay (23/10): Đồng loạt tăng
-
[Infographic] Ô tô nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam
-
Giá vàng hôm nay (22/10): Thị trường thế giới tiếp đà leo dốc