Bài 4: Tiên phong, dẫn dắt trong phát triển công nghiệp văn hóa
Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa đa dạng
Những năm qua, Đảng bộ TP Hà Nội đã không ngừng tổ chức triển khai, tạo bước đột phá, điểm nhấn trọng tâm khơi thông dòng mạch cho nhiệm vụ phát triển văn hóa và con người. Cách đây đúng 5 năm, ngày 30/10/2019 đã trở thành một ngày thật đặc biệt với Thủ đô Hà Nội, cho thấy tầm nhìn chiến lược trong việc phát triển văn hóa, con người Thủ đô trong bối cảnh mới khi Hà Nội vinh dự là một trong 246 thành phố chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO với lĩnh vực thiết kế.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO không chỉ nâng cao sự công nhận Hà Nội như một trung tâm văn hóa và sáng tạo hàng đầu trong khu vực, mà còn khẳng định thành phố là một kinh đô sáng tạo nổi bật ở Đông Nam Á.
Biểu diễn nghệ thuật trong chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” diễn ra tại khu vực Tượng đài Vua Lý Thái Tổ - Hà Nội. Ảnh: Công Hùng |
Đây là cơ hội vàng để Hà Nội thổi hồn sáng tạo vào từng bước phát triển, tạo nên dấu ấn độc đáo và động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của Thủ đô trong tương lai gần. “Hà Nội rất sáng tạo! Sự sáng tạo của Hà Nội bắt nguồn từ lịch sử của thành phố này” - đó là lời của nhiều chuyên gia văn hóa, người yêu Hà Nội khi chứng kiến văn hóa sáng tạo thấm đẫm trong mọi hoạt động, từ việc thích nghi với điều kiện tự nhiên, đến sự hình thành các làng nghề, phố nghề, những biểu tượng Khuê Văn Các, Tháp Bút, những công trình nghệ thuật tồn tại ở khắp ngõ ngách của Thủ đô.
Tinh thần sáng tạo đã truyền cảm hứng cho các hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt là nỗ lực đổi mới các hoạt động văn hóa nghệ thuật ở Thủ đô. “Đêm thiêng liêng” ở Khu di tích nhà tù Hỏa Lò, tour đêm với công nghệ 3D mapping với chủ đề “Tinh hoa đạo học”, hay tour đêm giải mã Hoàng thành Thăng Long... ra đời mang đến những trải nghiệm mới mẻ, được công chúng nhanh chóng đón nhận. Đặc biệt là sự sinh động, sáng tạo trong việc tổ chức các tuần lễ thiết kế sáng tạo, tuần lễ du lịch áo dài, lễ hội quà tặng du lịch... với hàng loạt các hoạt động, triển lãm đi kèm, đã tạo nên sức sống mới cho văn hóa Thủ đô.
Hà Nội đã dần trở thành điểm đến hàng đầu của các sự kiện nghệ thuật quốc tế. Nếu như lễ hội âm nhạc quốc tế Monsoon Gió mùa, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội được tiếp tục với quy mô và chất lượng ngày càng tốt hơn, thu hút được sự quan tâm của nghệ sĩ tên tuổi ở trong và ngoài nước, thì các sự kiện biểu diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink hay nghệ sĩ hàng đầu thế giới Kenny G... thực sự đã giúp Hà Nội đánh dấu tên mình là một trong những điểm đến cho nghệ thuật quốc tế ở khu vực và trên phạm vi toàn cầu.
Trước khi Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo về thiết kế, Hà Nội đã và đang tiếp tục triển khai nhiều chương trình, dự án lớn trong lĩnh vực sáng tạo thiết kế, phục vụ đời sống văn hóa của người dân. Điển hình như Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, trong hơn 3 năm đã có gần 400 sự kiện trong nước và quốc tế được tổ chức. Hay như Không gian bích họa Phùng Hưng, Hợp tác xã Vụn Art (mái nhà của người khuyết tật thiết kế tranh ghép từ những mảnh vải vụn); dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam (hoạt động thiết kế sáng tạo đương đại, kết nối thủ công mỹ nghệ truyền thống); Không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội; Không gian văn hóa Phố sách nơi hội tụ nhiều nhà xuất bản lớn và uy tín với nhiều hoạt động về văn hóa đọc, lễ hội, triển lãm, xuất bản, mua bán sách... Những không gian văn hóa này đang tiếp tục đi tìm sức sống, sức sáng tạo mới cho cộng đồng.
