Kinh tế chia sẻ: Các xu hướng và tác động tới nền kinh tế Việt Nam
Toàn cảnh hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nhấn mạnh: Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho mô hình kinh tế chia sẻ có nhiều bước đột phá tại môi trường kinh doanh trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, kinh tế chia sẻ mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây. Chính phủ đã thống nhất xây dựng Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức xây dựng đề án, bảo đảm tính khoa học, khả thi, đúng hướng để phát triển nền kinh tế chia sẻ bền vững tại Việt Nam.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng chỉ ra rằng, kinh tế chia sẻ có thể làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, tiềm ẩn những rủi ro mà nhà quản lý cần phải quan tâm để đảm bảo lợi ích của cả người mua và người bán, cũng như nảy sinh các vấn đề giữa doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, vấn đề thu thuế phát sinh từ hoạt động dịch vụ, vấn đề đo lường và tích hợp trong tài khoản kinh tế quốc gia...
Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng: “Cần phải xây dựng các chính sách mới hoặc điều chỉnh các chính sách hiện hành để đạt mục tiêu phát huy những lợi ích của kinh tế chia sẻ, đặc biệt là việc thúc đẩy các tiến bộ khoa học cộng nghệ góp phần nâng cao hiệu quả của nền kinh tế và giảm thiểu các hiệu ứng tiêu cực của kinh tế chia sẻ là hết sức cần thiết”.
Đại biện lâm thời Đại sứ quán Australia tại Việt Nam Rebecca Bryant phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Australia tại Việt Nam Rebecca Bryant cho biết, Việt Nam đang có cơ hội thu lợi nhuận, hưởng lợi từ xu hướng kinh tế chia sẻ. Bà Rebecca Bryant khẳng định Chính phủ Australia sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý mô hình kinh tế chia sẻ để giúp Việt Nam theo kịp với xu thế phát triển kinh tế chia sẻ của thế giới, tận dụng lợi thế của kinh tế chia sẻ để phát triển nền kinh tế.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trình bày tham luận tại hội thảo |
Tham luận tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lưu ý: Bản chất của kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh mới, tận dụng lợi thế của công nghệ số, qua đó tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuệ Anh cho rằng, bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới đang có dấu hiệu chững lại, kinh tế chia sẻ vẫn sẽ phát triển mạnh mẽ. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này với sự nở rộ của dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ. Theo khảo sát, cứ 4 người Việt Nam được hỏi thì có 3 người cho biết họ thích ý tưởng về mô hình kinh doanh này và 76% cho biết sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuệ Anh lấy thí dụ về sự phát triển nhanh chóng thời gian qua như dịch vụ vận tải trực tuyến (Uber, Grab…) đang được thí điểm tại một số thành phố lớn, dịch vụ du lịch và khách sạn (Airbnb, VRBO, Triip.me), dịch vụ lao động, việc làm, dịch vụ tài chính… Đồng thời, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết, doanh thu toàn cầu từ các công ty cung cấp nền tảng ứng dụng kinh tế chia sẻ đạt 15 tỷ USD vào năm 2014 (theo Pwc, UK), và dự báo sẽ đạt đến 335 tỷ USD vào năm 2025 - tăng gấp 22 lần trong vòng 10 năm.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuệ Anh đánh giá: Kinh tế chia sẻ đã tạo ra những cơ hội cho Việt Nam như tạo ra một phương thức kinh doanh mới, mở ra cơ hội kinh doanh mới dựa trên nền tảng số, ứng dụng công nghệ 4.0; thị trường cạnh tranh hơn và loại hình dịch vụ đa dạng hơn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng; mở ra cơ hội đầu tư, tạo việc làm cho người lao động, tăng thêm thu nhập; tiết kiệm tài nguyên, tận dụng tối đa công suất tài sản dư thừa, bảo vệ môi trường; giảm các chi phí giao dịch trong hoạt động kinh doanh; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam.
Kinh tế chia sẻ đã tạo ra cơ hội cải cách bộ máy hành chính theo hướng chính phủ số và thúc đẩy cải cách thể chế nhằm phát triển nền kinh tế số và tham gia cách mạng công nghiệp 4.0.
Các đại biểu tham gia tọa đàm chia sẻ tại hội thảo. |
Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia kinh tế Việt Nam và Australia đã trình bày các tham luận, tham gia phiên tọa đàm nhằm đánh giá lợi ích xu hướng kinh tế chia sẻ toàn cầu, cơ hội và thách thức của kinh tế chia sẻ tại Việt Nam, dự báo kinh tế số tại Việt Nam cũng như đề xuất một số khuyến nghị đối với Chính phủ và các cơ quan chức năng quản lý tốt hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và khai thác tối đa tiềm năng của mô hình này, qua đó giúp nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nguyễn Hoan
-
Tin tức kinh tế ngày 7/9: Nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng tích cực
-
Một số điểm sáng kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2024
-
Không để giá vàng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế
-
Nhiều cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam
-
Phân tích tác động của các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga lên thị trường năng lượng
-
Tin tức kinh tế ngày 26/10: Nợ nước ngoài của Chính phủ giảm nhanh
-
Thiếu hụt khung pháp lý - Rào cản giảm tốc hình thành thị trường carbon
-
Online Friday 2024: Lan tỏa giá trị hàng Việt Nam trên nền tảng số
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 21/10 - 26/10
-
Giá vàng hôm nay (26/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh