Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên - Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại
Di sản văn hóa Thế giới Mỹ Sơn - Dấu tích của nền văn minh đã mất |
Xòe Thái - Niềm tự hào của cộng đồng dân tộc Thái |
Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên - Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.//gn-ix.net/ |
Vào ngày 25 tháng 11 năm 2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là một trong hai di sản được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại, sau Nhã nhạc cung đình Huế.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bana, Xêđăng, Mnông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Giarai...
Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên gồm nhiều thành tố: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng (Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng Bến nước...), những địa điểm tổ chức các lễ hội đó (nhà dài, nhà rông, nhà gươl, rẫy, bến nước, nhà mồ, các khu rừng cạnh các buôn làng Tây Nguyên...).
Mỗi dân tộc đều có những bản nhạc cồng chiêng riêng để diễn tả vẻ đẹp thiên nhiên, khát vọng của con người. Và mỗi vùng miền lại có những đặc trưng riêng của cồng chiêng. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ, hoặc dùng theo dàn, theo bộ từ 2 đến 12 chiếc, cũng có bộ 18 đến 20 chiếc như bộ chiêng của người Giarai.
Cồng chiêng không phải là nhạc cụ đơn thuần, nó còn là một khí cụ linh thiêng, một ngôn ngữ kỳ diệu, là thông điệp giữa người và thần linh trong văn hóa truyền thống và tín ngưỡng đa thần của đồng bào Tây Nguyên.
Theo quan niệm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Cồng chiêng còn là tài sản quý giá, biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có.
Đặc biệt, không phải lúc nào cũng có thể đánh cồng chiêng và không phải trong nghi lễ nào cũng sử dụng cồng chiêng. Trong gia đình, chỉ có chủ nhà mới được quyền lấy cồng chiêng để sử dụng, người lạ không được phép sờ vào khi chưa có sự đồng ý của gia chủ.
Cồng chiêng của làng thì chỉ có già làng mới cho phép đánh trong các lễ hội, nếu làm thần linh nổi giận, gia đình và làng sẽ gặp tai họa như mất mùa, bệnh tật. Vào những ngày thường, không có lễ hội, tuyệt đối không đánh cồng chiêng, vì đánh cồng chiêng lúc này sẽ làm kinh động đến thần linh, trời đất.
Việc cất giữ cồng chiêng cũng phải tuân thủ theo luật tục. Khi treo cồng chiêng, bụng phải ngửa lên trên, núm tựa vào vách.
Ngày nay, không gian văn hóa cồng chiêng của các cộng đồng dân tộc bản địa có nhiều biến đổi, nhiều phong tục tập quán, nghi lễ, lễ hội bị phai nhạt, quên lãng. Nhưng có một sự thật không thể thay đổi là cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất cũng như những giá trị về nghệ thuật từ lâu đã được khẳng định trong đời sống xã hội mà còn là kết tinh của hồn thiêng sông núi qua bao thế hệ. Là "tiếng nói" của con người và của thần linh theo quan niệm "vạn vật hữu linh".
Kim Anh (T/h)