Hà Nội đã nỗ lực chung tay bảo tồn cả di sản vật thể và phi vật thể, qua đó nêu bật sự giao thoa giữa lịch sử của Hà Nội với những yếu tố hiện đại và đổi mới sáng tạo. Quyết tâm cao của chính quyền TP Hà Nội trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công - tư để phát triển nền công nghiệp văn hóa sáng tạo lấy giới trẻ làm nòng cốt. Có thể thấy, TP Hà Nội đã xác định rõ văn hóa là một động lực phát triển kinh tế - xã hội quan trọng. Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc, Trưởng đại diện các tổ chức của Liên Hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis |
Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh chia sẻ, năm 2018, Hiệp hội đã chọn và phối hợp với Công ty TNHH Gốm Sứ Quang Vinh là chủ đầu tư để xây dựng lên một mô hình thử nghiệm tại Làng gốm cổ Bát Tràng với tên gọi “Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt” với diện tích 3.300m2 mặt sàn trên 6 tầng. Phần ý tưởng và mục tiêu thiết kế, cũng như mục tiêu sử dụng gói trọn được thống nhất với kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, phải làm sao để công trình này là một bảo tàng mở, có câu chuyện nghề ngay từ trong kiến trúc đến toàn bộ nội hàm hoạt động.
Đến nay, công trình đã thành công và đạt được mục tiêu ý tưởng ban đầu. Không chỉ có kiến trúc độc đáo, du khách dừng chân tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt còn được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm các bàn xoay làm bằng gốm và được đi trên nền quảng trường lát bằng gạch Bát Tràng phục cổ.
Việc các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của Thủ đô kể được nhiều câu chuyện hay của nhiều đời ông cha tổ nghiệp mình đến với du khách trong nước và quốc tế, góp phần làm rạng danh cho bức tranh đẹp về bản sắc văn hóa, con người Việt Nam ta trong giai đoạn hội nhập sâu rộng với thế giới.
“Hà Nội với danh hiệu Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế, đang chứng tỏ không chỉ là một trung tâm của đổi mới sáng tạo, mà còn là một ngọn hải đăng dẫn đường cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Thành phố đang hiện thực hóa một tầm nhìn đầy cảm hứng: kết hợp sự sáng tạo hiện đại với việc gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.
Khơi dậy sức mạnh từ nguồn lực văn hóa
Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra tại Hà Nội ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng khẳng định: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới.
Nhà văn hóa cộng đồng thôn Giao Tác, xã Liên Hà, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng |
Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”. Đây là cơ sở quan trọng để Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội tiếp tục định vị và phát triển đúng đắn, bắt nhịp với hơi thở của thời đại, phấn đấu Hà Nội trở thành trung tâm của sự sáng tạo, định hướng phát triển bền vững trên cơ sở không chỉ bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, mà còn phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cho một thời đại mới.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, nhằm triển khai thực hiện chính sách kinh tế trong văn hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu khơi dậy và phát huy nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm của văn hóa đối với sự phát triển của Thủ đô, Đảng bộ Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Việc xây dựng và ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU được Thành ủy Hà Nội nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học với hai hội thảo khoa học và bốn cuộc tọa đàm, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực văn hóa cả trong nước và quốc tế.
Nghị quyết số 09-NQ/TU xác định mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, có thể đóng góp đến 8% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP vào năm 2030 và 10% GRDP của TP đến năm 2045. Việc ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa và minh chứng cho sự coi trọng văn hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Thủ đô. Đồng thời, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng bộ nhằm thích ứng với xu thế phát triển văn hóa của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Là địa phương đầu tiên ban hành nghị quyết riêng về phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong việc phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô, tạo động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần định vị thương hiệu quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Từ Nghị quyết của Thành ủy, thời gian qua, nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội như Tây Hồ, Sơn Tây, Đan Phượng, Thường Tín... đã triển khai nhiều hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa, đạt được thành công bước đầu.
Đơn cử, thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, quận Tây Hồ đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, tiếp tục khẳng định vai trò của công nghiệp văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội của quận. Với mục tiêu đó, trong những năm qua, cán bộ và Nhân dân quận Tây Hồ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phát huy tối đa những thế mạnh là thiên nhiên, lịch sử đã ban tặng cho Tây Hồ.
