Khuyến khích phát triển diện tích trồng ca cao
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, cây ca cao phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở nước ta. Đồng thời, loại cây trồng này không chiếm nhiều diện tích đất của các cây trồng khác vì đặc tính của cây ca cao là ưa bóng râm nên trồng xen với các loại cây trồng khác sẽ cho năng suất cao hơn, tăng hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế.
Hiện nay, bên cạnh các vườn trồng ca cao thuần thì phần lớn cây ca cao được trồng xen với các cây trồng khác như: dừa, điều, sầu riêng, cà phê... Trong những năm qua, với sự khuyến khích của Chính phủ về phát triển cây ca cao, diện tích trồng ca cao cũng tăng lên nhanh chóng. Đến nay, tổng diện tích ca cao cả nước khoảng 20.600 ha, trong đó diện tích thu hoạch khoảng 7.000 ha, năng suất bình quân 0,7 tấn/ha.
Cây ca cao đang được ngành nông nghiệp khuyến khích phát triển
Mặc dù, diện tích trồng cây ca cao gia tăng trong những năm qua và hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này cũng khá cao, tuy nhiên, tốc độ phát triển cây ca cao trồng thuần ở địa phương vẫn chậm do năng suất cây ca cao còn thấp, hiệu quả kinh tế không cao bằng các loại cây: cao su, cà phê, hồ tiêu… nên chưa hấp dẫn sự đầu tư của nông dân.
Nguyên nhân làm năng suất cây ca cao thấp, do các hộ nông dân chưa đầu tư đúng mức cho loại cây trồng này, tỷ lệ cây ca cao được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật chỉ khoảng 20%, còn đa phần ca cao chỉ được coi là cây trồng phụ, nhằm tăng hiệu quả kinh tế trong các vườn cây trồng khác nên không được tập trung đầu tư.
Hiện nay, diện tích trồng cây ca cao không nhiều nhưng có rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước thu mua ca cao, thị trường tiêu thụ của ca cao cũng còn rất lớn. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang có quy hoạch tổng thể để nâng diện tích trồng ca cao, phối hợp với tổ chức ca cao thế giới (WCF), giới thiệu hệ thống nông lâm bền vững, đa dạng dựa trên cây ca cao và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào loại cây trồng này.
Theo quy hoạch, diện tích ca cao của nước ta đến năm 2015 là 35.000 ha và đến năm 2020 đạt 50.000 ha, tập trung tại các tỉnh: Bình Phước, Bến Tre, Đăk Lăk, Đăk Nông, Tiền Giang, Bà Rịa Vũng Tàu. Hiện nay, các doanh nghiệp và nông dân trồng ca cao đang hướng đến gia tăng diện tích, năng suất và hướng đến việc sản xuất ca cao sạch để nâng cao giá trị hạt ca cao của nước ta.
Tỉnh Lâm Đồng, đang phấn đấu đạt hơn 5.000 ha cây ca cao vào năm 2020. Để thực hiện việc này tỉnh đang đẩy thực hiện chương trình “Phát triển ca cao bền vững tại nông hộ”, xác lập vùng và triển khai các quy trình sản xuất cây ca cao giống, xây dựng các vườn ươm cây ca cao giống đầu dòng, các biện pháp phòng trừ dịch hại, xây dựng mô hình lên men hạt ca cao… và xúc tiến đầu ra cho sản phẩm ca cao hàng hóa.
Mai Phương
-
Giá khí đốt châu Âu tăng cao khi Israel chuẩn bị trả đũa sau cuộc tấn công
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới ổn định ngày đầu tuần
-
Giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: Còn nhiều bất cập
-
Giá vàng hôm nay (21/10): Đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tuần
-
BP bán cổ phần trong hoạt động kinh doanh gió ngoài khơi