Khu kinh tế Vân Phong và cơ hội phát triển chuỗi giá trị dầu khí
Với tổng diện tích khoảng 150 nghìn héc-ta (70 nghìn héc-ta mặt đất và 80 nghìn héc-ta mặt nước), Khu kinh tế Vân Phong được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 92/2006/QĐ-TTg ngày 25/4/2006 với tính chất là Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực; trong đó có cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế khác.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xem xét phương án phát triển đô thị biển, khu du lịch trọng điểm trong khu vực, quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong. |
Là trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước; Khu kinh tế Vân Phong tập trung chủ yếu tại hai khu vực: Nam Vân Phong (thuộc khu vực thị xã Ninh Hòa) và Bắc Vân Phong (thuộc khu vực huyện Vạn Ninh). Đặc biệt, vịnh Vân Phong cũng là cửa ngõ thông ra các Lô dầu khí 124 (ENI là Người điều hành), 125 và 126 (SOCO là Người điều hành) có tiềm năng cao về dầu khí; đem lại cơ hội rất lớn về phát triển chuỗi giá trị khai thác, lọc hóa dầu, sản xuất hydrogen, kho LNG và điện khí; đồng thời kết nối, tận sử dụng các hạ tầng hiện hữu như kho ngoại quan xăng dầu Vân Phong.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác khảo sát công trình trọng điểm tại khu vực Khu kinh tế. |
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng thảo luận với Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa về Quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong và cơ hội Petrovietnam tham gia đầu tư tại địa phương. |
Ngoài ra, với tiềm năng điện gió ngoài khơi khoảng 2.000 MW, Khánh Hòa cũng là địa bàn mở ra cơ hội đầu tư phát triển hiệu quả điện gió ngoài khơi cho Tập đoàn.
Đây cũng là các nội dung mà Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đã trao đổi với Lãnh đạo Tỉnh ủy Khánh Hòa trong buổi làm việc giữa hai bên ngày 15/2/2022; phù hợp với chiến lược phát triển của Tập đoàn cũng như định hướng về xây dựng chuỗi giá trị trong lĩnh vực năng lượng từ khâu khai thác tới chế biến sâu sản phẩm, phát triển điện khí… nhằm tạo ra giá trị sử dụng tài nguyên cao nhất cũng như xanh hóa ngành công nghiệp năng lượng của nước nhà.
Xuân Phúc