Hãy để công nghiệp văn hóa tiếp tục là ngọn hải đăng dẫn dắt Hà Nội đến một tương lai tươi sáng hơn, nơi mà mỗi người dân đều có thể tìm thấy sự kết nối sâu sắc với văn hóa và mỗi góc phố, mỗi sự kiện đều kể một câu chuyện đầy cảm xúc và ý nghĩa. Trong nhịp sống không ngừng chuyển động của Thủ đô, công nghiệp văn hóa sẽ mãi là nguồn cảm hứng, sức sống, làm phong phú thêm bức tranh văn hóa của Hà Nội, góp phần xây dựng một cộng đồng gắn bó và phát triển bền vững. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. |
Tại phường Phú Thượng, với mong muốn gìn giữ nghề truyền thống địa phương - nghề xôi Phú Thượng và nâng cao đời sống người dân, quận Tây Hồ đã luôn quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ làng nghề phát triển. Cụ thể, từ năm 2016, Phú Thượng được UBND TP Hà Nội công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng. Năm 2019, Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Xôi Phú Thượng”. Ngoài ra, xôi Phú Thượng đã có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao của TP Hà Nội...
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, ngành công nghiệp văn hóa đã trở thành động lực, là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, thu hút nguồn lực hợp tác đầu tư, tạo lợi thế cạnh tranh giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương. Do đó, phát huy những thế mạnh mà thiên nhiên, lịch sử đã ưu đãi cho Tây Hồ, trong thời gian tới, quận Tây Hồ sẽ tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa giàu tiềm năng là lợi thế riêng có của quận như: du lịch văn hóa; làng nghề truyền thống; không gian sáng tạo; nghệ thuật biểu diễn...
Hướng đi đúng và trúng
Với những thay đổi tích cực về chính sách, kết quả cho thấy, các hoạt động văn hóa được triển khai sáng tạo, hiệu quả và rộng khắp góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ phục hồi kinh tế Thủ đô. GRDP phục hồi và tăng trưởng mạnh, năm sau tăng hơn năm trước và tăng hơn mức tăng trưởng chung của cả nước, tỷ trọng các ngành dịch vụ tăng cao, chiếm khoảng 65% GRDP của thành phố đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Thủ đô.
Riêng ngành công nghiệp văn hóa năm 2019 đã đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn TP Hà Nội (chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của TP Hà Nội). Kết quả này cho thấy, công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội đang từng bước góp phần gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế của thành phố, bước đầu phát huy hiệu quả; kinh tế đêm, kinh tế số có bước phát triển, tài nguyên văn hóa dần chuyển hóa thành sức mạnh mềm văn hóa, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, phát triển và xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá Hà Nội, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Đây được coi là bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô, nhằm bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ TP cũng như chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa không chỉ làm phong phú thêm đời sống văn hóa của Thủ đô mà còn tạo ra một bức tranh văn hóa đa dạng và đầy sức sống, góp phần xây dựng một Hà Nội vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc văn hóa. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, người dân Hà Nội chính là trái tim và linh hồn của sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô, đóng vai trò không thể thay thế trong việc tạo ra một không gian văn hóa tràn đầy sức sống. Trong mỗi bước phát triển của công nghiệp văn hóa ở Hà Nội, người dân không chỉ là những người đồng hành mà còn là những người dẫn dắt, là những người thổi hồn vào từng hoạt động văn hóa và làm phong phú thêm bức tranh văn hóa của thành phố.
Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Chí Mỳ cũng nhận định, trong số các chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy Hà Nội các nhiệm kỳ, nhất là những nhiệm kỳ gần đây luôn có một chương trình riêng về phát triển văn hóa. Điều này đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Thành ủy Hà Nội với lĩnh vực này.
“Tập trung phát triển văn hóa và coi văn hóa là động lực để Thủ đô phát triển là một trong những chủ trương đúng đắn mà Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện. Khi ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng sẽ thức đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Qua đó từng bước đưa Thủ đô Hà Nội nằm trong nhóm các TP có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu”, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Chí Mỳ nhấn mạnh.
Với tầm nhìn chiến lược về sự phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền TP Hà Nội đã nhanh chóng thống nhất quan điểm, đường lối, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa nói chung, phát huy giá trị di sản văn hóa cho phát triển công nghiệp văn hóa nói riêng. Chính điều đó đã giúp Hà Nội đón bắt được những thời cơ về tiềm năng thị trường, văn hóa dân tộc, khoa học công nghệ, kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa của các nước trên thế giới... để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. TS Bùi Thị Kim Chi, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh |
Theo Báo điện tử Kinh tế & Đô thị