Làm thế nào để vàng thành vốn cho nền kinh tế?
Cuối tuần trước, giá vàng thế giới tăng lên mức kỷ lục gần 1.590USD/Oz do khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tung ra gói kích thích tiếp theo, cộng với khủng hoảng nợ châu Âu trầm trọng hơn khiến vàng duy trì đà tăng dài nhất trong 5 năm. Cùng với đà tăng của giá vàng thế giới đã kéo theo giá vàng trong nước lên cao. Mặc dù giá vàng sáng 14/7 đã đạt đỉnh trên 39 triệu đồng/lượng nhưng theo ông Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm vàng ACB, trên thực tế giá vàng trong nước đang rẻ hơn vàng quốc tế khoảng 450.000 đồng/lượng.
Tuy nhiên, người dân thấy mức giá đã có lời nên lượng vàng bán ra mạnh, nhiều công ty kim hoàn đã mua được khối lượng vàng lớn. Ví dụ, Công ty Sacombank (SBJ) đã thu mua được trên 6.000 lượng vàng trong ngày 14/7 và 9.000 lượng trong ngày 13/7; Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) trong ngày 14/7 cũng mua vào được hơn 3.000 lượng trong khi lượng vàng bán ra chỉ khoảng 400 lượng.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện giá vàng trên thế giới cao là một cơ hội tốt để Việt Nam xuất khẩu vàng thu lại nguồn ngoại tệ bổ sung vào Quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang rất thấp. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, dự trữ ngoại hối đến cuối tháng 6 vào khoảng 10 tỉ USD, xấp xỉ 5 tuần nhập khẩu. Mặc dù đã có mức tăng đáng kể so với thời điểm đầu năm 2011, nhưng đây vẫn là con số rất thấp so với mức 23,5 tỉ USD dự trữ vào thời điểm đầu năm 2008.
Bên cạnh đó, các nguồn ngoại tệ để bù đắp cho cán cân thương mại như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư gián tiếp (FII) có xu hướng giảm so với cùng kỳ. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 5,66 tỉ USD, bằng 56,7% so với cùng kỳ 2010. Bên cạnh đó, FII cũng giảm rất mạnh khi FII tính chung 6 tháng đầu năm 2011 chỉ đạt gần 400 triệu USD, thấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng kiều hối cũng giảm mạnh ước tính chưa đến 2 tỉ USD trong quý II/2011 so với gần 2,5 tỉ USD trong quý I/2011.
Trong khi đó, tính đến tháng 6, nhập siêu ước khoảng 6,5 tỉ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ trong đó, nhập siêu 4 tháng liên tiếp trước đó đều vượt con số 1 tỉ USD và cao nhất là tháng 4, tháng 5 và giảm trong tháng 6. Sự cải thiện này chủ yếu do hoạt động tái xuất vàng trong tháng 6 tăng mạnh đã đóng góp hơn 600 triệu USD khiến tỉ lệ nhập siêu giảm mạnh. “Rõ ràng, việc tái xuất vàng mang lại lợi ích không nhỏ cho nền kinh tế là điều mọi người nhìn thấy được”, một chuyên gia kinh tế nhận xét.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam cho biết: 6 tháng đầu năm 2011, lượng vàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng 1/3 của các năm trước và thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như: Thái Lan, Campuchia, Hongkong, Singapore… Nguyên nhân chủ yếu là chính sách hạn chế xuất khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước và quy định áp dụng mức thuế xuất khẩu 10% đối với vàng trang sức có hàm lượng trên 99% và trọng lượng mỗi sản phẩm trên 1Oz đã làm các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng không thể xuất khẩu sản phẩm của mình như mong muốn.
Ông Hùng lý giải, để xuất khẩu có lợi nhuận, các doanh nghiệp phải làm các sản phẩm trang sức có hàm lượng vàng từ 98% đến 98,5% và trọng lượng mỗi sản phẩm không quá 1Oz (8,3 chỉ) với chi phí tăng gấp 20 lần so với các sản phẩm vàng trang sức xuất khẩu trước đây. Thậm chí, nếu xuất khẩu vàng trang sức với hàm lượng thấp tuổi hơn có thể còn bị thua lỗ. Cũng chính vì những quy định ngặt nghèo về thuế xuất khẩu vàng của Bộ Tài chính nên để sản xuất được một lô hàng xuất khẩu có thuế xuất 0% thì doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng lâu hơn, trả lãi suất vay nhiều hơn, đầu tư cho nhân công, tiêu hao điện năng nhiều hơn, chu kỳ quay vòng vốn dài hơn nên không phải doanh nghiệp nào cũng xuất khẩu được. Từ đó dẫn đến lượng vàng xuất khẩu giảm đi là tất yếu.
Giải pháp tốt nhất cho vấn đề này theo ông Khanh đó là, phải có chính sách khuyến khích xuất khẩu vàng bằng các quy định về thuế xuất hợp lý. “Một lượng vàng lớn tương đương mấy chục tỉ USD nếu không có những chính sách và biện pháp hữu hiệu để huy động nguồn tài chính khổng lồ này vào phát triển kinh tế thì sẽ là một sự lãng phí rất lớn cho quốc gia”, ông Hùng nhấn mạnh.
Reuters dự báo, giá vàng có thể lên đến mức 1.613USD/Oz trong vài phiên tới.
An Thu
-
Tin tức kinh tế ngày 24/11: Việt Nam tăng nhập khẩu hàng điện tử Trung Quốc
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Tin tức kinh tế ngày 22/11: Thép nhập khẩu giá rẻ liên tiếp "đổ" về Việt Nam
-
Tin tức kinh tế ngày 21/11: Ngân hàng dồn dập tăng lãi suất
-
Tin tức kinh tế ngày 20/11: Xuất khẩu cá ngừ lập đỉnh 2 năm
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên
-
Giá dầu hôm nay (20/11): Dầu thô ổn định trong phiên
-
VPI dự báo giá xăng dầu tiếp tục giảm từ 0,3 - 1,6% trong kỳ điều hành ngày 21/11